Xã hội

Báo chí không nên chạy theo mạng xã hội

DNVN - Nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong cách làm báo hiện nay, nhà báo Lê Quốc Minh - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho rằng, nếu không có công nghệ thì không thể bảo đảm cơ chế tin tức tự tìm đến người dùng.

GenAI Hackathon: Sân chơi tìm kiếm những giải pháp ứng dụng GenAI trong công việc và học tập / Phát hiện bất ngờ về hiện tượng sương giá trên đỉnh núi lửa của Sao Hỏa

Báo chí không thể, không nên chạy theo mạng xã hội
Trước những sự kiện "nóng" như thay đổi nhân sự cấp cao, hiện tượng tu theo hạnh đầu đà, hay các vụ việc quấy rối tình dục, không ít người cho rằng, dường như báo chí chính thống đang "nhường sân" cho các KOL và mạng xã hội trong việc cung cấp thông tin cho người.
Chia sẻ về chủ đề này, tại buổi sinh hoạt chuyên đề do Câu lạc bộ Cafe Số tổ chức chiều ngày 14/6 tại Hà Nội, nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho biết, trước đây, báo chí chính thống cho công chúng món gì thì họ "ăn" món đó.
Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi khi công chúng trong thời đại Intenet, người dân tha hồ "ngụp lặn" trong biển thông tin. Đã có tình trạng, người dân cảm thấy không nhất thiết phải đến với báo chí để có được thông tin.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh, xu thế chiếm lĩnh thông tin của mạng xã hội là có thật. Trong khi đó, báo chí chính thống đang chuyển mình khá chậm. Đáng chý ý, trong thời gian dài, báo chí chính thống có sự tự tin và chủ quan rằng "mình là cổng thông tin, không ai sánh được với mình".
Với khoảng 40.000 – 45.000 người đang làm báo, ông Minh cho rằng đây là con số quá nhỏ so với 100 triệu dân Việt Nam, chưa kể số người Việt ở nước ngoài. Thực tế, mỗi người cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh là đã sẵn sàng trở thành 1 cơ quan báo chí.

Nhà báo Lê Quốc Minh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân dân.
"Có thể nói, báo chí không thể cạnh tranh về tốc độ thông tin với mạng xã hội. Nhưng nếu đặt tiêu chí về việc cân bằng, đa nguồn, khách quan thì các tổ chức khác không bao giờ cạnh tranh được với báo chí", ông Minh nêu quan điểm.
Tổng biên tập Báo Nhân dân nhấn mạnh, việc đòi hỏi báo chí chính thống phải cạnh tranh, chạy theo, đi trước mạng xã hội là đòi hỏi không thực tế. Tuy vậy, báo chí chính thống không thể và không nên chạy theo mạng xã hội. Lấy sở trường của mạng xã hội để cạnh tranh với sở đoản của báo chí thì không thể cạnh tranh được. Làm hay hơn họ, tốt hơn họ, chuyên nghiệp hơn họ là điều báo chí chính thống cần hướng tới.
Công nghệ là vua
Đề cập đến vai trò to lớn của công nghệ, ông Minh cho biết, "20 năm trước, chúng tôi đã nhấn mạnh vai trò của công nghệ trong báo chí, rằng công nghệ là phần không thể tách rời của báo chí. Lúc đó không có nhiều người thống nhất quan điểm này. Các cơ quan báo chí giai đoạn đó quá tự tin vào bản thân mà quên đi việc chuẩn bị cho thời kỳ mà công nghệ phát triển mạnh mẽ.
Giai đoạn trước đây, khi muốn biết thông tin, người dân phải tìm đến báo chí, mua báo, bật đài, mở tivi để theo dõi thông tin thụ động. Còn hiện nay tin tức tự tìm đến người đọc"
Vậy việc sử dụng công nghệ như thế nào, chi tiền như thế nào để tin tức đến đúng độc giả quan tâm?
Về vấn đề này, theo người đứng đầu Báo Nhân dân: "Chúng ta đã chuyển từ cơ chế người dùng tìm đến tin sang cơ chế tin tức tự tìm đến người dùng. Nếu không có công nghệ thì không thể làm điều này được. Chúng ta chi rất nhiều tiền để phân phối thông tin nhưng làm thế nào để thông tin đến người dùng là chuyện khác. Công nghệ đang là vua còn nội dung là nữ hoàng".
"Nội dung hay là điều luôn cần nhưng để đưa nội dung đến đúng độc giả mục tiêu thì cần phải có công nghệ. Làm thế nào để có nội dung hay, công nghệ tốt, tạo bản sắc riêng cho mỗi tờ báo là điều cơ quan báo chí nào cũng đều rất cần”, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam nói.
Dù vậy, ông Minh đánh giá, trong thời đại số, tư duy theo hướng không cần báo chí là chưa chuẩn bởi lẽ lượng tin giả đẩy lên mạng xã hội là rất lớn. Không phủ nhận mạng xã hội có những thông tin nhanh, hữu ích nhưng bên cạnh đó thông tin giả, sai lệch rất nhiều. Tình trạng tin giả tràn lan trên mạng xã hội tất nhiên gây bất an cho người dân.
Chia sẻ về cách làm thu hút độc giả của Báo Nhân dân, nhà báo Lê Quốc Minh cho biết, báo đã và đang đổi mới, sản xuất rất nhiều sản phẩm khác biệt.
"Với việc truyền thông các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, 1.200 bài về tư tưởng Hồ Chí Minh, mấy trăm bài phát biểu của cố Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Văn Linh..., nếu chỉ đơn thuần đăng tải một bài viết về các chủ đề này, có lẽ đọc xong, độc giả sẽ cất đi, trở thành tài liệu nghiên cứu khô khan. Nhưng Báo Nhân dân đã xây dựng các website riêng, qua đó tạo được dấu ấn mạnh mẽ", ông Minh nói.
Gần đây nhất, sản phẩm báo in bức tranh panorama tái hiện 4.500 nhân vật giữa chiến trận bi tráng 56 ngày cuối cùng của trận Điện Biên Phủ đã tạo ra cơn sốt truyền thông, thu hút sự quan tâm của đông đảo gen Z.
Với cách làm mới và tận dụng lợi thế của mạng xã hội, fanpage của Báo Nhân dân hiện nay đã nâng lên mức 300.000 lượt thích thay vì chỉ 24.000 lượt thích cách ghi nhận cách đây 3 - 4 năm. Truyền hình Nhân dân trên nền tảng YouTube có khoảng 3,6 triệu lượt theo dõi, những sản phẩm báo đưa lên TikTok có đến hàng triệu lượt người xem. Điều này cho thấy báo chí cần chiếm lĩnh các nền tảng mạng xã hội để có chủ trương truyền thông phù hợp.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm