Tỷ lệ lao động thất nghiệp vẫn ở mức cao
DNVN - Thị trường lao động việc làm quý I/2022 đang dần có những khởi sắc đáng ghi nhận khi số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 giảm mạnh, tuy nhiên tỷ lệ lao động thất nghiệp vẫn ở mức cao.
Hà Nội tiếp tục giảm số ca mắc COVID-19 mới trong ngày / Lĩnh BHXH một lần: Cách tính toán hơn, thiệt
Lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19 giảm mạnh
Thông tin tại họp báo tình hình lao động việc làm quý I/2022 do Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) tổ chức sáng 12/4, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động cho biết, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp với đà phục hồi của kinh tế thế giới, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về chương trình phục hồi và phát triển KT - XH và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình.
Nỗ lực triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống xã hội, sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội để đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển KT - XH của đất nước đã có hiệu quả rõ rệt đối với thị trường lao động Việt Nam. Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch đã giảm mạnh.
Cụ thể, trong quý I/2022 dù cả nước vẫn còn hơn 16,9 triệu người từ 15 tuổi trở lên chịu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 nhưng con số này đã giảm mạnh so với quý trước (giảm 7,8 triệu người).
"Đây là mức giảm mạnh nhất được ghi nhận kể từ khi đất nước chứng kiến sự bùng phát của đại dịch COVID-19", ông Nam nhận định.
Trong quý I, lực lượng lao động tiếp tục phục hồi ngay cả khi số ca nhiễm COVID-19 trong cả nước không ngừng gia tăng.
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong 3 tháng đầu năm nay là 51,2 triệu người, tăng hơn 0,4 triệu người so với quý trước và tăng 0,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theoTổng cục Thống kê, hiện tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức cao. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 khoảng 1,1 triệu người, giảm 489,5 nghìn người so với quý trước và tăng 16,7 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I/2022 là 2,46%, giảm 1,1 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 0,04 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) ở mức cao nhưng đã giảm dần, đặc biệt tỷ lệ thanh niên không có việc làm, không tham gia học tập hoặc đào tạo cũng ghi nhận giảm so với quý trước.
Trong quý I/2022, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên (15 đến 24 tuổi) là 7,93%, thấp hơn 0,85 điểm phần trăm so với quý trước và cao hơn 0,49 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước...
Thị trường lao động việc làm quý 1 năm 2022 đã có nhiều khởi sắc.
Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý 1 là 68,1%, tăng 0,4 điểm % so với quý trước. Trong đó, Đông Nam Bộ là vùng tăng mạnh nhất, với 2,1 điểm %; tiếp đó là Đồng bằng sông Cửu Long với 0,9 điểm %.
Số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm là 50 triệu người, tăng gần 1 triệu người so với quý trước và tăng 132,2 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 vùng kinh tế - xã hội, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên là 3 vùng có nhiều khởi sắc nhất.
"Mặc dù số người từ 15 tuổi có việc làm trong quý I/2022vẫn còn thấp hơn cùng kỳ năm 2020, thời điểm đại dịch COVID-19 mới bắt đầu xuất hiện, nhưng đã tăng mạnh so với cùng kỳ quý trước và cùng kỳ năm trước. Thị trường lao động đang dần có những khởi sắc đáng ghi nhận", ông Nam nói.
Ngoài ra, so với quý trước, số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng chủ yếu ở lao động phi chính thức phi hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản. Thị trường lao động phục hồi nhanh nhưng chưa thực sự bền vững.
Thu nhập cải thiện
Cũng theo ông Nam, tình trạng thiếu việc làm đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt ở khu vực dịch vụ. Tỷ lệ thiếu việc làm giảm mạnh và đang dần trở lại trạng thái như đã quan sát được ở thời kỳ trước khi đại dịch xảy ra.
Trong khi đó, thu nhập bình quân tháng của người lao động là 6,4 triệu đồng, tăng mạnh so với quý trước và được cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước
Ông Nam cho rằng, thị trường lao động quý I đang dần sôi động trở lại ở nhiều ngành kinh tế, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, thu nhập bình quân của người lao động có sự phục hồi mạnh mẽ.
So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của người lao động tăng khoảng gần 2%, tăng tương ứng khoảng 110 nghìn đồng và tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020, tương ứng tăng 216 nghìn đồng/người/tháng.
Tiềm ẩn yếu tố thiếu bền vững
Đánh giá chung về thị trường lao động việc làm 3 tháng đầu năm, ông Nam cho biết, nỗ lực triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP của các cấp, các ngành, các địa phương cùng với các chính sách nới lỏng giãn cách xã hội và hoàn thành tiêm vaccine trong những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã tạo điều kiện cho thị trường lao động dần phục hồi và đạt được mức tăng trưởng khá.
Số lao động bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch COVID-19 đã giảm mạnh, số người gia nhập lực lượng lao động tiếp tục tăng ngay cẩ khi số ca nhiễm COVID-19 trong cả nước vượt mức hàng chục nghìn ca mỗi ngày. Lao động có việc làm tăng mạnh. Tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm đều giảm. Thu nhập của người lao động đã dần được cải thiện.
Mặc dù có nhiều khởi sắc nhưng thị trường lao động vẫn còn tiềm ẩn một số yếu tố thiếu bền vững. Số người có việc làm tăng nhanh nhưng tăng nhiều ở lao động phi chính thức hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Lao động tự sản tự tiêu giảm nhưng vẫn chưa trở về trạng thái bình thường ban đầu khi chưa xảy ra đại dịch.
Do đó, Tổng cục Thống Kê cho rằng cần tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, đẩy nhanh Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Triển khai các chính sách để thu hút lao động tự sản tự tiêu, lao động không tham gia hoạt động kinh tế tham gia thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động xã hội và cải thiện đời sống của người dân.
Ngoài ra, nghiên cứu xây dựng các chương trình chính sách đào tạo phù hợp, nâng cao chất lượng nguồn lao động, đảm bảo năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo