Xã hội

TP.Hải Phòng: Dùng biên bản “khống” để không đền bù tài sản cho dân

DNVN - Gần 20 hộ dân trong diện giải tỏa để thực hiện Dự án đường Bắc Sơn - Nam Hải, TP.Hải Phòng (đoạn qua các xã Đặng Cương, Hồng Thái… huyện An Dương) bị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng (QLDAĐTXD) huyện “dán” cho những biên bản vi phạm trật tự xây dựng “khống” để quỵt tiền đền bù.

Bình Thuận: Ngăn chặn sự khuynh đảo giao dịch đất đai bất hợp pháp của Tập đoàn Novaland / Cựu binh thành cổ Quảng Trị phát giác Lê Xuân Tánh lừa đảo có tổ chức, quy mô lớn (?)

Trình bày với PV Doanh nghiệp VN, cụ Hoàng Thị Luật (SN 1940, trú tại thôn Hy Tái, xã Hồng Thái, huyện An Dương) cho biết: “Năm 2009, gia đình tôi xây dựng nhà trên đất thổ cư, có giấy chứng nhận quyền sở dụng đất, sở hữu nhà trên đất năm 1994. Hiện gia đình tôi có 4 thế hệ, 13 nhân khẩu cùng chung sống ở ngôi nhà này. Khi nhà nước có chủ trương thực hiện dự án đường Bắc Sơn - Nam Hải phát triển giao thông, đô thị, gia đình chấp hành đầy đủ các quy định để cán bộ đến kiểm kê…Khi thực hiện đền bù vật kiến trúc trên đất thì chính quyền không cho gia đình tôi nhận đền bù tiền nhà…với lý do, nhà tôi làm khi đã có thông báo dự án, bị lập biên bản vi phạm hành chính…”.
Một trường hợp tương tự nhà hộ bà Phạm Ánh Hồng (cũng trú tại thôn Hy Tái, xã Hồng Thái) có diện tích đất thổ cư 3.780m2 được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ từ năm 1994. Thực hiện Dự án đường Bắc Sơn-Nam Hải, hộ bà Hồng bị thu hồi 1.665,8 m2. Trên diện tích đất này có nhà gỗ 5 gian, nhà cổ là nhà thờ, được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ XX và 21 phòng cho thuê trọ cùng với nhiều hoa màu trên đất. Thê nhưng theo bà Hồng: “Ban QLDAĐTXD huyện vào kiểm đếm tài sản từ tháng 11/2013. Sau đó, huyện chỉ có thông báo, bản thông báo không có dấu đỏ, ghi rõ, gia đình tôi chỉ được đền bù tiền đất chứ không được đền bù tiền vật kiến trúc, hoa màu trên đất (phần đất bị thi hồi)”.
Các hộ dân bức xúc vì không được đền bù tài sản đúng pháp luật.

Các hộ dân bức xúc vì không được đền bù tài sản đúng pháp luật.


Trước những khiếu nại của gia đình cụ Luật, bà Hồng và 17 hộ khác đòi quyền lợi chính đáng. Ngày 27/6/2017, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Lê Anh Quân (nay ông Lê Anh Quân là Bí thư, Chủ tịch UBND huyện An Dương) đã chủ trì cuộc họp giải quyết khiếu nại của các hộ dân liên quan đến đền bù GPMB dự án đường Bắc Sơn-Nam Hải.
Thành phần cuộc họp có Phó Chủ tịch thường trực huyện là ông Nguyễn Trường Sơn; các ngành nội chính như: Tòa án, Viện Kiểm sát, Công an, Thanh tra, Tư pháp và Phòng Tài nguyên môi trường; Phòng Kinh tế hạ tầng; Chi cục Thi hành án; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện; Chủ tịch và cán bộ địa chính xã Hồng Thái.
Tại cuộc họp, ông Lê Quang Phụng – Giám đốc Ban QLDAĐTXD huyện báo cáo rằng: Dự án đường Bắc Sơn-Nam Hải đoạn qua địa phận xã Hồng Thái và Đặng Cương “vướng mắc do 19 hộ xây dựng các công trình, vật kiến trúc trên đất ở của gia đình đã được UBND xã và các đơn vị liên quan lập Biên bản v/v xây dựng sau thời điểm cắm mốc chỉ giới GPMB đường Bắc Sơn-Nam Hải, có các biên bản kèm theo…”.
Tại cuộc họp Viện trưởng Viện Kiểm sát ND huyện An Dương đánh giá: “Sau khi nghiên cứu các Biên bản do Ban QLDAĐTXD huyện sao gửi, cho thấy: “Các Biên bản đều không có chữ ký của người vi phạm, nội dung các biên bản được lập chỉ thể hiện được thời điểm lập biên bản, không xác định rõ được thời điểm các hộ dân tiến hành việc xây dựng và thời điểm cơ quan có thẩm quyền cắm mốc chỉ giới GPMB, do đó không đủ căn cứ để khẳng định các trường hợp này đã tiến hành xây dựng công trình sau thời điểm cắm mốc chỉ giới GPMB. Đề nghị UBND huyện xem xét lập phương án bồi thường, hỗ trợ đối với các trường hợp để tránh xảy ra khiếu kiện”.
Chánh án Tòa án ND huyện nhất trí với ý kiến của Viện trưởng Viện Kiểm sát ND huyện và bổ sung: “Thông báo số 55/TB-UBND ngày 25/2/2011 của UBND thành phố có nội dung yêu cầu UBND huyện thông báo đến từng tổ chức, cá nhân, hộ gia đình về thu hồi đất, GPMB thực hiện dự án. Vậy có căn cứ nào để chứng minh việc huyện và xã đã thông báo đến từng hộ dân? Huyện đã có văn bản thông báo v/v các hộ dân không được xây dựng các công trình, vật kiến trúc sau khi căm mốc chỉ giới thu hồi đất chưa? Nếu không có căn cứ các hộ dân trên đã xây dựng công trình sau thời điểm căm mốc chỉ giới GPMB thì phải lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho dân để tránh xảy ra khiếu kiện…”.
Ý kiến của lãnh đạo Công an, Thanh tra, Tư pháp, Chi cục Thi hành án, Tài nguyên môi trường, Kinh tế hạ tầng huyện đều: “Nhất trí với ý kiến của lãnh đạo Tòa án, Viện Kiểm sát. Các Biên bản đã lập từ tháng 5/2013, đều không thể hiện được rõ thời điểm các hộ dân tiến hành xây dựng, các biên bản không có chữ ký của người vi phạm và người làm chứng. Sau khi lập biên bản, không gửi 1 bản cho người vi phạm, do đó không đủ căn cứ để chứng minh những trường hợp này đã xây dựng sau thời điểm cắm mốc GPMB. Các công trình, vật kiến trục do các hộ dân xây dựng trên đất thổ cư của gia đình và đều là những công trình không phải xin cấp phép xây dựng theo quy định…”.
Các ngành trong chính quyền huyện An Dương đã xác định dân phải được đền bù đúng pháp luật.

Các ngành trong chính quyền huyện An Dương đã xác định dân phải được đền bù đúng pháp luật.


Ông Lê Anh Quân, Chủ tịch UBND huyện kết luận cuộc họp: “Biên bản đã lập với các hộ dân ở xã Đặng Cương, Hồng Thái từ tháng 5/2013 về việc xây dựng công trình, vật kiến trúc sau khi căm mốc GPMB đường giao thông đô thị không thể hiện rõ thời điểm các hộ dân bắt đầu tiến hành việc xây dựng công trình và địa điểm xây dựng công trình. Do vậy, không đảm bảo nội dung của biên bản theo quy định tại khoản 2, Điều 55, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, nay là khoản 2, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, các văn bản đã lập đều không có đủ căn cứ pháp lý để chứng minh các trường hợp này đã xây dựng công trình sau thời điểm cắm mốc chỉ giới GPMB. Biên bản lập xong, không gửi cho người vi phạm 1 bản theo quy khoản 4, Điều 55, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, nay là khoản 3, Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Để việc kiểm kê, lập phương án bồi thương cho các trường hợp này được đảm bảo chặt chẽ, yêu cầu: … Ban QLDAĐTXD huyện phối hợp với UBND các xã tiến hành kiểm kê, xác định khối lượng, lập phương án bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân, trình UBND huyện phê duyệt theo đúng quy định”.
Văn bản do Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương lại chỉ đề xuất hỗ trợ 30% giá trị các công trình xây dựng trên đất cho dân.

Văn bản do Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương lại chỉ đề xuất hỗ trợ 30% giá trị các công trình xây dựng trên đất cho dân.


Chủ tịch huyện chỉ đạo rõ ràng như thế, nhưng, tận 4 tháng sau, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện lại ký văn bản Báo cáo số 266, ngày 23/10/2017, gửi UBND thành phố xin ý kiến về những “vi phạm, sai phạm” đã được nêu ra tại cuộc họp ngày 27/6/2017 của huyện. Trong báo cáo này, ông Nguyễn Trường Sơn khẳng định rằng: “Huyện đã tổ chức công bố, công khai các văn bản của thành phố và huyện về việc thu hồi đất thực hiện dự án phát triển giao thông đô thị…, các hộ trên xây dựng sau khi đã công bố dự án….” nên “đề xuất UBND thành phố xem xét hỗ trợ 30% giá trị các công trình xây dựng trên, tạo điều kiện để các hộ dân thực hiện việc tháo dỡ, di chuyển bàn giao mặt bằng”. Tại sao lại chỉ xét hỗ trợ 30% giá trị các công trình xây dựng trên đất cho người dân thì chính ông Nguyễn Trường Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyện An Dương cũng không chỉ ra được căn cứ pháp luật nào!.
Trước việc giải quyết khiếu nại tiền hậu bất nhất và kéo dài của UBND huyện An Dương, các hộ dân đành phải khởi kiện chính quyền ra tòa. Ngày 31/7/2019, Trung tâm Hòa giải của Tòa án ND TP. Hải Phòng đã mời hai bên hòa giải lần 2 nhưng vẫn không thành. Hy vọng Tòa Hành chính Tòa án ND TP. Hải Phòng cuối cùng sẽ có một bản án công lý cho người dân!
Nam Khánh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo