(DNVN) - Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp năm 2017 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với sự tham dự trực tiếp của 2.000 doanh nghiệp và khoảng 10.000 đại diện khác từ các tỉnh thành qua cầu truyền hình đã diễn ra thành công tốt đẹp.
Sáng 17/5, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với Doanh nghiệp lần thứ hai, năm 2017, với chủ đề "Đồng hành cùng doanh nghiệp".
Hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp bắt đầu lúc 7h30 và kéo dài đến 13h30 ngày 17/5 tại Hà Nội với sự tham dự trực tiếp của 2.000 doanh nghiệp và khoảng 10.000 đại diện khác từ các tỉnh thành qua cầu truyền hình. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trích dẫn ý kiến của những bậc tiền nhân trong giới kinh doanh, chí sỹ như Bạch Thái Bưởi, Lương Văn Can... để nêu bật vai trò của doanh nghiệp, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch đầu tư cho biết, những nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm chi phí và khuyến khích khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh là những điểm đáng ghi nhận. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, những cải cách về thể chế, xây dựng pháp luật và cơ chế chính sách về hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp là những điểm nhấn trong công tác điều hành năm vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hỗ trợ phát triển doanh nghiệp còn những tồn tại, hạn chế. Những quy định pháp luật, cơ chế chính sách chưa thực sự tạo thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, cũng như việc phát sinh những thủ tục hành chính mới không cần thiết, không hợp lý. Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết hiện mặt bằng lãi suất đã giảm khoảng 40% so với năm 2011, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, lạm phát, kinh tế vĩ mô. Thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục chỉ đạo điều hành lãi suất vĩ mô ổn định, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay, chú trọng cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp... Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Nguyễn Văn Thân cho rằng, cộng đồng doanh nghiệp mặc dù đã có những sự hỗ trợ tích cực từ phía Chính phủ, nhưng còn gặp nhiều khó khăn, trong đó bức xúc nhất là gánh nặng chi phí, bao gồm cả chi phí chính thức và không chính thức.CEO HSBC Việt Nam nhận định, Việt Nam đang ở lợi thế lớn dựa vào nhân công giá rẻ, làn sóng FDI là cơ hội vàng để cải cách đất nước. Chính phủ tiếp tục cải cách, tạo điều kiện Việt Nam trở thành con hổ mới của châu Á. Chủ tịch Tập đoàn BRG Nguyễn Thị Nga kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính để thúc đẩy kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng phát triển. Chủ tịch Tập đoàn TH bà Thái Hương cho rằng, muốn biến Việt Nam thành bếp ăn của thế giới thì trước hết cần "làm tử tế trong nước". Theo Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Thanh Hoá Nguyễn Văn Đệ kiến nghị Chính phủ cần tăng cường đội ngũ cán bộ, công chức viên chức cơ sở trực tiếp làm việc với doanh nghiệp khi mà tình trạng các chậm trễ trong giải quyết công việc, thủ tục hành chính vẫn còn phổ biến. “Ở địa phương cán bộ đi chơi quá nhiều. Chính phủ cũng cần chọn được người tài như tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng để đẩy nhanh việc cải cách”, ông Đệ cho biết. Đề cập tới cơn sốt đất ở khu vực vùng ven TP. HCM, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM kiến nghị Chính phủ cần có chỉ đạo, phối hợp với UBND TP. HCM khẩn trương đưa ra giải pháp hạ nhiệt cơn sốt đất ở vùng ven thành phố. Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nhằm tiếp tục cải cách và hoàn thiện thể chế, trên cơ sở thực hiện các nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nỗ lực cải cách quy định, thủ tục hành chính chú trọng 3 tiêu chí là: đơn giản, minh bạch và hiện đại. Mục tiêu của Bộ nhằm hướng tới ba mục tiêu sau: tiết kiệm chi phí, tạo sự công bằng và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết Hà Nội sẽ hành động cùng doanh nghiệp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm chương trình hành động. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh đến tinh thần chuyển lời nói thành hành động, thể hiện bằng chỉ thị số 20 ký ngay tại Hội nghị với nội dung không được thanh tra doanh nghiệp quá một lần trong một năm. Với các cuộc thanh tra vi phạm, thanh tra đột xuất... không được mở rộng phạm vi. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân. Ngồi bên phải ông Nhân là Bộ trưởng Công an Tô Lâm và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại Hội nghị. Ảnh: Zing.vn. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao lưu với doanh nhân tại Hội nghị.
Nên đọc
NPV