Tổng tấn công Mậu Thân 1968 - bài học lịch sử
Ngày 29/12, Bộ Quốc Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương và Ban Tuyên giáo Thành ủy TP HCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968: bước ngoặt quyết định và bài học lịch sử".
Theo Đại tướng Ngô Xuân Lịch (Bộ trưởng Quốc phòng), chiến dịch Mậu Thân có ý nghĩa quyết định trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mỹ; buộc họ phải xuống thang chiến tranh, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra Bắc, chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán Paris 1973, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
"Đây là một minh chứng khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo trong nghệ thuật chiến tranh, làm thất bại nặng nề chiến lược của Mỹ. Đây cũng là sự khẳng định cho thấy quân sự luôn là đòn quan trọng đối với kết quả đàm phán trên bàn hội nghị", tướng Lịch cho hay.
Nói trước hàng trăm đại biểu, ông Lịch mong muốn làm rõ cội nguồn về chiến lược của cuộc tiến công là "dám đánh, quyết đánh và tìm ra cách đánh ngay vào sào huyệt" đầu não của Mỹ.
"Chủ trương bất ngờ và đồng loạt tấn công, nổi dậy Xuân 1968 là yếu tố giành thắng lợi quyết định", đại tướng khẳng định.
Bộ trưởng Quốc phòng cũng rút ra một số bài học về chiến thắng của cuộc tổng tiến công. Đó là kết quả huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy lực lượng vũ trang ba thứ quân; nghệ thuật nắm bắt thời cơ chiến lược, tiến công bằng các phương thức tác chiến mới giành thế bất ngờ, nghệ thuật bố trí và sử dụng lực lượng trong chiến trường đô thị…
Đó cũng là bài học về sự kết hợp chặt chẽ đấu tranh quân sự, chính trị, ngoại giao, tranh thủ sự ủng hộ của Chính phủ, nhân dân thế giới.
Ông Ngô Xuân Lịch cũng nhận định, hợp tác quốc tế tiếp tục là xu thế thời đại nhưng tình hình thế giới đang diễn biến phức tạp, nhiều xung đột, tranh chấp diễn ra gay gắt; trong nước các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá toàn diện trên các lĩnh vực bằng diễn biến hòa bình.
Vận dụng bài học, ý nghĩa cuộc tiến công Mậu Thân 1968, Bộ trưởng Quốc phòng cho rằng cần tiếp tục khẳng định tự lực tự cường, tăng cường hội nhập quốc tế, giữ vững đường lối độc lập, tự chủ.
"Phát huy sức mạnh nội lực là nền tảng quyết định thành công trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng an ninh; tăng cường xây dựng quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng công an, quân đội vững mạnh mọi mặt", tướng Lịch nhấn mạnh.
Thượng tướng Lê Chiêm (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) cũng cho rằng chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968 ngày càng được khẳng định, trở thành biểu tượng của ý chí quyết chiến quyết thắng, thể hiện kỹ thuật chiến tranh cách mạng, sức sáng tạo vượt bậc của chiến tranh nhân dân.
Ông nói, hội thảo lần này nhằm nhìn lại bối cảnh lịch sử trong và ngoài nước liên quan cuộc tổng tiến công, chủ trương và quyết tâm chiến lược của Trung ương, quá trình chuẩn bị của quân dân chiến trường miền Nam, sự ủng hộ của các nước XHCN, diễn biến kết quả cuộc tổng tiến công và nổi dậy…
"Đây cũng là dịp để phản bác các luận điệu xuyên tạc, bóp méo chiến thắng, phủ nhận giá trị cuộc tổng tiến công và nổi dậy", Thứ trưởng Chiêm nhấn mạnh.
Đây là hội thảo khoa học toàn quốc lần thứ ba về chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, hai lần trước diễn ra vào năm 1998 và 2008.
Với độ lùi thời gian, hội thảo có hơn 100 tham luận của các tướng lĩnh lão thành, nhà khoa học, nhân chứng lịch sử trong và ngoài quân đội đã nhìn lại về sự kiện lịch sử quan trọng, đúc kết ra các bài học, vận dụng trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy dịp Tết Mậu Thân năm 1968 của quân và dân ta đã đánh dấu bước ngoặt lớn trong cuộc chiến với Mỹ. Thời điểm ấy, quân đội Mỹ đã hoàn toàn sa lầy trong cuộc chiến tranh với Việt Nam, không thể bình định được miền Nam Việt Nam, cũng không thể rút quân về nước.
Dư luận thế giới và cả chính nội bộ nhân dân Mỹ cũng ngày càng phản đối chiến tranh tại Việt Nam mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Nắm lấy thời cơ này, Bộ Chính trị đã quyết định đánh một trận gây tiếng vang lớn - "Một cú đập lớn để tung tóe ra các khả năng chính trị" (nguyên Tổng bí thư Lê Duẩn). Chiến dịch Mậu Thân năm 1968 đã bất ngờ được quyết định như thế để tạo bước ngoặt lớn trong chiến tranh, buộc Mỹ phải xuống thang, đi tới đàm phán.
Sáng sớm ngày 31/1/1968, trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân, quân ta đồng loạt tấn công bất ngờ vào nhiều thành phố, trong đó có những thành phố lớn như Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế…
Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968 được đánh giá là một thắng lợi có tầm vóc lớn về chiến thuật của quân ta, tạo tiền đề quan trọng để Mỹ xuống thang chiến tranh, đi đến đàm phán tại Hội nghị Paris năm 1973.
Tuy nhiên, trong suốt một thời gian dài, nhiều nguồn thông tin nhiễu loạn đã khiến chiến dịch Mậu Thân năm 1968 trở thành câu chuyện lịch sử nhạy cảm, ít được nhắc đến. Các thế lực thù địch cho rằng cuộc tiến công này của chúng ta thất bại hoàn toàn.
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Đại học Đông Á công bố phương án tuyển sinh năm 2025
Đà Nẵng có tỷ lệ dân số khu vực thành thị cao nhất nước
Đà Nẵng: Đường hoa xuân Bạch Đằng sẽ tổ chức kéo dài gần 5 tháng
ABBANK được vinh danh nhà tuyển dụng yêu thích 2024
Những trường hợp tạm đình chỉ, thu hồi giấy chứng nhận hoạt động cơ sở đăng kiểm
Quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ