Tin tức - Sự kiện

Xem xét về di dân, sử dụng đất bãi đối với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

DNVN – UBND thành phố Hà Nội đã có Văn bản số 1471/UBND-ĐT gửi Bộ NN&PTNT về việc xem xét, cho ý kiến đối với quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5.000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở).

Những điểm chính trong Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng / Bộ TN&MT: Công khai thông tin quy hoạch, hạ nhiệt cơn sốt đất tại nhiều tỉnh

Theo đó, đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được lập, thẩm định theo đúng quy trình, quy định. Tuy nhiên, hiện nay quy hoạch phòng, chống lũ chi tiết của từng tuyến sông có đê trên địa bàn thành phố Hà Nội, tích hợp vào “Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050” chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Để có cơ sở triển khai quy trình tiếp theo, UBND thành phố Hà Nội kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét, có ý kiến thống nhất giải pháp quy hoạch xây dựng về đường và đê từng khu vực cũng như toàn tuyến trên nguyên tắc không nâng cao các tuyến đê bối hiện có, không xây dựng đê bối mới; không thu hẹp không gian thoát lũ, không đề xuất giải pháp đê mới trong đê cũ mà nghiên cứu hệ thống cốt nền dọc bờ sông phù hợp, không gây cản lũ...

Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến về vướng mắc di dân, sử dụng đất bãi (ảnh minh họa).

Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến về vướng mắc di dân, sử dụng đất bãi (ảnh minh họa).

Cho ý kiến về đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phòng, chống lũ và đê điều về quản lý sử dụng bãi sông và các khu vực dân cư để xác định rõ được tồn tại hay cần di dời làm căn cứ để lựa chọn giải pháp quy hoạch; hướng dẫn cụ thể về cơ sở xác định ranh giới, quy mô, diện tích đất bờ sông, diện tích bãi nổi thuộc bãi sông Hồng và phương án nghiên cứu đề xuất cụ thể trong quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất do Hà Nội đề xuất.

TP Hà Nội đề nghị Bộ NN&PTNT cho ý kiến về đề xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phòng chống lũ và đê điều về quản lý sử dụng bãi sông và các khu vực dân cư để xác định rõ được tồn tại bảo vệ hay cần di dời làm căn cứ để lựa chọn giải pháp quy hoạch. Cụ thể với 2 khu dân cư Bắc Cầu và Bồ Đề.

Các khu dân cư ở các quận Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng cần bổ sung danh mục theo quy hoạch phòng chống lũ và đê điều.

3 khu bãi sông chưa có sự thống nhất giữa quy hoạch phòng chống lũ và đê điều và Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô bao gồm Hoàng Mai - Thanh Trì; Đông Du - Bát Tràng; Kim Lan - Văn Đức theo như giải pháp quy hoạch phân khu.

Bộ NN&PTNT hướng dẫn cụ thể về cơ sở xác định ranh giới, quy mô, diện tích đất bờ sông, diện tích bãi nổi thuộc bãi sông Hồng và phương án nghiên cứu đề xuất cụ thể trong quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất do Hà Nội đề xuất.

Quy hoạch phân khu sông Hồng do Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, đã nhận được góp ý của chính quyền, cộng đồng dân cư địa phương, đơn vị liên quan. Thành ủy Hà Nội đã thống nhất về chủ trương đối với định hướng đồ án quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng theo đề xuất của Ban Cán sự đảng UBND thành phố tại Tờ trình số 97-TTr/BCS ngày 24/2/2021...

Được biết, đồ án Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, tỷ lệ 1/5000 (đoạn từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài hơn 40 Km) với quy mô diện tích 11.000 ha; dân số tính toán cho 280.000 ÷ 320.000 người (còn hiện trạng là khoảng 228.860 người). Điều đặc biệt của Đồ án này là không gian nghiên cứu lập quy hoạch thuộc không gian dành cho thoát lũ ngoài đê sông Hồng, có tính chất thủy văn phức tạp với nhiều yếu tố đan xen, liên quan đến nhiều cấp ngành, các tầng bậc quy hoạch như Quy hoạch vùng; Quy hoạch chung Hà Nội (điều chỉnh, sửa đổi); Quy hoạch phòng, chống lũ và quy hoạch đê điều hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình (Quyết định số 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016) và các quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác có liên quan... theo Luật Quy hoạch 2017.

Chuyên gia nhận định, đồ án này là cơ hội để Hà Nội có một quỹ đất lớn có giá trị kinh tế rất cao, như một mỏ vàng, để tạo dựng không gian xanh, không gian công cộng một cách chủ động, không bị chi phối, bị điều chỉnh bởi các dự án kinh doanh nhà ở, bất động sản của nhà đầu tư.

Sau này, khi có quy hoạch chi tiết, sẽ đấu thầu mời gọi doanh nghiệp đầu tư để xây dựng các khu nhà ở thấp tầng kiểu nhà vườn với tỷ lệ đất cây xanh lớn; hay các không gian mở xanh dành cho những hoạt động ngoài trời kết hợp với các công trình công cộng, dịch vụ, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào phát triển kinh tế, tăng thu nhập.


Thiên An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm