Chủ tịch Quốc hội: Cần khắc phục tình trạng luật khung, luật ống
Quốc hội thông qua nghị quyết hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội / Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù để triển khai gói hỗ trợ gần 350.000 tỉ đồng
Sáng 28/3, tại Nhà Quốc hội,diễn ra Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách thảo luận về một số dự án luật trình quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XVtheo hình thức tập trung tại Hội trường Diên Hồng kết hợp trực tuyến.
Tham dự Hội nghị có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.
Hội nghị thảo luận, cho ý kiến về 4 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các đại biểu thảo luận tranh luận để thể hiện rõ chính kiến có phân tích sâu sắc lập luận thuyết phục biến tích cực về các vấn đề của dự thảo luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra.
Quán triệt sâu sắc chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng đoàn Quốc hội đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch số 81 triển khai thực hiện Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, trong đó xác định 137 nhiệm vụ lập pháp với 8 nhóm định hướng lớn và 70 định hướng cụ thể nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển đất nước.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng, từ sớm, từ xa, ngay sau khi kết thúc Kỳ họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng hợp, nghiêm túc giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội; tổ chức nhiều cuộc khảo sát thực tế, hội thảo, tọa đàm lấy ý của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp, tham vấn ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý để có thêm thông tin, cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện các dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2.
Việc chuẩn bị kỹ lưỡng các dự án luật trước khi trình quốc hội thông qua, nhằm đảm bảo chất lượng cao nhất cho các dự án Luật, đồng thời có thể tiết kiệm tối đa thời gian họp chính thức của các kỳ họp Quốc hội.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh một số nội dung quan trọng về các dự thảo luật. Về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế về sở hữu trí tuệ theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền sở hữu trí tuệ được bảo vệ và thực thi; bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ… đã sớm được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đề ra.
Mặc dù là Luật sửa đổi, bổ sung lần này nhưng có đến hơn 100 điều của Luật hiện hành phải sửa đổi; đồng thời, còn điều chỉnh một số quy định tại 4 luật khác có liên quan. Việc ban hành Luật sẽ góp phần quan trọng thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả nền kinh tế trong điều kiện cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng ở nước ta.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, việc sửa đổi toàn diện Luật Thi đua, khen thưởng lần này nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Đảng, tư tưởng về thi đua yêu nước củaChủ tịch Hồ Chí Minh, về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong tổ chức thực hiện phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và chủ động hội nhập quốc tế; tổ chức các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, đổi mới công tác khen thưởng đảm bảo tính chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch, chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, người dân, người lao động, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, quan tâm khen thưởng cơ sở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo và vùng dân tộc thiểu số; tập trung giải quyết dứt điểm việc khen thưởng thành tích trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.
Vì vậy, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tập trung vào việc thảo luận xem các chương mục, các điều khoản quy định đã bảo đảm các quan điểm, yêu cầu, mục tiêu sửa đổi đối với dự án luật này hay chưa. Đồng thời tập trung vào một số nội dung cụ thể, còn có ý kiến khác nha và những vấn đề khác mà đại biểu Quốc hội quan tâm nhằm bảo đảm công tác thi đua, khen thưởng ngày càng đi vào thực chất, động viên, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo, vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Luật Điện ảnh được sửa đổi toàn diện nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Hiến pháp năm 2013, xây dựng nền điện ảnh Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong tổng thể phát triển của văn hóa - xã hội, đảm bảo tính minh bạch, tính khả thi cao và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, thực hiện hiệu quả cam kết trong các khuôn khổ pháp lý quốc tế về lĩnh vực điện ảnh và phát triển công nghiệp điện ảnh với tư cách là một ngành kinh tế. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ mong muốn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tập trung vào nội dung của dự án luật này đã quán triệt các quan điểm, nguyên tắc và các yêu cầu đặt ra khi sửa đổi toàn diện luật này hay chưa.
"Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cũngtập trung nghiên cứu, hiến kế, cho ý kiến vào một số vấn đề, phương án quy định cụ thể các điều khoản chi tiết, để hạn chế tối đa tình trạng “luật khung, luật ống”, nhất là về các nội dung: Chính sách của Nhà nước về phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh, đây là điều rất khó, làm không khéo thì thành chung chung trong văn bản pháp luật, ưu tiên thì ưu tiên thế nào, ưu tiên cái gì; qua thảo luận thì thấy dự án luật này rất tốt, rất toàn diện, nhưng cố gắng làm sao để có những điều khoản, điều luật cụ thể khắc phục tình trạng luật khung, luật ống, nếu chỉ đề ra khẩu hiệu, nguyên tắc chung thì sau này triển khai thực hiện trong thực tiễn rất khó", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Về dự thảo Luật kinh doanh bảo hiểm sửa đổi, hiện nay, tiềm năng thị trường bảo hiểm tại Việt Nam rất lớn nhu cầu bảo hiểm ngày càng cao,trong khi đó quy mô thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm trên tổng GDP của cả nước còn thấp, chất lượng sản phẩm, dịch vụ bảo hiểm chưa ổn định, thông tin và nguồn thông tin về doanh nghiệp bảo hiểm, sản phẩm bảo hiểm còn chưa đa dạng, đầy đủ, toàn diện dễ phát sinh các tranh chấp.
Do đó, dự án luật này đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ hai theo hướng sửa đổi toàn diện, nhằm kịp thời giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra xây dựng và phát triển thị trường bảo hiểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời để thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hiệu quả của nền kinh tế. Chú trọng phát triển các loại hình dịch vụ hiện đại có giá trị gia tăng cao như tài chính, ngân hàng bảo hiểm, logistic.
Do thời gian để cho ý kiến vào 4 dự thảo luận chỉ diễn ra trong 2 ngày,Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu: "Các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt then chốt, phát huy bề dày kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết, thảo luận tranh luận để thể hiện rõ chính kiến, có phân tích sâu sắc lập luận thuyết phục về các vấn đề của dự thảo luật cũng như những vấn đề thực tiễn đặt ra để Ủy ban thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định thông qua tại kỳ họp thứ ba".
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Thụy Sĩ tham dự Hội nghị WEF Davos lần thứ 55
Đẩy mạnh hợp tác trong cộng đồng Pháp ngữ phát triển nông nghiệp bền vững
Sóc Trăng có tân giám đốc công an tỉnh
Đường hoa xuân Menas Mall 2025: Hành trình gắn kết, khơi nguồn thịnh vượng
Đà Nẵng: Phẫu thuật laser bóc u tuyến tiền liệt nặng 120g cho cụ ông 95 tuổi