Xúc động những tấm chân tình trao gửi vùng lũ Miền Trung
Những người hùng kẻ biển vì nghĩa đồng bào xả thân trong lũ dữ / Tình người nơi vùng lũ: “Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”
Miền Trung oằn mình cùng cơn lũ, biết bao nhiêu người lâm vào cảnh khó khăn, giao thông bị chia cắt, nhiều khu vực dân đang bị cô lập. Tiền tài, vật nuôi trôi theo từng cơn lũ. Đau thương chồng chất, sự khó khăn càng nhân lên, nhiều gia đình vợ mất chồng, con mất cha, nhà cửa không còn thứ gì vì đã trôi theo cơn lũ... Trong những ngày lũ về, và bị chia cắt từ 18/10/2020 cho đến nay Miền Trung nói chung và Quảng Bình nói riêng đã nhận không biết bao nhiêu tấm lòng và sự nhường cơm sẻ áo… của đồng bào trên toàn quốc gửi về.
Cả nước hướng về miền Trung
Thương cho khúc ruột miền Trung khó khăn, tang hoang sau trận lũ, biết bao tấm lòng nhân ái trên khắp mọi miền đất nước tập về đây để quyên góp, sẻ chia, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Rồi bao nhiêu người dõi theo tin tức từng ngày, cập nhật mưa bão miền Trung.Họ quyết định đến để sẻ chia những khó khăn cũng đồng bào hoạn nạn.
Chị Dung,một mạnh thường quân từ TP.HCMchia sẻ: “Mưa lũ kinh hoàng đã và đang diễn ra tại các tỉnh miền Trung trong suốt những ngày qua, khiến hàng ngàn nhà dân nơi đây chìm trong biển nước. Nhà cửa tài sản hoa màu vật nuôi hầu như bị mất trắng. Đời sống người dân khúc ruột miền Trung bao đời nay đã vất vả khổ cực nay lại càng cùng cực, đau thương.Lòng tôi cảm thấy xót xa vô cùng! Với tấm lòng tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách”, “của ít lòng nhiều” cùng nhau hướng về miền Trung yêu thương, ruột thịt. Tôi và một số bạn bè mạnh thường quân ở TPHCM đã vận động quyên góp từ lòng hảo tâm được 600 trăm phần quà, gồm nhu yếu phẩm và tiền mặt. Với mong muốn, kịp thời hổ trợ giúp đỡ một phần công sức nhỏ bé cho các hoàn cảnh và người dân ở vùng rốn lũ bị thiệt hại và khó khăn nặng nề nhất ở các tỉnh Thừa thiên Huế. Quảng Trị. Quảng Bình...
Anh Cổ Kim Thành, một doanh nhân ở Q.6. TPHCM chia sẻ: “Của ít lòng nhiều, chúng tôi mong muốn hổ trợ và chia sẻ một phần nào cùng sự khó khăn đối với đồng bào Miền Trung. Của không nhiều, nhưng tấm lòng của chúng tôi chia sẻ sự khó khăn với đồng bào trong lúc hoạn nạn. Mong bà con sớm khắc phục những tổn thất trước mắt.”
Chị Trần Hoài Thu, đến từ Hà Nội nói:“Những ngày qua, đọc tin tức về lũ lụt miền Trung và những mất mát của bà con gồng mình chống lũ, cá nhân mình cũng như bạn bè xung quanh ko khỏi xót xa.Chúng tôi thực sự mong muốn có thể chia sẻ cùng bà con. Thông qua chương trình "Thương lắm miền Trung ơi", dù chỉ là những đóng góp vô cùng nhỏ bé, mình hi vọng bà con miền Trung luôn kiên cường, mạnh mẽ.Cả nước đều đang hướng về miền Trung thân yêu để tiếp thêm động lực cùng nhau vượt qua những khó khăn này”.
“Lá rách ít đùm lá rách nhiều”
Vừa trải qua những ngày khó khăn của hai đợt dịch Covid-19, những người hoạt động trong ngành du lịch là những người chịu tổn thương nặng nề nhất. Thế nhưng, với phương châm “ lá rách ít, đùm lá rách nhiều”, vậy là nhóm Du lịch lại tiếp tục chia sẻ sự khó khăn cùng đồng bào, với tinh thần “một miếng khi đói, bằng một gói khi no”.
Theo ông Trần Cương, Giám đốc Công ty Netin Travel: “Năm 2020 là năm ngành du lịch Quảng Bình nói riêng và du lịch Việt Nam nói chung bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh Covid-19. Doanh nghiệp và người lao động gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì các hoạt động và cuộc sống. Tuy nhiên, những trận lũ vừa qua đã làm người dân các tỉnh miền Trung, trong đó có Quảng Bình thiệt hại nặng nề về vật chất, nhiều tài sản của người dân bị trôi theo dòng nước lũ".
Thấu hiểu những hoàn cảnh khó khăn, những người làm du lịch Quảng Bình và những người yêu quý du lịch Quảng Bình trong đó có Tập đoàn truyền thông One Win đã phối hợp tổ chức chương trình ủng hộ bà con vùng lũ tại Quảng Bình. Được sự đồng ý của thường trực Hiệp hội du lịch Quảng Bình chúng tôi tiếp tục kêu gọi và làm cầu nối cho các mạnh thường quân hỗ trợ cho đồng bào vùng lũ. Với tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều” chúng tôi mong những phần quà nhỏ bé sẽ ấm lòng bà con trong lúc hoạn nạn.” Hiện nay nhóm đã tập trung về cả trăm phần quà, cùng nhiều nhu yếu phẩm đến cùng đồng bào lũ lụt xã Trường Sơn, một trong những xã bị chia cắt trong đợt lũ vừa qua.
Nhóm anh em du lịch Nghệ An cũng đã đến vùng lũ Duy Ninh - Quảng Bình trong những ngày lũ đang rút dần. Với 500 phần quà, đoàn đã vượt qua quãng đường sình lầy, cùng chứng kiến cảnh khó khăn sau lũ, anh Tạ Khắc Uyên, Trưởng hội Lữ hành của Hiệp hội Du lịch Nghệ An nói: “Anh em du lịch chúng tôi đến đây, mong sẻ chia một phần khó khăn đến cùng bà con vùng lũ. Phần quà mà nhóm anh em du lịch đưa đến là những chiếc bánh chưng, cùng tiền và hàng. Đó là gói ghém ân tình và chia sớt khó khăn đến người vùng lũ.”
Khúc ruột miền Trung đang gặp nhiều khó khăn vì lũ lụt, với tinh thần “tương thân, tương ái” vì đồng bào, nhiều mạnh thường quân và những tấm lòng nhân ái đã không quản đường sá xa xôi về với miền Trung. Trong khó khăn mới thấyrõ tinh thần “nhường cơm xẻ áo”, “lá lành đùm lá rách” cùng giúp dân miềnTrung vượt qua cơn hoạn nạn. Sự xuất hiện của các mạnh thường quân, những tấm lòng hảo tâm như một phần xua tan cái lạnh lẽo của dòng nước lũ, một phần giúp những người dân gượng dậy sau lũ. Trân quý biết bao tấm lòng của các mạnh thường quân, cùng các tấm lòng nhân ái. Người góp sức, người góp của để sẻ chia đồng bào miền Trung trong hoạn nạn vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Cũng trong những ngày mưa lũ, những người con của quê hương Quảng Bình cũng không quên nhường cơm xẻ áo đối với những mảnh đời còn hoạn nạn, những vùng bị chia cắt trong lũ, Hội Doanh nghiệp Quảng Bình đã kêu gọi ủng hộ gần 1 tỷ VNĐ để ủng hộ đồng bào bị bão lũ. Hội Nữ Doanh nhân Thành phố Đồng Hới với tinh thần tương thân tương ái, “lá rách ít đùm lá rách nhiều” đã ủng hộ, chia sẻ, thăm non với vài chục phần quà, trị giá vài chục triệu đồng đến bà con gặp khó khăn trong mưa lũ.
Mấy ngày nay, bão, lũ lại về miền Trung, đất trời miền Trung như nghiêng xuống, nước từ trên trời như dồn hết về đây. Lũ chồng lũ, bão chồng bão, dân miền Trung xác xơ, hoa màu vật nuôi cùng nhà cửa đã trôi theo dòng lũ, tan hoang theo cơn bão. Cả miền Trung đang oằn mình chống lũ vã bão, cần lắm những tấm lòng nhân ái của người dân trong toàn quốc hướng về vùng lũ miền Trung.
Thơm thảo những tấm lòng từ vùng quê
Thông tin Quảng Bình bị lũ quét, chị Huyền cùng bà con Phổ Yên, Yên Thành, Thái Nguyên đứng ngồi không yên. Những ngày lũ về, dân Quảng Bình thì vật lộn chống lũ, còn dân các nơi trong toàn quốc trong đó Phổ Yên, Yên Thành, Thái Nguyên nước mắt cũng lưng tròng, ruột gan ai cũng nóng vì lo cho dân vùng lũ. Mọi người mong muốn đưa những phần quà đến dân vùng lũ càng sớm càng tốt. Thế là, trong xã có cuộc quyên góp thiện nguyện. Người thì vài trăm ngàn, người thì vài chục ngàn, người thì vài triệu. Một ban thiện nguyện của thôn Trung Thành - Phổ Yên - Thái Nguyên được thành lập, có sự tham gia của Chủ tịch xã, đến Bí thư xã, đến trưởng thôn đến phó thôn, ban thiện nguyện của thôn xóm... Tất cả bà con vào cuộc, gửi gắm tình cảm cho vùng lũ Quảng Bình, nào là áo quần cũ được tập kết về nhà văn hóa xã và từ đó phân loại, chia từng nhóm, áo quần mới thì bỏ riêng…,rồi nhà có gạo hay mỳ tôm, tiền bạc cũng đóng góp, tất cả tình cảm dành cho dân vùng lũ Quảng Bình.
Dân vùng Trung Thành, Phổ Yên, Thái Nguyên, trước đây là xã thuần nông, người dân trong vùng cũng không phải là giàu có gì cho lắm. Vậy mà, khi nghe Quảng Bình bị cô lập vì rốn lũ, dân vùng Trung Thành đã thành lập ngay một ban vận động thiện nguyên để lên đường. Họ bảo “thương lắm, yêu lắm, quý lắm dân Quảng Bình”, mong sao dân vùng rốn lũ vượt khó khăn để đi lên.
Những người đã đi qua chiến tranh như bác Nguyễn Văn Dũng- Bí thư Chi bộ Thôn, trưởng xóm Cẩm Trà - Thái Nguyên nói rằng: “Trong kháng chiến dân vùng Quảng Bình, xe không qua nhà không tiếc, những cuộc hành quân vào đây, nhân dân Quảng Bình đã cơm đùm gạo bới, nên khi nghe Quảng Bình hoạn nạn, chúng tôi không tài nào ngủ nổi… Đã bao đêm, hình ảnh người dân vùng lũ Quảng Bình trèo trên mái nhà, ăn mì tôm sống, chiếc quan tài được treo trên nóc nhà làm chúng tôi lòng dạ không yên… Rồi, hình ảnh những đôi tay kêu cứu làm chúng tôi quăn thắt cả cõi lòng…”
Hôm đoàn đến, Quảng Bình trời mưa nặng hạt, lũ đã đi qua, những xóm làng Quảng Bình cảnh vật xác xơ… dân hai làng của vùng lũ Lệ Thủy áo mưa, quần xắn đến nhận hàng cứu trợ, những khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu. Một chị trong thôn xóm Trung - Dương Thủy rưng rưng nước mắt nói cùng chúng tôi: “Những người cứu trợ, họ đến từ những vùng xa, họ đem theo tình cảm đến cùng dân Quảng Bình. Chúng tôi yêu quý và biết ơn vô cùng.” Điểm phát quà trong chuyến hàng nghĩa tình này là thôn Xóm Trung, Dương Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình, và thôn Tân Hòa, Tân Thủy, Lệ Thủy Quảng Bình. Với 400 xuất quà, gồm mỳ tôm, gạo, nước, bánh trái và vài chục bao tải áo quần đã được phân loại, cùng tiền…
Quảng Bình trong những ngày lũ về, sự thiệt hại là không thể nào tả hết, của cải vật chất đều trôi theo dòng nước. Câu nói “trong hoạn nạn mới hiểu lòng nhau”, từ đáy lòng, dân Quảng Bình cám ơn sự sẻ chia. Họ hiểu được sự chân tình, sự yêu thương của anh em trong toàn quốc gửi về, từng đoàn xe nối đuôi nhau, từng nồi bánh chưng gói ghém tình cảm tình cảm và nhiều nhiều nữa… đó là tấm lòng, đó là sự sẻ chia. Dân vùng lũ đã thốt lên rằng, “thiêng liêng hai tiếng đồng bào".
Người dân vùng lũ miền Trung và Quảng Bình luôn ghi nhận tấm chân tình, sự chia sẻ của đồng bào cả nước, biết rằng, trước mắt còn nhiều bộn bề và khó khăn nhưng dân vùng lũ sẽ cố gắng khắc phục những khó khăn hiện tại để chào đón ngày nắng lên.
Một câu ca dao nổi tiếng của vùng Bình Trị Thiên: “Chớ than phận khó ai ơi, còn da lông mọc, còn chồi nẩy cây”. Tình đồng hương, tình đồng bào sẽ là động lực để tiếp thêm nghị lực và tin thần lạc quan cho người miền Trung lúc này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo