Tin tức - Sự kiện

TP.HCM: ‘Căng mình’ chống sởi, cúm gia cầm

Trong lúc thành phố đang nổ lực để đẩy lùi bệnh sởi thì dịch cúm gia cầm lại xuất hiện và bủa vây tứ phía.

Sau nhiều năm vắng bóng, bệnh sởi quay trở lại và hoành hành trẻ nhỏ

Tẩy chay tiêm chủng, sởi bùng phát?

 
Sáng nay, 19/2, bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, cho biết, từ ngày 7/3 TP.HCM sẽ tổ chức chích ngừa sởi tại các trạm y tế quận, huyện trên toàn TP.HCM vào thứ 6, thứ 7 hằng tuần.
 
Riêng tại trường học, lớp học có từ 30 trẻ trở lên, cơ quan y tế địa phương sẽ đến tổ chức chích ngừa tại chỗ đồng loạt cho trẻ.
 
Theo bác sĩ Thọ, đây là thời gian bệnh hô hấp đang vào mùa nên phải giải quyết, khống chế nhanh dứt điểm bệnh sởi để còn tập trung đối phó tiếp với các bệnh khác, đặc biệt là cúm.
 
Sởi là một bệnh có trong chương trình chủng ngừa quốc gia. Trẻ sẽ được tiêm tất cả hai mũi vaccine ngừa bệnh sởi. Mũi thứ nhất khi trẻ chín tháng tuổi và mũi tiêm nhắc lại thứ hai vào 18 tháng tuổi.
 
Tuy nhiên, ghi nhận tại các bệnh viện, số trẻ mắc bệnh sởi phải nhập viện tăng mạnh vừa qua hầu như chưa tiêm hoặc tiêm không đủ liều vaccine ngừa sởi. Trung bình mỗi bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và Bệnh Nhiệt đới TP.HCM nhận 5 - 7 ca bệnh mới mỗi ngày, với từ 20 - 30 bệnh nhân nằm viện điều trị.
 
Theo bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết, nhiều phụ huynh có tâm lý lo ngại do những trường hợp tai biến sau tiêm vaccine nên đã không cho con đi tiêm ngừa như lịch trình.
 
Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM khuyến cáo, người dân không nên lo sợ tiêm vaccine mà không cho trẻ tiêm ngừa. Nếu vì sợ mà không chích ngừa cho trẻ thì không chỉ dịch sởi bùng phát mà còn nhiều thứ dịch bệnh khác sẽ trỗi dậy, nguy hiểm hơn.
 
  • Sởi là bệnh có thể điều trị tại nhà, rất ít khi bệnh nhân phải nhập viện điều trị. Thế nhưng trong hơn một tháng nay, số trẻ nằm viện điều trị sởi tại các bệnh viện trong TP.HCM tăng đột biến, cao nhất trong vòng ba năm nay.
 
Theo thống kê của Viện Pasteur TP.HCM, hiện 19 tỉnh thành phía Nam đã có ổ bệnh sởi. Trong đó, 43% là trẻ dưới 18 tháng tuổi và 13% là trẻ dưới 9 tháng tuổi.
 
Tránh hoang mang, tẩy chay gia cầm
 
Bên cạnh sởi, Sở Y tế TP.HCM cảnh báo mặc dù chưa phát hiện ca cúm A/H7N9 nào nhưng TP có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao vì là cửa ngõ giao thông quốc tế. Ngoài ra, TP.HCM cũng là nơi tiêu thụ gia cầm lớn, trong khi đó hiện nhiều tỉnh giáp ranh (Long An, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu) với TP.HCM đã xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N1.
 
Đặc biệt, vừa rồi trên kênh Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM, giáp ranh với Tây Ninh, đã phát hiện 11 bao gia cầm chết bị thả trôi.
 
Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, phân tích TP.HCM có nguy cơ bị lây cúm gia cầm rất lớn từ khu vực giáp ranh với Tây Ninh. Chi cục Thú y TP.HCM cũng đã xét nghiệm các mẫu gia cầm của người chăn nuôi tại khu vực giáp ranh này. Kết quả có một mẫu nhiễm H5N1 trên đàn gia cầm của một hộ chăn nuôi ở Tây Ninh. TP.HCM đã thông báo kết quả với phía Tây Ninh để xử lý.
 
Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, đánh giá H5N1, H7N9, dịch nào cũng đáng sợ. Hiện Bộ Y tế đang giám sát tất cả các loại cúm, phân tuyến điều trị, không giấu dịch, đẩy mạnh truyền thông để người dân ý thức phòng tránh nhưng không để người dân hoang mang, tẩy chay gia cầm.
Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo