Y tế

Tăng thuế đối với nước giải khát có đường: Chuyên gia khuyến nghị cần đánh giá toàn diện

DNVN - Thảo luận về tính hữu hiệu của công cụ thuế đối với việc cải thiện sức khoẻ cộng đồng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, chuyên gia khuyến nghị cần cân nhắc kỹ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường do có thể gây nên những ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.

Thừa cân béo phì đến từ nhiều nguyên nhân

Thừa cân béo phì (TCBP) và các bệnh không lây nhiễm là vấ́n đề sức khoẻ đáng quan tâm và hiện đang có xu hướng tăng tại Việt Nam. Các chuyên gia sức khoẻ, kinh tế, xã hội và xây dựng chính sách đã cùng trao đổi những nguyên nhân đa dạng dẫn đến tình trạng này và thảo luận giải pháp trong hội thảo "Các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam: Nguyên nhân và khuyến nghị" diễn ra ngày 9/4.

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), TCBP đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau như chế độ dinh dưỡng không hợp lý, tiêu thụ các thực phẩm quá nhiều năng lượng, giàu chất béo, lười vận động, hoặc các nguyên nhân di truyền, nội tiết.

PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, không có đủ bằng chứng khoa học thuyết phục để kết luận đồ uống có đường là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TCBP tại Việt Nam. TCBP là do sự mất cân bằng giữa năng lượng nạp vào và năng lượng tiêu hao.

Hội thảo được tổ chức ngày 9/4 tại Hà Nội.

Theo số liệu từ Báo cáo An ninh Lương thực và Dinh dưỡng ASEAN năm 2021, trong tổng năng lượng nạp vào cơ thể người Việt hàng ngày từ đồ ăn và thức uống thì ngũ cốc và thịt chiếm nhiều nhất (51,4% và 15,5%), các thực phẩm khác là (22,6%), rau và hoa quả (6,9%), đường chỉ chiếm chưa tới 3,6%.

Dựa trên khảo sát của Nielsen thực hiện tại Việt Nam năm 2020, lượng đường trung bình trong nước giải khát là khoảng 11 g/100 ml; trong khi đó lượng đường trung bình trong các sản phẩm bánh kẹo là khoảng 29g/ 100g, trong đó một số loại vượt ngưỡng 40g/100g như kẹo dẻo 46,6g.

Có nhiều các loại nước uống đường phố có chứa đường, nên nếu đánh thuế đối với nước ngọt sẽ chỉ làm giảm tiêu thụ các loại nước uống được sản xuất và lưu thông hợp pháp trên thị trường, trong khi đó người tiêu dùng vẫn tiếp tục và có thể chuyển sang các loại nước uống đường phố vốn không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế.

Việc ít vận động thể lực và thời gian tĩnh tại nhiều lại có đóng góp đáng kể vào tình trạng gia tăng TCBP ở lứa tuổi học đường. Tại Việt Nam, có khoảng 86,3% thanh thiếu niên Việt Nam ở độ tuổi từ 11 đến 17 thiếu hoạt động thể chất. Nghiên cứu SEANUTS (Viện Dinh dưỡng, năm 2011) cũng chỉ ra rằng tỷ lệ trẻ em từ 6-11 tuổi ở khu vực thành thị đạt mức khuyến nghị về hoạt động thể lực chỉ là 32,5% trong khi tỷ lệ này ở nông thôn là 59,9%.

PGS.TS Nguyễn Quang Dũng, Phó trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm, Đại học Y Hà Nội cho rằng chế độ dinh dưỡng thiếu hợp lý có liên quan đến việc gia tăng các bệnh mãn tính liên quan đến dinh dưỡng như béo phì, đái tháo đường, cao huyết áp, các bệnh tim mạch và ung thư.

Người dân Việt Nam đang có xu hướng gia tăng tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều giá trị dinh dưỡng và chất béo (các loại thực phẩm chế biến đóng gói sẵn, thức ăn nhanh, thực phẩm ở cửa hàng tiện lợi, thực phẩm đường phố giàu năng lượng và chất béo...).

Còn theo TS. BS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, việc phòng, chống các bệnh không lây nhiễm là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mỗi người dân, trong đó các cấp chính quyền trực tiếp chỉ đạo, ngành y tế là nòng cốt. Ngoài ra, kiểm soát nguy cơ gây bệnh như hút thuốc lá, lạm dụng đồ uống có cồn, dinh dưỡng không hợp lý, thực phẩm không an toàn, thiếu hoạt động thể lực, cùng với chủ động giám sát, phát hiện bệnh sớm, điều trị, quản lý liên tục và lâu dài.

Tăng thuế đồ uống có đường có thể gây ra nhiều tác động tiêu cực đến kinh tế

Thảo luận về tính hữu hiệu của công cụ thuế đối với việc cải thiện sức khoẻ cộng đồng và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước, ông Nguyễn Văn Phụng, Ủy viên Thường vụ BCH Hiệp hội Kế toán & Kiểm toán Việt Nam đánh giá việc áp thuế TTĐB với đồ uống có đường có thể gây nên những tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội.

Cụ thể, việc tăng thuế TTĐB lên 10% với nhóm ngành nước giải khát dự báo sẽ dẫn tới tăng chi phí bán lẻ, giảm sản lượng, tăng hiện tượng buôn lậu, giảm thu nhập người lao động và tác động đến GDP.


Theo một báo cáo do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương thực hiện vào năm 2018 cập nhật năm 2021, nếu bổ sung nhóm ngành nước giải khát vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% và nâng thuế GTGT thêm 2% với mặt hàng này thì doanh thu của ngành sản xuất nước giải khát sẽ giảm khoảng 3.664 tỷ đồng, trong khi đó mức doanh thu thuế tăng thêm cho ngân sách nhà nước đạt 1.525,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, chính sách thuế này nếu được áp dụng sẽ kéo theo hàng loạt tác động lan tỏa đối với tất cả các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị theo chiều dọc như các doanh nghiệp bao bì, vận chuyển, bán lẻ, mía đường… và cả nền kinh tế nói chung.

Ngoài ra, sắc thuế cũng gây ra hệ luỵ tác động tiêu cực đến hơn 300.000 lao động trong ngành công nghiệp nước giải khát (số liệu 2021), ảnh hưởng tới 9.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với một triệu hộ kinh doanh sản phẩm. Việc đánh thuế nước giải khát có đường dự kiến sẽ tác động tiêu cực tới sinh kế của 337.000 hộ gia đình trồng mía.3

Theo số liệu của Tổng cục thống kê mới công bố về tình hình kinh tế nửa đầu năm, GDP quý II ước tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước nhưng kết quả này chỉ cao hơn tốc độ tăng 0,34% của quý II/2020, giai đoạn dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 6 tháng tăng 3,29% trong khi lạm phát cơ bản tăng 4,74%. Thêm vào đó, các doanh nghiệp chỉ mới phục hồi sau đại dịch nhưng cùng lúc chịu sức ép trách nhiệm tài chính từ các chính sách khác như thực hiện trách nhiệm tái chế bao bì theo Nghị định 08/2022/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2024. Nếu cải cách các loại thuế nếu không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phục hồi của doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ.

Kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã từng áp dụng thuế TTĐB lên đồ uống có đường nhưng tỷ lệ TCBP vẫn tiếp tục gia tăng đều qua các năm như Chi-lê, Mexico, Ấn Độ, Bỉ, Phần Lan, Latvia và Brunei. Như Chi-lê đã áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường từ năm 2014 nhưng đến năm 2016-2017 tỷ lệ TCBP tại nước này vẫn gia tăng liên tục. Tại Hungary, nghiên cứu cho thấy không có thay đổi đáng kể nào về tổng lượng nước tăng lực và đồ uống thể thao bán ra bởi sự thay đổi từ chính sách thuế.

Đan Mạch, Na Uy đã bãi bỏ chính sách thuế này vì không có tác động đáng kể đến sức khỏe của người dùng trong khi gây ra các tác động tiêu cực đến kinh tế và xã hội.

Nguyên Đức
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo