VPCP nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong từng giai đoạn lịch sử
Ông Nguyễn Văn Nên được phân công chỉ đạo toàn diện công tác chống dịch ở TP Hồ Chí Minh / Việt Nam chế tạo thành công hệ thống tạo oxy và khí nén di động
Tòa nhà Bắc Bộ phủ trước đây, từ tháng 8/1945 đến tháng 12/1946, là nơi làm việc của Chính phủ và VPCP - Ảnh tư liệu |
Ngày 9/2/2001, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP có quyết định số 95/QĐ-VPCP thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức kỷ niệm Ngày truyền thống VPCP. Đây là mốc đầu tiên để tiến hành nghiên cứu xác định ngày thành lập VPCP.
Để xác lập ngày truyền thống, VPCP đã có nhiều nghiên cứu, tham khảo ý kiến của các đồng chí lão thànhcách mạng ở Trung ương, nhiều nhà nghiên cứu khoa học, nghiên cứu lịch sử để trình Thủ tướng Chính phủ quyết định ngày thành lập - ngày truyền thống VPCP.
Những tư liệu lịch sử, các nghiên cứu khoa học, ý kiến của các đồng chí lão thànhcách mạng đã đi đến thống nhất: "Căn cứ vào ngày thành lập Chính phủ để xác định ngày truyền thống VPCP bởi lẽ Văn phòng luôn luôn là bộ máy giúp việc cho Chính phủ, gắn chặt với tổ chức hoạt động của Chính phủ qua các thời kỳ liên tục từ tháng 8/1945 đến nay, từ khi có Chính phủ, có người đứng đầu Chính phủ là Bác Hồ, có trụ sở làm việc phục vụ cho Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ hoạt động, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước".
Theo luận điểm trên, căn cứ vào một số tư liệu lịch sử, ngày 28/8/1945, Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra tuyên cáo thành lập, gồm 13 Bộ, 15 Bộ trưởng, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao, có trụ sở làm việc tại Bắc Bộ phủ cũ (số 12 Ngô Quyền, Hà Nội). Bản tuyên cáo ngày 28/8/1945 có các thành viên Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nội các quốc gia thống nhất) đã được công bố rộng rãi cho toàn thể quốc dân đồng bào trong nước và thế giới biết.
Từ những căn cứ trên, ngày 19/4/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 489/QĐ-TTg lấy ngày 28/8 là Ngày truyền thống VPCP.
Cơ quan giúp việc tận tâm, tin cậy và hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng
Trải qua 76 năm xây dựng và trưởng thành, các hoạt động của VPCP luôn gắn liền với sự phát triển của đất nước, sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), VPCP là cơ quan tham mưu, giúp việc, phục vụ Chính phủ giải quyết những vấn đề cấp bách liên quan đến vận mệnh đất nước, xây dựng cơ sở vật chất và đặt nền móng vững chắc cho Nhà nước dân chủ nhân dân kiểu mới; tổ chức lại chính quyền nhân dân, động viên sức mạnh toàn dân; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân để đối phó với quân xâm lược và bè lũ phản động tay sai; chỉ đạo công tác Tổng tuyển cử bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…
Thủ tướng Phạm Văn Đồng ra thăm và chụp ảnh kỷ niệm với cán bộ, công chức VPCP để mừng Đại thắng mùa xuân 1975, sau khi Tổng thống Dương Văn Minh đọc lời đầu hàng, lúc 10h sáng ngày 30/4/1975. Ảnh tư liệu |
Theo Hiến pháp năm 1946, Hồ Chủ tịch làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiêm Thủ tướng Chính phủ. VPCP lúc đó có tên gọi là Văn phòng Chủ tịch phủ, vừa phục vụ Chủ tịch nước vừa phục vụ Chính phủ. Từ năm 1948, khi có Hội đồng Quốc phòng tối cao và có chức danh Phó Thủ tướng Chính phủ, VPCP đảm nhận cả nhiệm vụ phục vụ Hội đồng Quốc phòng tối cao và Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng.
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Chủ tịch phủ chuyển từ Hà Nội lên Căn cứ kháng chiến, đặt trụ sở tại An toàn khu (ATK) Việt Bắc, mang nhiều bí danh khác nhau (như Ban Thông tin Tháng Tám, Ban Kiểm tra 12, Ban Kiểm lâm 13…) để bảo đảm bí mật, an toàn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lãnh đạo kháng chiến, đi đến thắng lợi Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc nước ta.
Thời kỳ xây dựng, bảo vệ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước (1955-1975), VPCP, mang tên là Văn phòng Phủ Thủ tướng, đã giúp Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hoàn thành công cuộc cải tạo quan hệ sản xuất cũ, khôi phục, xây dựng kinh tế; phát triển văn hóa, đưa miền Bắc vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội; đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Trong thời kỳ này, Văn phòng Phủ Thủ tướng phải hoạt động trong hoàn cảnh chiến tranh phá hoại ác liệt của Mỹ đối với miền Bắc. Cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam với sự chi viện của miền Bắc cũng diễn ra ác liệt và đã giành được từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Với nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp việc, Văn phòng Phủ Thủ tướng cũng đã có những đóng góp hết sức quan trọng trong việc đưa ra những quyết sách mới, các đề án và các giải pháp nhằm củng cố hậu phương, tăng cường sức mạnh và tiềm lực của miền Bắc, tích cực chi viện cho chiến trường miền Nam và hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả đối với nhân dân Lào và Campuchia.
Văn phòng Phủ Thủ tướng giúp tổ chức công tác theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước, xử lý kịp thời thông tin để cung cấp và phục vụ hoạt động của Hội đồng Chính phủ và Trung ương Đảng, đồng thời là đầu mối giúp Hội đồng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác chỉ đạo, điều hành tập trung.
Thời kỳ này, Văn phòng Phủ Thủ tướng cũng đã góp phần tham mưu thành lập và tổ chức các hoạt động của bộ máy VPCP cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau ngày giải phóng miền Nam (30/4/1975), Văn phòng Phủ Thủ tướng lập một bộ phận thường trực tại TPHCM để tổ chức phục vụ các hoạt động điều hành của Thủ tướng Chính phủ đối với các tỉnh phía nam trong những ngày đầu đất nước thống nhất.
Thời kỳ thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội trên phạm vi cả nước (1975-1986), sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân cả nước đã tiến hành bầu cử Quốc hội nước Việt Nam thống nhất (tháng 7/1976), tạo bước ngoặt lịch sử có ý nghĩa trọng đại, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc: Đất nước độc lập, thống nhất và cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Khi trở thành Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng, Văn phòng đã tham mưu, phục vụ Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch và các Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng chỉ đạo điều hành đất nước trong điều kiện nước Việt Nam hòa bình thống nhất, đi lên chủ nghĩa xã hội; xây dựng và kiện toàn bộ máy tổ chức, cơ chế hoạt động, lề lối làm việc của các bộ, ngành và địa phương, khắc phục những khó khăn to lớn do chiến tranh và thiên tai gây ra; tăng cường năng lực sản xuất của các ngành kinh tế; phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế, khoa học kỹ thuật, củng cố quan hệ sản xuất ở miền Bắc, cải tạo xã hội chủ nghĩa ở các tỉnh miền Nam; duy trì trật tự an ninh các tỉnh, thành phố mới giải phóng; mở rộng quan hệ đối ngoại và kinh tế đối ngoại; tổ chức chống chiến tranh biên giới Tây Nam và biên giới phía bắc thắng lợi…
Thời kỳ đổi mới, tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (1986 đến nay), từ năm 1986, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng qua các kỳ Đại hội VI, VII, VIII, IX, X, XI, XII, XIII và Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, IX, X, XI, XII, XIII, XIV, XV, VPCP luôn thể hiện tốt vai trò là cơ quan ngang bộ, là bộ máy giúp việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đất nước theo chủ trương, đường lối, mục tiêu mà Đảng và Quốc hội đề ra theo từng giai đoạn.
Những năm gần đây, trung bình mỗi năm, VPCP tiếp nhận khoảng 150.000 văn bản; tham mưu tổng hợp, trình lãnh đạo Chính phủ hơn 13.000 phiếu trình giải quyết công việc, tuân thủ Quy chế làm việc, tổng hợp đầy đủ, trung thực ý kiến của các bộ, cơ quan; ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành hơn 26.000 văn bản; xử lý khối lượng lớn công việc thường xuyên do các bộ, cơ quan trình (ban hành khoảng 1.300 tờ trình Chủ tịch nước; 60 tờ trình Quốc hội; 140 nghị quyết và 650 công văn của Chính phủ; 30 chỉ thị, gần 2.000 quyết định cá biệt và trên 1.800 công văn của Thủ tướng Chính phủ; trên 700 thông báo kết luận của lãnh đạo Chính phủ; hàng nghìn văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ) bảo đảm tuân thủ Quy chế làm việc của Chính phủ, VPCP và quy định liên quan; đồng thời, trả lại hoặc chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết đối với các hồ sơ chưa đầy đủ, không đúng trình tự, thủ tục hoặc không thuộc thẩm quyền giải quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
VPCP đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất vào năm 2015. Ảnh tư liệu |
Trung bình hằng năm, VPCP đã chủ trì tổ chức khoảng 60 cuộc họp với đại diện các bộ, cơ quan về các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, công việc do các bộ, cơ quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để trao đổi, thống nhất ý kiến hoặc làm rõ các vấn đề còn có ý kiến khác nhau trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Hình thức họp linh hoạt, nội dung trao đổi rõ ràng, thẳng thắn để cùng tháo gỡ, đưa ra phương án, giải pháp tối ưu nhất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (trong đó có nhiều đề án, văn bản quy phạm pháp luật phức tạp). Nhiều vấn đề có ý kiến khác nhau đã được thống nhất hoặc làm rõ sau cuộc họp, góp phần đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác thẩm tra và vai trò điều phối của VPCP, đồng thời giảm bớt khối lượng công việc trình Chính phủ.
Ngoài ra, VPCP đã chủ trì tổ chức nhiều cuộc họp, làm việc với đại sứ quán các nước, hiệp hội doanh nghiệp, đối tác quốc tế lớn (Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên bang Nga…) với sự tham dự của các bộ, ngành, địa phương để trao đổi, thống nhất phương án xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc tồn tại nhiều năm về ODA, FDI và một số cơ chế, chính sách khác trên tinh thần cởi mở, hợp tác và phù hợp quy định pháp luật, góp phần nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, công tác kiểm soát, cải cách thủ tục hành chính có nhiều kết quả nổi bật, là điểm sáng, góp phần giúp Việt Nam tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh và 20 bậc về cải thiện môi trường kinh doanh toàn cầu; công tác xây dựng Chính phủ điện tử phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mang lại hiệu quả thiết thực, tiết giảm chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp…
Tập trung cao độ, tham mưu nhiều biện pháp phòng, chống dịch COVID-19
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2021, trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, không nghỉ cuối tuần, không quản ngày đêm, cán bộ, công chức VPCP đã tập trung cao độ và phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm kịp thời, chính xác, thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn và Ban Thường vụ Đảng ủy, lãnh đạo VPCP. Ảnh: VGP/Hoàng Giang |
Trong đó, tham mưu trình Thủ tướng ban hành 23 quyết định, chỉ thị, công điện nổi bật như: Công điện số 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021 về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Công điện số 570/CĐ-TTg ngày 02/5/2021 về việc chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19; Công điện số 789/CĐ-TTg ngày 05/6/2021 về áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế thực hiện “mục tiêu kép”, Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 14/6/2021 về bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống cải thiện điều kiện làm việc của công nhân lao động…
Đồng thời, tham mưu nhiều giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, phát triển xuất khẩu bền vững và thúc đẩy tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm 2021. Trong đó, tham mưu cho Chính phủ ban hành theo thẩm quyền các giải pháp tài khóa tiếp tục thực hiện trong năm 2021 hỗ trợ doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch COVID-19: Cho phép tính vào chi phí các khoản chi ủng hộ, tài trợ (tiền, hiện vật) cho các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 khi xác định thu nhập chịu thuế của doanh nghiệp (theo Nghị định số 44/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ); Miễn giảm nhiều loại phí, lệ phí trong năm 2021; Giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay đến hết năm 2021 theo Nghị quyết số 1148/2020/UBTVQH14 ngày 21/12/2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19 theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ…
Đặc biệt, đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số 53/NQ-CP ngày 26/5/2021 về việc thành lập Quỹ vaccine phòng chống COVID-19 để huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ, hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, cùng với nguồn ngân sách nhà nước đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng chống dịch.
Bên cạnh đó, VPCP đã tập trung làm tốt nhiệm vụ tham mưu tổng hợp, thẩm tra các văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh; phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tổ chức công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo thẩm quyền.
VPCP cũng phối hợp cùng các đơn vị, cơ quan liên quan tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 20/5/2021 về Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; xây dựng các báo cáo Kế hoạch 5 năm 2021-2025 bám sát và cụ thể hóa các mục tiêu, định hướng phát triển, nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Cũng trong 6 tháng qua, VPCP đã tham mưu trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2021 về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2021; Quy chế quản lý, vận hành, khai thác Cổng Dịch vụ công quốc gia; Đề án “Đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính”; Nghị định về đăng ký doanh nghiệp; Nghị định về chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp; Nghị định quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Nghị định về biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (Hiệp định UKVFTA) giai đoạn 2021-2022; các nghị định về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM…
VPCP đã tham mưu xây dựng các chính sách, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật; tiếp tục quản lý, hoàn thiện, phát triển 4 hệ thống nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, làm tốt công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo điều hành về công tác thanh tra, phòng chống tham nhũng…
76 năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo Chính phủ, sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, lãnh đạo VPCP, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP luôn đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp của cơ quan, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Qua các nhiệm kỳ, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đều ghi nhận, đánh giá cao thành tích công tác của VPCP, công lao, trí tuệ, lòng nhiệt tình cách mạng, tinh thần trách nhiệm, tận tụy trong công tác của đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động VPCP - cơ quan tiên phong trong thực hiện phương châm hành động của Chính phủ.
*Bài viết sử dụng tư liệu của VPCP, sách “Lịch sử VPCP 1945-2005”End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vận hành tàu 'hoàng hậu', xây dựng Đà Lạt - Trại Mát thành tuyến đường sắt đẹp nhất Việt Nam
Cần khuyến khích thoả đáng cho chuyên gia tư vấn phản biện, giám định xã hội
Thi công thần tốc, gấp rút đưa các dự án FDI vào sản xuất
Đà Nẵng: Tặng quà cho người dân và du khách trong đêm Noel
Đại hội đồng LHQ thông qua 'Công ước Hà Nội' về tội phạm mạng
Quỹ 'Vì cuộc sống tươi đẹp' được vinh danh