Xã hội

Trao đổi "nóng" với Chủ tịch TP Cần Thơ về cơ chế đặc thù có lợi ích tốt cho dân và doanh nghiệp

DNVN - Năm mới 2022, TP Cần Thơ sẽ cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, nhằm phát huy tối đa lợi ích của các cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phát triển TP Cần Thơ xứng tầm trong khu vực.

UBTV Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Phổ Yên / CHÍNH THỨC: Học sinh tiểu học ở nội thành Hà Nội trở lại trường học trực tiếp từ 21/2

Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/1/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Nhằm giúp độc giả hiểu rõ hơn về tầm quan trọng cũng như cách thức triển khai Nghị quyết này, tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Ông có thể cho biết cụ thể về Nghị quyết của Quốc hội vừa được thông qua về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ?

Ông Trần Việt Trường: TP Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm vùng ĐBSCL, mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội. Ngoài ra, thành phố đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng về đường bộ, đường thủy, đường hàng không trong khu vực.

Thời gian qua, TP Cần Thơ phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, chưa thực sự là trung tâm động lực của vùng ĐBSCL. Cơ cấu kinh tế nội ngành chuyển dịch chậm, nhất là ngành công nghiệp. Phát triển ngành dịch vụ chưa tạo được sự đột phá, chưa trở thành trung tâm dịch vụ lớn, đa ngành của vùng.

Công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị còn yếu, thiếu bền vững. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, hiện đại, chất lượng chưa cao. Từ đó, TP Cần Thơ chưa thực sự trở thành đô thị hạt nhân kết nối vùng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các hạn chế nêu trên là cơ chế, chính sách về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với thành phố chưa đủ mạnh để tạo ra động lực mới cho phát triển, nhất là trong thu hút đầu tư.

Ngày 05/8/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đã đề ra mục tiêu “Cần Thơ là thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL; là trung tâm của vùng về dịch vụ thương mại, du lịch, logistics, công nghiệp chế biến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học công nghệ, văn hoá, thể thao; là đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL…”.

Để cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, Chính phủ đã chỉ đạo xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý cho TP Cần Thơ trình Quốc hội xem xét, ban hành nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển TP Cần Thơ nhanh và bền vững, phấn đấu thực hiện đạt mục tiêu đã đề ra theo Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP Cần Thơ.

Đầu năm 2022, TP Cần Thơ được Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ. Vậy TP Cần Thơ sẽ cụ thể hóa Nghị quyết của Quốc hội như thế nào để phát triển xứng tầm là đô thị hạt nhân của khu vực ĐBSCL?

Ông Trần Việt Trường: Đầu năm 2022, TP Cần Thơ đón nhận được tin vui là Quốc hội thông qua Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ để xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù, nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 59-NQ/TW, phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển nhanh và bền vững. Nghị quyết này quy định thí điểm áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với Cần Thơ chủ yếu tập trung vào 6 nhóm: Quản lý tài chính - ngân sách nhà nước; Quản lý đất đai; Quản lý quy hoạch; Thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức của thành phố; Nạo vét kết hợp thu hồi sản phẩm luồng hàng hải Định An - Cần Thơ; Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Hiện chúng tôi đang tập trung tuyên truyền về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức từ thành phố đến cơ sở về tầm quan trọng của những cơ chế, chính sách này. Từ đó, Nhân dân thành phố, các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ tham gia thực hiện phát triển thành phố đúng định hướng đề ra.

Trong sáu cơ chế đặc thù vừa được Quốc hội thông qua, theo ông cơ chế nào sẽ tác động nhiều nhất đến thu hút đầu tư của doanh nghiệp và Cần Thơ?

Ông Trần Việt Trường: Trong sáu cơ chế đặc thù của Nghị quyết trên thì cơ chế thứ hai là HĐND thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ 2 vụ trở lên với quy mô dưới 500 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.

Việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa phải thực hiện công khai, lấy ý kiến người dân, người chịu tác động.

Còn cơ chế đặc thù thứ sáu là Thủ tướng sẽ lập Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. Các doanh nghiệp có dự án đầu tư tại Trung tâm được hưởng chế độ ưu tiên về thủ tục hải quan và thuế, nếu đáp ứng một số điều kiện.

Riêng về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại TP Cần Thơ, dự kiến hình thành giai đoạn 1 với tổng diện tích khoảng 450 ha, dự kiến thu hút khoảng 150 doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, sơ chế, chế biến và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu nông, thủy sản, với tổng vốn đăng ký dự kiến trên 1,5 tỷ USD.

Nơi đây sẽ có ưu đãi đặc thù, vượt trội. Tổng số lao động dự kiến sẽ thu hút vào Trung tâm là trên 30.000 lao động, dự kiến hàng năm khi đi vào hoạt động đủ công suất sẽ tạo doanh thu trên 3 tỷ USD, trong đó doanh thu từ hoạt động xuất khẩu nông sản khoảng trên 1,5 tỷ USD, ước thực hiện các nghĩa vụ thuế nộp ngân sách Nhà nước hằng năm đạt 1.500 tỷ đồng.

Ngoài ra các cơ chế, chính sách trên còn giúp tạo nguồn lực cho TP Cần Thơ đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, nhất là phát triển nhanh kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối các vùng, miền…

Xin cảm ơn ông!

Mai Trâm (thực hiện)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm