Xã hội

Hơn 91% cơ quan Nhà nước chưa có danh mục thông tin phải công khai

DNVN – Theo kết quả đánh giá việc thực thi Luật tiếp cận thông tin dựa trên khảo sát với 324 cơ quan Nhà nước trên toàn quốc, hiện 82,4% cơ quan chưa có đầu mối cung cấp thông tin và chuyên mục tiếp cận thông tin; 91,3% cơ quan chưa có danh mục thông tin phải công khai và 100% cơ quan chưa có danh mục thông tin cung cấp có điều kiện.

Lần đầu tiên số bệnh nhân xuất viện ở TP Hồ Chí Minh đã cao hơn số nhập viện / Thêm 1,3 triệu liều vaccine COVID-19 về đến Việt Nam

Thông tin trên được đưa ra tại tọa đàm trực tuyến “Chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Tiếp cận thông tin” do Trung tâm Thúc đẩy giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ (CEPEW), Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS)... tổ chức ngày 27/9.
Tại sự kiện, nhóm nghiên cứu đã công bố kết quả “Đánh giá việc thực thi Luật TCTT” (lần thứ ba), dựa trên khảo sát với hơn 324 cơ quan nhà nước trên toàn quốc và nghiên cứu sâu hơn ở hai tỉnh Quảng Bình và Sơn La.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin trong các cơ quan Nhà nước đã có chuyển biến tích cực nhưng tỷ lệ còn thấp.
Người dân tra cứu thủ tục hành chính quan màn hình cảm ứng. Ảnh minh họa.

Cụ thể, trong số 324 cổng/trang thông tin điện tử của các cơ quan Nhà nước được rà soát, nhóm nghiên cứu chưa tìm thấy đầu mối cung cấp thông tin và chuyên mục tiếp cận thông tin của 82,4% cơ quan, chưa tìm thấy danh mục thông tin phải công khai của 91,3% cơ quan; và đặc biệt, chưa tìm thấy danh mục thông tin cung cấp có điều kiện của 100% cơ quan.
Về cung cấp thông tin theo yêu cầu của công dân, kết quả cho thấy, trong số 315 cơ quan Nhà nước được gửi thư yêu cầu cung cấp thông tin, chỉ 27,9% cơ quan cung cấp thông tin; 5,7% số cơ quan từ chối cung cấp thông tin; 7,9% số cơ quan thể hiện chưa nắm được quyền yêu cầu cung cấp thông tin của công dân khi tương tác với các thành viên của nhóm nghiên cứu.
Trong số ít những cơ quan Nhà nước đã thiết lập chuyên mục Tiếp cận thông tin và danh mục thông tin phải công khai, một số điển hình tích cực được nhóm nghiên cứu kể đến là Cổng thông tin điện tử Chính phủ và Cổng thông tin điện tử của Văn phòng Chính phủ, chuyên mục của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh Bến Tre, UBND tỉnh Bắc Ninh, và UBND xã Xuân Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Nhóm nghiên cứu đánh giá cao danh mục thông tin phải công khai trên Cổng thông tin điện tử UBND tỉnh Bắc Ninh được thể hiện dưới các hình thức văn bản phù hợp với cả người cao tuổi và người khuyết tật.
Trong số các khuyến nghị tới các cơ quan nhà nước ở lần đánh giá thứ ba về việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin, nhóm nghiên cứu đặc biệt nhấn mạnh việc các cơ quan Nhà nước nhanh chóng triển khai thiết lập và duy trì chuyên mục tiếp cận thông tin, danh mục thông tin phải công khai và thông tin cung cấp có điều kiện để thực hiện công khai thông tin một cách đầy đủ, kịp thời và chính xác.
Đồng thời, nhanh chóng phân công đầu mối cung cấp thông tin và công khai quy chế cung cấp thông tin theo tin thần của Luật Tiếp cận thông tin.
“Việc này sẽ giúp người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận với thông tin mà không mất quá nhiều thời gian, quy trình tìm kiếm hay thực hiện yêu cầu thông tin; từ đó, tăng hiệu quả quản trị của cơ quan nhà nước cũng như thúc đẩy niềm tin của nhân dân”, đại diện nhóm nghiên cứu nêu.
Bà Nguyễn Kim Thoa - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự và hành chính thuộc Bộ Tư pháp kiến nghị, cơ quan Nhà nước cần lập, duy trì và cập nhật danh mục thông tin phải được công khai và thông tin cung cấp có điều kiện cho công dân để giảm nhẹ gánh nặng cho các cơ quan Nhà nước khi phải giải quyết các yêu cầu cung cấp thông tin của công dân và các nhà báo.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm