Thị trường

TP.HCM: Nhật Bản muốn đầu tư 6.400 tỷ đồng xây TTTM ngầm

(DNVN) - TTTM này sẽ nằm dưới khu vực ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành của tuyến metro số 1 và dọc trục đường Lê Lợi. Tổ hợp này được đánh giá sẽ là điểm nhấn quan trọng trong sự phát triển của TP.HCM.

Ngày 10-6, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và Thứ trưởng Bộ Đất đai - hạ tầng giao thông - du lịch Nhật Bản Kisaburo Ishii đã có buổi gặp gỡ, thảo luận liên quan đến dự án đầu tư trung tâm thương mại (TTTM) ngầm Bến Thành tại ga metro tổng hợp Bến Thành (Q.1, TP.HCM).

Theo ông Kisaburo Ishii, nhà đầu tư Nhật Bản rất muốn được tham gia đầu tư dự án TTTM ngầm Bến Thành và muốn được thúc đẩy nhanh các thủ tục cần thiết. Ngày 28-5 vừa qua, phía nhà đầu tư Nhật Bản là Công ty Toshin cũng đã gửi đề án thiết kế TTTM lên UBND TP.

Khu vực trước chợ Bến Thành và đường Lê Lợi nằm trong phương án xây dựng trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất
Khu vực trước chợ Bến Thành và đường Lê Lợi nằm trong phương án xây dựng trung tâm thương mại ngầm dưới lòng đất

Theo tin tức trên báo Pháp luật TP HCM, trung tâm này sẽ nằm dưới khu vực ngầm nhà ga trung tâm Bến Thành (của tuyến metro số 1) và dọc trục đường Lê Lợi. Tổ hợp này được đánh giá sẽ là điểm nhấn quan trọng trong sự phát triển của TP.HCM.

Đơn vị đề xuất cho rằng đây sẽ là trung tâm thương mại ngầm đầu tiên tại Việt Nam nối liền với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên. “Về cơ bản dự án này dựa trên kết quả điều tra trù bị do JICA đề xuất cho UBND TP trước đây” - Toshin Development nêu.

Tổng chi phí xây dựng của dự án ước tính khoảng 6.374 tỉ đồng và công ty trên đề nghị tỉ lệ đóng góp giữa hai đối tác công - tư ứng với cơ cấu góp vốn lần lượt là 67% và 33%

Theo đề xuất, toàn bộ trung tâm thương mại ngầm được chia thành khu vực công cộng và khu vực thương mại. Trong đó, đối tác công (TP.HCM) sẽ đầu tư lối đi công cộng bằng vốn ODA của Nhật Bản và thu hồi vốn từ nguồn thu thuế của hoạt động kinh doanh ở dự án. Phần đối tác tư (doanh nghiệp) được cấp chứng nhận đầu tư và quyền sử dụng đất ngầm, sẽ trực tiếp đầu tư và thu hồi vốn từ lợi nhuận kinh doanh của khu thương mại.

Tuy nhiên, việc xây dựng TTTM ngầm có quy mô lớn nhất khu vực ASEAN cần một chi phí lớn nên nếu được chấp thuận, nhà đầu tư Nhật sẽ liên kết với Chính phủ Nhật để thực hiện dự án.

 

Theo tính toán của nhà đầu tư, chi phí trả tiền xây dựng phải mất 10 - 11 năm nhưng do nhà ga trung tâm này là điểm giao của tuyến metro số 1 và số 2 nên phía Nhật Bản cũng đang xem xét nguồn vốn ODA cho một phần hạng mục này.

Lan Hương (T/H)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo