Y tế

Bình Dương: Người lao động phải xét nghiệm sàng lọc ít nhất 2 lần mới đủ điều kiện làm việc

DNVN - Trước khi vào doanh nghiệp làm việc, người lao động phải được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần (lần 1 trước khi hoạt động 3 ngày bằng test nhanh hoặc PCR, lần 2 vào ngày bắt đầu làm việc bằng test nhanh).

Bình Dương lập “chợ trời” bán nhu yếu phẩm cho người dân / Bình Dương: Siêu thị, cửa hàng tiện lợi phân luồng cho khách mua sắm an toàn

Sở Y tế tỉnh Bình Dương vừa có văn bản hướng dẫn quy định điều kiện tổ chức sản xuất tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và lưu thông trên địa bàn tỉnh.

Theo Sở Y tế, căn cứ tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tạm thời chia thành 3 vùng dịch tễ, gồm: vùng 1 (TP Dĩ An, Thuận An, thị xã Tân Uyên); vùng 2 (TP Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát), vùng 3 (huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên).

Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đăng ký tổ chức sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” và mô hình “3 xanh” được sản xuất khi có phương án phòng chống dịch và phương án xử lý khi có ca F0 tại doanh nghiệp.

tỉnh Bình Dương vừa có văn bản hướng dẫn quy định điều kiện tổ chức sản xuất tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh

Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương muốn tổ chức sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng nhiều quy định để bảo đảm an toàn phòng chống dịch.

Trước khi vào doanh nghiệp, người lao động phải được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 ít nhất 2 lần (lần 1 trước khi hoạt động 3 ngày bằng test nhanh hoặc PCR, lần 2 vào ngày bắt đầu làm việc bằng test nhanh). Trong quá trình sản xuất phải thực hiện nghiêm quy tắc 5K. Thực hiện việc xét nghiệm cho tất cả người lao động 2 lần/tuần.

Các địa phương có thể tổ chức xét nghiệm cho người lao động tại nơi cư trú vào ngày thứ 7 hoặc chủ nhật hàng tuần. Riêng các doanh nghiệp ở vùng 3 có thể xét nghiệm 2 lần/tuần tối thiểu cho 20% người lao động.

Người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất kinh doanh phải xét nghiệm 2 lần/tuần cho toàn bộ người lao động. Doanh nghiệp phải chủ động tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, tự cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm để làm căn cứ cho người lao động tham gia lưu thông.

Doanh nghiệp đăng ký thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” trước khi cho người lao động ngừng thực hiện phương án sản xuất để trở về nơi cư trú phải tổ chức xét nghiệm test nhanh kháng nguyên, nếu có kết quả xét nghiệm âm tính sẽ được về nơi cư trú. Doanh nghiệp đăng ký thực hiện mô hình “1 cung đường, 2 điểm đến” và mô hình “3 xanh” không cần xét nghiệm cho người lao động trước khi về nơi cư trú.

 

Các hộ kinh doanh cá thể tự thực hiện xét nghiệm cho tất cả người lao động 2 lần/tuần dưới sự giám sát của Tổ COVID-19 cộng đồng hoặc Trạm Y tế lưu động, UBND cấp xã chỉ đạo Tổ COVID-19 cộng đồng hoặc Trạm Y tế lưu động hướng dẫn, giám sát và cấp giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm cho nhóm đối tượng này. Đối với các hộ có hoàn cảnh khó khăn, chính quyền địa phương xem xét hỗ trợ cấp test nhanh miễn phí.

Đối với người dân, người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 hoặc tiêm mũi 1 sau thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã điều trị COVID-19 xuất viện và hoàn thành theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày, được tham gia giao thông nội vùng.

Khi tham gia giao thông khác vùng, người từ vùng 1 đến vùng 2, 3 phải bảo đảm điều kiện: đã tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc đã điều trị COVID-19 xuất viện và hoàn thành thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày. Giữa vùng 2 và vùng 3: đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine hoặc tiêm mũi 1 sau thời gian ít nhất 14 ngày hoặc đã điều trị COVID-19 xuất viện và hoàn thành theo dõi sức khỏe tại nhà 14 ngày.

Người tham gia giao thông được ra đường để mua thực phẩm, hàng hóa thiết yếu; khám, chữa bệnh; thực hiện các hoạt động được chính quyền địa phương cho phép, như: vận chuyển hàng hóa thiết yếu, giao hàng (shipper), thực hiện các dịch vụ về điện lực, bưu chính viễn thông, năng lượng, vệ sinh đô thị, tham gia sản xuất kinh doanh,... Có phiếu kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực trong vòng 72 giờ kể từ thời điểm lấy mẫu.

Những người chưa được tiêm vaccine, người có nguy cơ cao (trên 65 tuổi và dưới 12 tuổi; người béo phì; người có bệnh nền...), hạn chế ra đường khi không cần thiết. Chỉ nên ra đường trong các tình trạng khẩn cấp: cấp cứu, chuyển viện, thiên tai, thảm họa.

 


Tâm An
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm