Tin tức - Sự kiện

Việt Nam đạt được kết quả giảm nghèo ấn tượng

Trong buổi trả lời phỏng vấn của Báo Điện tử Chính phủ về công tác giảm nghèo nhân dịp diễn ra Hội nghị toàn quốc về công tác giảm nghèo, bà Caitlin Wiesen – Đại diện thường trú của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam nhấn mạnh, thành tựu giảm nghèo của Việt Nam rất ấn tượng và được quốc tế công nhận.

Xây dựng Thừa Thiên Huế thành trung tâm y tế chuyên sâu của cả nước / Phú Quốc sẽ trở thành thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam

Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen.

Bà có đánh giá như thế nào về kết quả của công tác giảm nghèo ở Việt Nam trong thời gian vừa qua?

Bà Caitlin Wiesen: Việt Nam có 53 dân tộc thiểu số, chiếm gần 15% tổng dân số cả nước là 96,2 triệu người. Tuy nhiên, các dân tộc thiểu số lại chiếm tỉ lệ 95% số dânViệt Nam sống trong tình trạng nghèo cùng cực. Việt Nam được cộng đồng ca ngợi về các chính sách và chương trình mục tiêu phát triển dân tộc thiểu số, cũng như cam kết mạnh mẽ về thu hẹp khoảng cách kinh tế-xã hội giữa người dân tộc thiểu số với người dân trong cả nước. Tuy nhiên, việc giải quyết tình trạng nghèo đói kinh niên trong cộng đồng các dân tộc thiểu số đòi hỏi các giải pháp sáng tạo và đầu tư bổ sung khi Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển mới.

Các biện pháp can thiệp của Chính phủ đã tạo một số cải thiện quan trọng về mức sống của người dân tộc thiểu số, đáng chú ý là: Sự kết nối về cơ sở hạ tầng, tiếp cận các dịch vụ công, như giáo dục và chăm sóc y tế, điều kiện nhà ở và tiếp cận các tiện ích công như điện và nước sạch. Thành tựu giảm nghèo của Việt Nam rất ấn tượng và được quốc tế công nhận. Cụ thể, tình trạng nghèo đói cùng cực (tính theo dưới 1,9 USD/người/ngày, theo sức mua tương đương năm 2011) đã giảm mạnh từ gần 50% năm 1992 xuống dưới 1% năm 2018 (Báo cáo của UNDP-TCTK 2019). Báo cáo cập nhật Phát triển con người và Nghèo đa chiều của UNDP năm 2019 cho thấy Việt Nam đứng thứ 29 trong số 102 quốc gia về chỉ số nghèo đa chiều và nằm trong số các quốc gia có thành tích cao nhất ở Đông Á và Thái Bình Dương về chỉ số này.

Những thành quả của công tác xóa đói giảm nghèo luôn song hành cùng khó khăn và thách thức. Theo bà, những khó khăn và thách thức ở Việt Nam là gì, đặc biệt ở những nhóm yếu thế?

Bà Caitlin Wiesen: Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức chính trong giảm nghèo đa chiều và phát triển kinh tế-xã hội ở các vùng dân tộc thiểu số.

 

Đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập.Đánh giá gần đây của UNDP và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho Phụ nữ (UN Women) về tác động kinh tế xã hội của COVID-19 đối với các hộ gia đình và doanh nghiệp dễ bị tổn thương ước tính rằng tỉ lệ nghèo trước COVID-19 là 22% trong các hộ gia đình dân tộc thiểu số có thể đã tăng lên 76% vào tháng 4 năm 2020 và vẫn ở mức tương đối cao là 70% vào tháng 5 năm 2020.

Người dân tộc thiểu số, đặc biệt là phụ nữ, bị tụt lại phía sau trong quá trình thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG). Họ đang nằm trong các “túi nghèo”. Điều này là do một số yếu tố hạn chế mà các dân tộc thiểu số phải đối mặt, bao gồm: Cư trú tại các khu vực thường bị cô lập về địa lý và thường xuyên xảy ra thiên tai và rủi ro biến đổi khí hậu; hạn chế khả năng tiếp cận các dịch vụ kinh tế, tài chính và xã hội có chất lượng, cũng như các rào cản về văn hóa và ngôn ngữ đối với việc tham gia phát triển. Các “túi nghèo” này đòi hỏi phải có các phương pháp tiếp cận toàn diện, cùng với các giải pháp sáng tạo, thời gian và nguồn lực tài chính để giải quyết.

Năm 2020 là năm cuối Việt Nam thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, theo bà, Việt Nam cần có những thay đổi gì về cơ chế, chính sách trong giai đoạn tới để vừa phát huy sự nhân văn trong chính sách vừa bảo đảm hiệu quả của việc giảm nghèo bền vững?

Bà Caitlin Wiesen: Thứ nhất, COVID-19 dẫn đến tình trạng bất ổn, tạo ra các thách thức và cơ hội phải được giải quyết trong quá trình thiết kế Chương trình mục tiêu quốc gia. Thành công to lớn của Việt Nam trong việc ngăn chặn COVID-19 và những tác động tiêu cực đến kinh tế-xã hội của nó đã được người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của COVID-19 đã đẩy nhiều người vào cảnh đói nghèo hơn và thay đổi phương thức kiếm sống của người dân. Những thay đổi này phải được xem xét trong quá trình thiết kế Chương trình mục tiêu quốc gia để bảo đảm Chương trình phát huy hiệu quả trong bối cảnh “bình thường mới”.

Cập nhật Chỉ số Phát triển con người năm 2020 của UNDP ước tính rằng lần đầu tiên kể từ khi chỉ số này được đưa ra cách đây 30 năm, tình trạng nghèo đói đang gia tăng trên toàn cầu và điều này cũng có thể đang diễn ra ở Việt Nam. Kết quả ước tính của Liên Hợp Quốc và Ngân hàng Thế giới cho thấy COVID-19 có thể đã làm tăng tỷ lệ đói nghèo khoảng 10% trong ngắn hạn tại Việt Nam. Ngoài việc đẩy thêm nhiều người vào cảnh nghèo đói và thay đổi phương thức kiếm sống của những người dễ bị tổn thương, COVID-19 cũng đặt ra mức độ bất ổn cao cho giai đoạn sắp tới trên toàn cầu và tại Việt Nam. Tuy nhiên, các hỗ trợ của chúng tôi tại các tỉnh Bắc Kạn và Đắk Nông cho thấy các hợp tác xã do phụ nữ dân tộc thiểu số quản lý được hỗ trợ sản xuất và kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử trước COVID-19, có khả năng chống chịu khá kiên cường trước những cú sốc của đại dịch và một số hợp tác xã thậm chí đã có thể nhanh chóng thích nghi và chuyển đổi sản xuất để đáp ứng các nhu cầu mới về chất khử trùng tay và tăng thu nhập của họ.

 

Thứ hai, Chương trình mục tiêu quốc gia cần tạo ra một hệ sinh thái, với không gian rộng lớn hơn cho các giải pháp sáng tạo tại địa phương. Nhiều sáng kiến được thí điểm thành công ở cấp địa phương, được UNDP và các đối tác phát triển khác hỗ trợ, cho thấy tiềm năng đổi mới to lớn của chính quyền và cộng đồng địa phương. Hệ sinh thái, các thử nghiệm chính sách và các cơ chế khuyến khích cần được áp dụng trong Chương trình mục tiêu quốc gia để tạo ra các giải pháp sáng tạo và nhân rộng các giải pháp thành công. Thúc đẩy sự đổi mới của địa phương là chìa khóa để đảm bảo rằng Chương trình mục tiêu quốc gia có thể giải quyết các nhu cầu đa dạng của người dân địa phương một cách hiệu quả nhất.

Thứ ba, Chương trình mục tiêu quốc gia cần đưa ra các giải pháp khuyến khích tăng cường trách nhiệm giải trình trong việc đạt được các kết quả phát triển. Việc chuyển đổi từ cách tiếp cận dựa trên đầu ra và sự tuân thủ sang cách tiếp cận quản lý dựa trên kết quả, từ đó tạo cho chính quyền địa phương và người dân nhiều không gian và tính linh hoạt hơn để sáng tạo và thử nghiệm các giải pháp tích hợp và đổi mới. Tạo điều kiện cho các cấp địa phương không gian đổi mới lớn hơn đồng thời có trách nhiệm giải trình đối với việc đạt được các kết quả, là một trong những công cụ mạnh mẽ nhất mà Chương trình mục tiêu quốc gia có thể áp dụng để hỗ trợ các vùng dân tộc thiểu số và người dân trong bối cảnh “bình thường mới” đang thay đổi nhanh chóng.

Cuối cùng, điều quan trọng là cần xây dựng khả năng tiếp thu nhanh từ các thử nghiệm địa phương. Việc học hỏi tích cực cần nhằm tới tạo điều kiện thuận lợi cho các trao đổi và đối thoại giữa các bên liên quan, chia sẻ và phổ biến kiến thức về các giải pháp đổi mới đã được thử nghiệm và thúc đẩy quá trình ra quyết định có sự tham gia.

Trong thời gian tới, UNDP sẽ có những hỗ trợ và chính sách ưu tiên gì đối với Việt Nam trong công tác giảm nghèo không, thưa bà?

Bà Caitlin Wiesen: Từ giữa những năm 1990, UNDP đã và đang hỗ trợ Việt Nam đánh giá tình trạng nghèo đói, xây dựng và thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, UNDP đang hỗ trợ Việt Nam cải cách và số hóa hệ thống trợ giúp xã hội, bao gồm thiết kế và thực hiện chính sách an sinh xã hội của Chính phủ gần đây cho người nghèo và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

 

Với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), UNDP đang hỗ trợ kỹ thuật cho công tác thiết kế và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Phát triển kinh tế-xã hội vùng Dân tộc thiếu số và Miền núi, thông qua Dự án “Tăng tốc giảm nghèo đa chiều và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2020-2025”. Dự án này nhằm xậy dựng một hệ sinh thái cho phép các bên tham gia ở tất cả các cấp tạo ra và thử nghiệm các giải pháp sáng tạo và tích hợp để đẩy nhanh giảm nghèo đa chiều ở các nhóm và vùng dân tộc thiểu số. Dự án khuyến khích các nhóm dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số, tham gia bình đẳng và hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng ứng phó trong bối cảnh COVID-19 đang thay đổi nhanh chóng.

Có thể thấy, Việt Nam đang phục hồi kinh tế trong bối cảnh “bình thường mới” với cơ hội xây dựng một tương lai không còn người dân tộc thiểu số nào bị đói nghèo. UNDP sẵn sàng tăng cường hỗ trợ Chính phủ trong việc tạo ra một Việt Nam thịnh vượng trong tương lai - ở đó không ai bị bỏ lại phía sau.

Xin trân trọng cảm ơn Bà!

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm