Giảm bớt gánh nặng trên vai phụ nữ dân tộc thiểu số
Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ được ưu tiên hàng đầu / Hòa Bình: Những mô hình do phụ nữ làm chủ cho thu nhập khủng
Phát biểu tại “Hội nghị chia sẻ kết quả thực hiện hợp phần Thời gian dành cho Công việc Chăm sóc không được trả công” thuộc Dự án “Nâng quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam”, sáng 15/3, đại diện Tổ chức CARE Quốc tế tại Việt Nam cho biết: Công việc chăm sóc là hoạt động thiết yếu với cuộc sống của con người và tăng trưởng kinh tế bền vững. Nhưng trên khắp thế giới, công việc chăm sóc thường bị đánh giá thấp và mang tính phân biệt giới cao.
Một nghiên cứu của CARE tại các cộng đồng dân tộc thiểu số cho thấy phụ nữ dân tộc thiểu số tại Việt Nam phải dành khoảng 5 giờ mỗi ngày cho công việc chăm sóc không được trả công, gần gấp đôi so với nam giới.
Ba nhóm công việc chăm sóc không được trả công chiếm nhiều thời gian nhất bao gồm các hoạt động chăm sóc sức khỏe trực tiếp như chăm sóc trẻ em, người già, người bệnh, người tàn tật (30,3%), nấu ăn và dọn dẹp sau bữa ăn (19,1%) và kiếm củi (13,2%). Bên cạnh đó, những hộ gia đình làm nghề chăn nuôi, thời gian dành cho việc chuẩn bị thức ăn cho vật nuôi cũng chiếm một khoảng không nhỏ.
Gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công nặng nề và bất bình đẳng đã ngăn cản nhiều phụ nữ trong độ tuổi lao động kiếm được công việc xứng đáng.Theo bà Lê Kim Dung - Giám đốc CARE Quốc tế tại Việt Nam, dự án AWEEV triển khai tại Lai Châu và Hà Giang trong 18 tháng vừa qua đã giúp phụ nữ tiết kiệm được nhiều thời gian để tham gia các hoạt động sinh kế tạo thu nhập và chăm sóc bản thân.
Thông qua các chương trình dự án, CARE hỗ trợ giảm bớt gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công trên vai phụ nữ và tăng cường sự tham gia của họ hoạt động kinh tế, giáo dục cũng như các hoạt động giải trí phù hợp với lựa chọn của họ.
Những hoạt động hỗ trợ nhằm giảm gánh nặng công việc chăm sóc không được trả công đã giúp phụ nữ giảm 17% thời gian dành cho công việc này, trong khi nam giới tăng 16% thời gian dành cho các hoạt động chăm sóc. Thời gian làm các hoạt động sinh kế tạo thu nhập của phụ nữ tăng 35%.
Theo ông Vũ Văn Hiếu- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, dự án “Nâng quyền kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số” được Chính phủ Canada tài trợ từ tháng 9/2021 tại huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang đã đạt được kết quả tích cực.
Đó là hỗ trợ 10 điểm trường mầm non (sửa chữa, nâng cấp phòng lớp học, nhà vệ sinh, bếp nấu; hỗ trợ thiết bị cần thiết cho bán trú và đồ dùng dạy học..); hỗ trợ gần 600 máy thái rau, cỏ chuẩn bị thức ăn trong chăn nuôi hộ gia đình, hỗ trợ phát triển 6 mô hình sinh kế, tìm hướng đi cho chuỗi sản xuất chè, tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng lan tỏa thông điệp bình đẳng giới.
“Các hoạt động hỗ trợ đó đã tác động trực tiếp lên hàng nghìn hộ gia đình trong vùng dự án của huyện Quang Bình, Hà Giang. Chúng tôi mong muốn dự án tiếp tục có nhiều hoạt động giúp vùng dự án thật sự phát triển bền vững về kinh tế và tinh thần, lan tỏa cho các địa phương khác trong tỉnh”, ông Hiếu nói.
End of content
Không có tin nào tiếp theo