Xã hội

Bổ sung nhiều ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

DNVN - Bộ Lao Động – Thương Binh và Xã Hội vừa ban hành Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH về Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Qua đó tạo điều kiện cho người dạy và học được hưởng các chính sách hỗ trợ...

Nên chọn nghề vì thiên hướng phát triển kỹ năng / Thúc đẩy hợp tác giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và Vương quốc Anh

Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng mới được ban hành nhằm mục đích cập nhật, bổ sung những ngành, nghề học có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà trong thực tế đào tạo mới phát sinh; hoặc những công việc của ngành, nghề trong quá trình học tập, thực hành, thực tập liên quan và chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Qua đó tạo điều kiện để người học và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được hưởng các chính sách hỗ trợ của nhà nước khi học tập và giảng dạy những ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Công nghệ kỹ thuật cơ khí được xếp vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại

Công nghệ kỹ thuật cơ khí được xếp vào nhóm nghề nặng nhọc, độc hại.

Theo đó, ở trình độ trung cấp, các nhóm ngành nghề được xếp vào nặng nhọc, độc hại như Công nghệ kỹ thuật kiến trúc và công trình xây dựng bao gồm các nghề: Công nghệ kỹ thuật xây dựng; Công nghệ kỹ thuật công trình xây dựng; Xây dựng công trình thủy; Lắp đặt giàn khoan; Xây dựng công trình thủy điện; Xây dựng công trình mỏ; Kỹ thuật xây dựng mỏ...

Nhóm ngành Công nghệ kỹ thuật cơ khí gồm: Công nghệ kỹ thuật cơ khí; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Công nghệ kỹ thuật đóng mới thân tàu biển; Công nghệ chế tạo máy; Công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ; Công nghệ ô tô; Công nghệ hàn…

Nhóm ngành Kỹ thuật cơ khí và cơ kỹ thuật gồm các nghề: Chế tạo thiết bị cơ khí; Gia công và lắp dựng kết cấu thép; Gia công lắp ráp hệ thống ống tàu thủy; Cắt gọt kim loại; Sửa chữa máy tàu thuỷ; Sửa chữa thiết bị mỏ hầm lò; Sửa chữa máy thi công xây dựng...

Nhóm ngành Kiến trúc và xây dựng gồm các nghề: Kỹ thuật xây dựng; Xây dựng cầu đường; Xây dựng cầu đường bộ; Cốp pha – giàn giáo; Cốt thép – hàn; Mộc xây dựng và trang trí nội thất…

Nhóm ngành Kỹ thuật điện, điện tử và viễn thông, bao gồm các nghề: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; Điện công nghiệp và dân dụng; Điện tàu thủy; Vận hành nhà máy thủy điện; Lắp đặt đường dây tải điện và trạm biến áp có điện áp từ 220 KV trở lên; Quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 220 KV trở lên; Quản lý vận hành, sửa chữa đường dây và trạm biến áp có điện áp từ 110KV trở xuống…

Ở trình độ cao đẳng, một số nhóm ngành thuộc danh mục nặng nhọc độc hại như Kỹ thuật hóa học, vật liệu, luyện kim và môi trường, gồm các nghề như: Luyện gang; Luyện thép; Luyện kim màu; Xử lý chất thải công nghiệp…

Theo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, trong quá trình 5 năm áp dụng tổ chức thực hiện từ năm 2017, qua công tác quản lý, đã có nhiều ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phản ánh, đề xuất cần thiết phải cập nhật, bổ sung Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cho phù hợp với điều kiện thực tế trong hoạt động sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Năm 2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 về cácDanh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để thay thế các văn bản đã ban hành trước đó quy định về các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; trong đó đã bổ sung thêm nhiều lĩnh vực, ngành nghề và công việc có tính chất nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm liên quan đến các lĩnh vực ngành, nghề học trong giáo dục nghề nghiệp.

Do đó, việc cập nhật, bổ sung Danh mụcngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng là cần thiết và phù hợp để đáp ứng kịp thời các yêu cầu thực tiễn trong việc tổ chức đào tạo những ngành, nghề có các hoạt động học tập, giảng dạy liên quan đến các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong điều kiện hiện nay.

Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH có hiệu lực kể từ ngày 30/7/2023, áp dụng đối với các khóa học tuyển sinh và tổ chức đào tạo từ ngày Thông tư có hiệu lực thi hành.

Thông tư này thay thế Thông tư số 36/2017/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.

Anh Quang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm