Xã hội

Đẩy mạnh giáo dục quyền con người tại cơ sở đào tạo

DNVN - Hình thành kỹ năng đưa nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người vào chương trình đào tạo… Đây là một trong những công tác quan trọng đang được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tích cực triển khai.

50 năm phát triển Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội / Tháo gỡ nút thắt dạy văn hóa trong trường nghề

Đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra

Đề xuất về chương trình và giờ giảng thực tế

Thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 34/CT-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) đã tổ chức các khóa tập huấn cho cán bộ quản lý, nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong cả nước về kỹ năng biên soạn chương trình, tài liệu giảng dạy nội dung quyền con người ở các cấp trình độ đào tạo của giáo dục nghề nghiệp.

Chương trình tập huấn năm nay có sự đổi mới khi kết hợp được các góc nhìn của chuyên gia trong nước và quốc tế, giữa các chuyên đề lý thuyết và thực hành. Các chuyên gia cùng đội ngũ giảng viên đã đưa ra những ví dụ về lồng ghép nội dung quyền con người tại cơ sở đào tạo và đối tượng đào tạo cụ thể như: dịch vụ, y tế, du lịch, luật, kỹ thuật; nhóm trường có nhiều học sinh, sinh viên là người dân tộc thiểu số, nhóm các trường trung cấp… Giải quyết các tình huống giả định và trao đổi, thống nhất về việc lồng ghép nội dung quyền con người theo Khung tài liệu tập huấn.

Đa số các ý kiến cho rằng, trong điều kiện thời lượng các môn học chung, môn học lý thuyết rất hạn chế, việc tích hợp, lồng ghép nội dung quyền con người vào môn lý luận chung về nhà nước và pháp luật với thời lượng 8 giờ đối với các trường cao đẳng khối luật, hành chính, nội chính; lồng ghép, tích hợp vào môn pháp luật hoặc pháp luật đại cương với thời lượng ít nhất 6 giờ đối với các trường cao đẳng không thuộc khối luật, hành chính, nội chính như quy định của Đề án 1309 là một thách thức rất lớn.

Việc lồng ghép nội dung quyền con người trong môn pháp luật, chính trị hoặc trong tuần lễ sinh hoạt đầu khóa cho học sinh, sinh viên là phương án khả thi và dễ thực hiện đối với các trường. Bên cạnh đó, rất nhiều trường đã đề xuất tăng thêm số giờ giảng đối với môn pháp luật/pháp luật đại cương để có thể lồng ghép các nội dung theo yêu cầu của Đề án.

Nâng cao nhận thức và hình thành kỹ năng

Xu thế quốc tế việc lồng ghép nội dung quyền con người được đưa vào toàn bộ các hoạt động dạy và học của các trường. Tuy nhiên, đây cũng là phương án khó nhất do các trở ngại, từ ý thức, nhận thức của lãnh đạo, năng lực của giáo viên các trường, đặc thù đa ngành nghề của giáo dục nghề nghiệp, trình độ đầu vào của học sinh, sinh viên và nguồn kinh phí thực hiện… Trong đó quan trọng nhất chính là nhận thức và sự quan tâm của lãnh đạo trường và sự quyết tâm triển khai của chính các thầy cô giáo.

TS. Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Việc lồng ghép nội dung quyền con người trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và hệ thống giáo dục nghề nghiệp nói riêng nhằm triển khai Chỉ thị 44-CT/TW ngày 20/7/2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Công tác nhân quyền trong tình hình mới”; cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 về công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong giai đoạn mới. Đồng thời thực hiện cam kết, trách nhiệm của Việt Nam trước cộng đồng quốc tế về đẩy mạnh hoạt động giáo dục quyền con người.

Việc tập huấn cho cán bộ quản lý và giảng viên, giáo viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp là hoạt động cần thiết nhằm giúp người học nắm được các vấn đề cơ bản và hệ thống về vấn đề quyền con người đồng thời hình thành kỹ năng đưa nội dung, phương pháp giáo dục quyền con người vào chương trình đào tạo, thực hành một số kỹ năng, phương pháp lồng ghép giáo dục quyền con người vào chương trình đào tạo”.

Sau khóa tập huấn, Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp sẽ phối hợp với các cơ quan, đối tác có liên quan xây dựng các tài liệu tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhà giáo, học sinh, sinh viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Thông qua các cuộc thi tìm hiểu về quyền con người cũng như xem xét, đề xuất lựa chọn một số trường để thí điểm mô hình “Trường học vì quyền con người” để đánh giá, rút kinh nghiệm, lựa chọn hướng đi phù hợp nhất trong việc lồng ghép nội dung quyền con người trước khi nhân rộng và áp dụng trong toàn hệ thống.

Quyết định số 1309/QĐ-TTg ngày 05/9/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào chương trình giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân (Đề án 1309). Mục tiêu của đề án nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục quyền con người, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người học, của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục về tầm quan trọng, ý thức tự bảo vệ các quyền của bản thân, tôn trọng nhân phẩm, các quyền và tự do của người khác; ý thức về trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước và xã hội, góp phần phát triển toàn diện con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước.

Anh Quang
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm