Tin tức - Sự kiện

VEC từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô: Nói dối như "cuội", thu phí sao minh bạch?

DNVN- Trước phản ứng gay gắt của dư luận về quyền đứng trên luật pháp của VEC và VEC E khi đưa ra quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 xe ô tô trên các cao tốc do VEC quản lý, bị Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ VN tuýt còi thì cả VEC và VEC E đã bộc lộ "nói dối như cuội". Thậm chí còn "tự thú" về Quyết định 13 "thừa hống hách, thiếu trí khôn".

Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) trực thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) thuộc quyền quản lý của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp.

Khoản 6, Điều 3 Nghị định 32: Cơ quan quản lý đường cao tốc là Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương.

Điều 20 Nghị định 32/2014 của Chính phủ về Quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường cao tốc thì Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về đường cao tốc.

Điều 2 Thông tư 90 của Bộ GTVT phân cấp quản lý đường cao tốc cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

VEC: Giấu đầu lại hở đuôi

Khi dư luận phản ứng gay gắt, buộc Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (TCĐBVN)- ông Nguyễn Văn Huyện phải lên tiếng về trách nhiệm quản lý Nhà nước với VEC.

Trả lời báo chí, ông Huyện cho biết: Ngày 13/2, tôi sẽ ký văn bản thu hồi quyết định cấm vĩnh viễn 2 ô tô của VEC, vì quyết định của VEC sai thẩm quyền, VEC chỉ là doanh nghiệp.

Bị cấp trên tuýt còi, cả VEC và VEC E cùng chối bay chối biến. Theo thông báo ngày 12/2 của TCĐBVN (sau khi báo chí lên tiếng, TCĐBVN đã yêu cầu VEC báo cáo về tổng cục):

"...Theo báo cáo số 336 ngày 12/2 của VEC : "...VEC E mới gửi văn bản số 105 đề xuất VEC xem xét từ chối phục vụ vô thời hạn với 2 phương tiện ô tô trên đây trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý và khai thác.

Ngày 12/2 VEC có văn bản 335 trả lời không chấp nhận đề xuất của VEC E và nêu rõ việc từ chối phục vụ 2 phương tiện trên đây trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý và khai thác là chưa đủ cơ sở pháp lý.

Đồng thời tại văn bản 336 ngày 12/2, VEC báo cáo sẽ rà soát lại các quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với các quy định của pháp luật...".

Xin trở lại khởi nguồn khiến dư luận và báo chí phản ứng gay gắt, đó là xuất phát từ Thông tin báo chí của VEC E đăng tải ngày 11/2 trên trang Website của VEC E. Nội dung: Thông tin báo chí về các sự cố trên đường cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây. Trong đó có đoạn:

"...Qua thông cáo báo chí này, Công ty VEC E thay mặt Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam- VEC- chủ đầu tư đương cao tốc TP.HCM- Long Thành- Dầu Giây thông báo từ chối phục vụ vĩnh viễn đối với 02 phương tiện BKS 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý và khai thác do các hành vi nêu trên (...có hành động phá hoại tài sản, có hành vi đe dọa, đuổi đánh nhân viên điều khiển giao thông...), theo Quyết định số 13/QĐ-VEC-HĐTV ngày 10/1/2019, về việc ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia giao thông trên tất cả các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý và khai thác".




Trả lời trên báo Tuổi trẻ ra ngày 11/2, ông Nguyễn Văn Nhi- Phó Tổng giám đốc VEC khẳng định việc từ chối phục vụ vĩnh viễn với 2 ô tô BKS 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý và khai thác là căn cứ theo Nghị định 32 của Chính phủ, Thông tư 90 của Bộ GTVT và Quyết định 13 của VEC.

Với câu hỏi của Tuổi trẻ "Vậy quy định ngưng tiếp nhận phương tiện của VEC có được các cấp thẩm quyền duyệt?" Ông Nhi khẳng định chắc như "đinh đóng cột"Không cần, bởi nhà đầu tư được quyền đưa ra qui định này.

Ông Trần Văn Tám- Tổng giám đốc VEC, người ký văn bản số 335 ngày 12/2 gửi VEC E và Trung tâm giám sát KTVH đường cao tốc Việt Nam nội dung: Việc VEC E đề xuất từ chối phục vụ vô thời hạn đối với 2 phương tiện mang biển số 51A-55850 và 51G-77256 trên tất cả các tuyến cao tốc do VEC quản lý và khai thác là chưa đủ cơ sở pháp lý.






Ông Nhi -Phó tổng VEC khẳng định việc từ chối phục vụ 2 xe ô tô có biển kiểm soát nói trên là căn cứ có cơ sở pháp lý, là đúng, ông Tám- Tổng VEC lại "chưa đủ cơ sở pháp lý". Chính hai ông- lãnh đạo cao nhất của VEC trả lời mâu thuẫn như vậy, thì hỏi sao VEC sao "thuận buồn xuôi gió".

Ông Mai Anh Tuấn- Chủ tịch Hội đồng thành viên- VEC- người ký Quyết định 13 ngày 10/1/2019, ban hành Quy định từ chối phục vụ và phục vụ trở lại đối với các phương tiện vi phạm quy tắc giao thông khi tham gia giao thông trên các tuyến đường cao tốc do VEC quản lý và khai thác, với nhiều điều khoản từ chối phục vụ có thời hạn, và từ chối phục vụ vĩnh viễn (Điều 5), thậm chí còn giao thẩm quyền từ chối cho đơn vị khai khác (Điều 7).

Xin được hỏi ông Trân Văn Tám- Tổng giám đốc VEC, việc ông Mai Anh Tuấn ký Quyết định 13 có đúng thẩm quyền hay không? Có đủ cơ sở pháp lý hay không?

Căn cứ theo Điều 5, Điều 7 Quyết định 13 ngày 10/1/2019 thì VEC E làm đúng quy trình mà VEC ban hành. Chỉ có VEC là trả lời "giấu được đầu lại hở đằng đuôi".

Như thế là đã rõ, trước áp lực của dư luận, báo chí cho rằng quyết định từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô của VEC E và Quyết định 13 của VEC là vi hiến và trái luật. Bộ GTVT, Tổng cục trưởng TCĐBVN tuýt còi, thì cả VEC và VEC E lại trả lời "loanh quanh" rằng, đó mới chỉ là đề xuất bằng văn bản, VEC không chấp nhận đề xuất chưa đủ cơ sở pháp lý của VEC E .

Nếu báo chí và cộng đồng mạng lên tiếng thì VEC vẫn cứ thực hiện theo Quyết định 13 mà ông Nguyễn Văn Nhi- Phó tổng VEC khẳng định là "không cần cấp có thẩm quyền phê duyệt, VEC được quyền đưa ra quy định này.

Giờ VEC lại thừa nhận với TC ĐBVN rằng sẽ rà soát lạicác quy định, quy trình nội bộ cho phù hợp với các quy định của pháp luật.

Đẩy...lên "giá treo cổ"

Ông Nguyễn Văn Huyện- Tổng cục trưởng TCĐBVN vừa dứt lời tuyên bố trên báo chí rằng "ký văn bản thu hồi quyết định cấm vĩnh viễn 2 ô tô của VEC, vì quyết định của VEC sai thẩm quyền, VEC chỉ là doanh nghiệp", thì VEC lật "thế cờ" với báo cáo số 336 ngày 12/2 gửi TCĐBVN: "Việc từ chối phục vụ vĩnh viễn 2 ô tô mới chỉ là đề xuất của VEC E và không được VEC chấp nhận vì không đủ cơ sở pháp lý".



Thậm chí VEC còn tuyên bố mỗi năm đã từ chối cả nghìn ô tô vi phạm. Chứng tỏ là bao nhiêu năm qua, VEC đã qua mặt TCĐBVN một cách ngoạn mục. Không hiểu TCĐNBV quản lý kiểu gì mà để VEC lộng quyền đến như vậy?

Với văn bản số 336, dư luận, người thì cho rằng VEC đã đẩy ông Nguyễn Văn Huyện vào thế việt vị, người thì ví von là " đẩy ông Huyện lên "giá treo cổ" trước dư luận. Ông Huyện rơi vào tình thế "đi mắc núi, về mắc sông" khi ngày 13/2, ông không thể đặt bút ký văn bản thu hồi quyết định "cấm" của VEC.



Quả là, cả VEC E và VEC đã "chơi" ông Huyện một vố đau trước dư luận và truyền thông.

Lẽ ra ông Huyện phải tuyên bố là "ký văn bản thu hồi Quyết định 13 ngày 10/1/2019 của VEC do ông Mai Tuấn Anh- Chủ tịch Hội đồng thành viên VEC chứ không phải cái" nửa quyết định, nửa thông báo của VEC E".

Doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục thông tin về Quyết định 13 "lộng quyền" của VEC .

Từ những sự việc trên, dư luận có quyền nghi ngờ việc thu phí của VEC sao minh bạch được


Thanh Thư
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo