Việt Nam - Nhật Bản: Tình cảm ‘đặc biệt’ của Thủ tướng Kishida Fumio và quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng ‘không giới hạn’
Đà Nẵng: Giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm rất chậm / Hà Nội có 711 ca mắc COVID-19 mới ngày 3/5, gần 150.000 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi được tiêm mũi 1
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio tại lễ đón chính thức ngày 1/5 tại Hà Nội - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio vừa có chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam trên cương vị Thủ tướng, đúng dịp lễ kỷ niệm, ngày vui lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân Việt Nam: 47 năm Ngày Thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2022). Chuyến thăm để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong quan hệ giữa hai nước, hai dân tộc, người dân hai nước và cả trong tình cảm cá nhân giữa các nhà lãnh đạo.
Kết quả nổi bật nhất chuyến thăm là việc các Lãnh đạo cấp cao hai nước đã thống nhất nhận thức về các phương hướng và biện pháp cụ thể với quyết tâm cao nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược bước vào giai đoạn phát triển mới trên tinh thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả".
"Xuân phong tiếp nhân" và tình cảm đặc biệt, món quà đặc biệt
Nhắc đến vị trí Việt Nam đối với Nhật Bản, người ta nhắc đến hai người tiền nhiệm của đương kim Thủ tướng Kishida Fumio là nguyên Thủ tướng Abe Shinzo và nguyên Thủ tướng Suga Yoshihide đều chọn Việt Nam là nước đầu tiên để tới thăm sau khi nhậm chức. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là lãnh đạo nước ngoài đầu tiên được chính quyền mới của Nhật Bản mời thăm chính thức vào tháng 11 năm 2021.
Chúng tôi từng được những người bạn Nhật Bản chia sẻ, rằng phương châm hành động của Thủ tướng Kishida Fumio là câu ngạn ngữ "Xuân phong tiếp nhân", tiếp xúc với người khác ấm áp như gió xuân. Trong khu vực văn hóa Á Đông mà cả Việt Nam và Nhật Bản đều thuộc về, xuân phong hay còn gọi là đông phong (gió thổi từ phía Đông mang hơi ấm và hơi ẩm của biển) đều mang ý nghĩa cơn gió tốt lành.
Chuyến thăm của ông Kishida có thể coi như "một làn gió xuân" mới cho mối quan hệ đang phát triển hết sức tốt đẹp hiện nay giữa Việt Nam và Nhật Bản. Đặc biệt, chuyến thăm diễn ra chỉ sau 5 tháng chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính (tháng 11/2021).
Bản thân tần suất cao của các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa các nhà lãnh đạo, vừa là tín hiệu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển không ngừng cho quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước. Cũng cần nhắc lại, với hàng chục năm là thành viên và đến nay vẫn là Tổng Thư ký Liên minh nghị sĩ Hữu nghị Nhật – Việt, ông Kishida Fumio đã là một trong những người tiên phong nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Ông Kishida luôn tự hào là thành viên của nhóm Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt suốt 25 năm qua. Ông cho biết ông đã nhiều lần thăm Việt Nam - một "đất nước đặc biệt", là "mối lương duyên" đối với cá nhân ông. Và mỗi lần tới thăm, ông đều cảm thấy ấn tượng trước sự phát triển, trước nhịp sống năng động của đất nước và người dân Việt Nam.
Trong chuyến thăm này, ông đã được lãnh đạo và người dân Việt Nam đón tiếp và trao đổi rất thân tình, cởi mở như một người bạn quý lâu năm. Đó là các cuộc tiếp đón của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, cuộc hội đàm và chiêu đãi của Thủ tướng Phạm Minh Chính và cuộc hội kiến với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của cả hai nước đều dành những tình cảm, những đánh giá tích cực cho mối quan hệ song phương.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Kishida bức thư pháp với ba chữ bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật: "Chân thành, Tình cảm và Tin cậy" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Một trong những nội dung gây nhiều ấn tượng và cảm xúc tốt đẹp với tất cả các bạn bè Nhật Bản và Việt Nam, đó là bức thư pháp mà Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng Thủ tướng Kishida trong buổi chiêu đãi ngay sau khi phái đoàn cấp cao Nhật Bản tới Hà Nội.
Bức thư pháp với ba chữ bằng cả tiếng Việt và tiếng Nhật: "Chân thành, Tình cảm và Tin cậy". Đây chính là sự khái quát ngắn gọn về phương châm hợp tác đã được hai bên thống nhất nhân dịp chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Và trong cuộc hội đàm ngày 1/5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị thêm hai chữ "Thực chất, Hiệu quả", để "Chân thành, Tình cảm và Tin cậy, Thực chất, Hiệu quả" trở thành khái quát ngắn gọn, đầy đủ và chính xác nhất của mối quan hệ hữu nghị ngày càng bền chặt giữa hai dân tộc, hai đất nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida bước vào hội đàm - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Quyết tâm phát triển mối quan hệ "không giới hạn"
Lãnh đạo hai nước đều cho rằng quan hệ hai nước đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất, nhưng tiềm năng phát triển hơn nữa mối quan hệ này là "không có giới hạn", như lời của Thủ tướng Kishida. Ông cũng khẳng định sẽ nỗ lực hết mình để cùng với lãnh đạo Việt Nam mở ra một giai đoạn mới tốt đẹp hơn trong quan hệ hai nước.
Không chỉ dừng ở quyết tâm chính trị, những nội dung trao đổi trong hội đàm giữa hai Thủ tướng cũng như 22 văn kiện hợp tác được ký kết giữa hai bên trong chuyến thăm chính là những định hướng, những biện pháp cụ thể cho giai đoạn mới đó trong quan hệ hai nước.
Đó là mối quan hệ hợp tác cùng có lợi, hỗ trợ và bổ sung cho nhau trên tất cả các lĩnh vực, từ chính trị ngoại giao, an ninh quốc phòng, đến kinh tế, thương mại và đầu tư, y tế, năng lượng, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu… Đó cũng là mối quan hệ được triển khai sâu rộng trên tất cả các kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ và giao lưu giữa các địa phương và nhân dân hai nước.
Riêng trong lĩnh vực kinh tế, chuyến thăm đã tạo ra những điểm nhấn khác biệt với việc lãnh đạo hai nước nhất trí đẩy mạnh hợp tác phục hồi kinh tế thời kỳ hậu COVID-19, và việc Nhật Bản tích cực xem xét đề nghị của phía Việt Nam về Chương trình vốn vay ODA thế hệ mới với điều kiện "ưu đãi, linh hoạt, đủ lớn, thủ tục linh hoạt và dài hạn" để hỗ trợ Việt Nam trong việc xây dựng những cơ sở hạ tầng chiến lược… Thủ tướng Nhật Bản cho biết sẽ giao các cơ quan triển khai các công việc và đích thân ông sẽ quyết định việc này.
Đáng chú ý, hai bên đạt bước tiến triển mới trong hợp tác phát triển hạ tầng chiến lược của Việt Nam; nhất trí tiếp tục hợp tác đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình hạ tầng giao thông, như các tuyến đường sắt đô thị và các công trình hạ tầng giao thông chiến lược mới như tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tăng cường kết nối Việt Nam - Lào và định hướng hợp tác phát triển đường sắt cao tốc Bắc – Nam, cảng biển, cảng hàng không…
Đồng thời, hai vị Thủ tướng đã đích thân tham dự và phát biểu tại Hội thảo thúc đẩy hợp tác trong ba lĩnh vực là chuyển đổi số, đối tác đổi mới công nghệ và đa dạng hoá chuỗi cung ứng. Đây là ba sáng kiến mới được thiết lập nhân dịp chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính và cũng chính là ba nội dung hợp tác tập trung giữa hai nước trong những năm tới.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, sở hữu công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới và là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Hai quốc gia có thể hợp tác, chia sẻ để đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số của 2 quốc gia, tiến tới thiết lập một quan hệ hợp tác đối tác số.
Hỗ trợ Việt Nam thực hiện tự chủ về kinh tế
Một lĩnh vực hợp tác hiệu quả không thể không nhắc tới, đó chính là sự hợp tác về nguồn nhân lực. Hiện tại cộng đồng người Việt Nam đã trở thành cộng đồng người nước ngoài lớn thứ hai tại Nhật Bản với con số gần nửa triệu người. Đây là nguồn lực quý báu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội giữa hai nước, là cầu nối hữu nghị giữa hai dân tộc.
Cùng với đó, hai nước cũng tăng cường hợp tác thực chất trong các lĩnh vực chiến lược như ngoại giao, an ninh, quốc phòng, khoa học, văn hóa, giao lưu nhân dân… xứng tầm giai đoạn mới. Những phát biểu trên tinh thần thần "tình cảm, chân thành, tin cậy, thực chất, hiệu quả" của Thủ tướng Phạm Minh Chính về các vấn đề quốc tế và khu vực cũng nhận được sự chia sẻ, đồng tình của Thủ tướng Kishia Fumio.
Ở phạm vi bao trùm hơn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam thực hiện tự chủ về kinh tế và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, đồng thời nghiên cứu thành lập cơ chế chung để hỗ trợ Việt Nam thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa phục vụ cho kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm.
Về phần mình, Thủ tướng Kishida Fumio khẳng định tiếp tục hợp tác, hỗ trợ toàn diện Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội. Ông cũng đánh giá Việt Nam nắm giữ vị trí ngày càng quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tổng số 92 dự án nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng được Nhật Bản hỗ trợ tại ASEAN, Việt Nam đứng đầu với 39 dự án. Con số này đã cho thấy vị trí, vai trò của Việt Nam và sự quan tâm của Nhật Bản dành cho Việt Nam trong bối cảnh tổng thể chung của khu vực.
Việc Việt Nam coi Nhật Bản là đối tác quan trọng mang tính chiến lược lâu dài, mong muốn Nhật Bản có vai trò tích cực và xây dựng đóng góp cho hoà bình, an ninh và phát triển ở khu vực, góp phần nâng cao vị thế và tầm ảnh hưởng của Nhật Bản tại khu vực và trên trường quốc tế. Đồng thời, việc Nhật Bản khẳng định coi trọng vai trò và vị thế quốc tế của Việt Nam cũng góp phần khẳng định Việt Nam là bạn tốt, đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Năm 2023, hai nước Việt Nam và Nhật Bản sẽ kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Có thể nói, kết quả của chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản không chỉ giới hạn trong thời gian trước mắt, mà còn hướng tới tương lai lâu dài, không chỉ bó hẹp trong phạm vi mối quan hệ song phương mà còn có sức lan toả ở tầm khu vực và quốc tế, mở ra một trang sử mới, vận hội mới, nâng tầm cao hơn quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.
End of content
Không có tin nào tiếp theo