Xã hội

Tổng cục Thống kê: Tình hình kinh tế – xã hội quí II còn đối mặt nhiều thách thức

DNVN - Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước. Bước sang quý II, tình hình kinh tế – xã hội còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đà Nẵng thành lập Ban tổ chức Diễn đàn Phát triển đường bay Châu Á năm 2022 / Việt Nam tham gia Chương trình Thị thực Nông nghiệp Australia: Cơ hội cho người lao động

Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế – xã hội quý I năm 2022 sáng 29/3, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020.
Tuy nhiên, mức tăng GDP 3 tháng đầu năm nay vẫn thấp hơn tốc độ tăng 6,85% của quý I năm 2019.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%. Khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%.
Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 7,79% so với cùng kỳ năm trước.
"Nền kinh tế đạt mức tăng trưởng 5,03%, đây là mức tăng trưởng khá so với các nước trong khu vực và trên thế giới", bà Hương nói.
Dẫn dắt

Các doanh nghiệp đang "tăng tốc" hồi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cũng theo bà Hương, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến phức tạp, lây lan nhanh trong cộng đồng, tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động khó lường, nhưng bức tranh kinh tế – xã hội Việt Nam quý I năm 2022 đạt được mức tăng trưởng khá trên các lĩnh vực.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp. Cung cầu hàng hóa trong nước được bảo đảm, hoạt động mua sắm hàng hóa, tiêu dùng và xuất khẩu tăng cao. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng trưởng khá cao khẳng định chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Hoạt động sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý I năm 2022. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện rõ rệt, tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt mức cao, an sinh xã hội được quan tâm thực hiện.
Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 6,4%. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt 34,6 nghìn doanh nghiệp. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ghi nhận mức tăng 4,4%. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng 8,9%. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 1,92%, còn lạm phát cơ bản tăng 0,81%
Về thương mại, tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa lần lượt tăng 12,9% và 15,9%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu ở mức 809 triệu USD...
"Bức tranh kinh tế - xã hội quý I có được là do sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước", bà Hương nhìn nhận.
Tuy nhiên, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, bước sang quý II, kinh tế – xã hội nước ta còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi tình hình chính trị thế giới phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, giá hàng hóa thiết yếu tăng cao, nguy cơ lạm phát cao trên toàn cầu. Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới.
Do đó, kinh tế Việt Nam năm 2022 tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, việc đạt mục tiêu tăng trưởng 6,5% là thách thức lớn, cần sự chung sức, đồng lòng của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.
Thu An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm