TPP không phải là “phép mầu”
Trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ những năm gần đây có những khó khăn nhất định và gần như không có tăng trưởng, do Việt Nam cùng một lúc phải quan tâm nhiều đến các vòng đàm phán tự do thương mại (FTA) với EU, ASEAN, rồi TPP...
Bà Virginia Foote - nguyên chủ tịch Hội đồng thương mại Mỹ - Việt, đồng chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), người có nhiều năm làm việc liên quan đến quá trình Việt Nam ký Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Mỹ, đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) - đã khẳng định như vậy khi chia sẻ về việc gia tăng hơn nữa khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.
* Đâu là trở ngại cản trở việc kết thúc đàm phán TPP giữa Việt Nam và Mỹ?
- Chỉ cần Mỹ và Nhật đạt được tiến bộ là các nước khác có thể đàm phán nhanh chóng. Còn giữa Việt Nam và Mỹ, trong khi Việt Nam muốn có mức thuế tốt hơn đối với giày dép và quần áo - những mặt hàng Việt Nam phải trả rất nhiều thuế cho phía Mỹ - thì ngược lại, Mỹ muốn tiếp cận nhiều hơn đối với thị trường dịch vụ, muốn Việt Nam cam kết về vấn đề lao động, thị trường, kiểm soát đối với doanh nghiệp nhà nước...
* Những khó khăn mà Việt Nam đang phải đối diện là gì, thưa bà?
- Sẽ rất nguy hiểm nếu ai đó nghĩ việc gia nhập là thành viên TPP sẽ mang lại “phép mầu” cho nền kinh tế. Bởi ngay cả khi trở thành thành viên của TPP, Việt Nam còn rất nhiều việc để làm mới có thể tận dụng được lợi thế của thành viên TPP. Đặc biệt, các quốc gia mà cơ sở hạ tầng chưa phát triển như Việt Nam thì còn có nhiều khó khăn hơn. Một số cơ sở hạ tầng cơ bản ở Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng, trong đó có cả cơ sở hạ tầng cứng và mềm. Tôi cho rằng điều quan trọng là phải gia tăng khả năng, cơ hội làm ăn kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam.
Mọi người cũng đã nói về chuyện bẫy thu nhập trung bình, rằng các nước ở một điểm mà mọi thứ tạm ổn, việc cứ bình bình như vậy có vẻ dễ hơn là cố gắng đẩy lên một tầm cao mới. Đây là chuyện chính Việt Nam phải quyết định. Tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là cần thiết. Nhưng quyết định tham gia TPP là một thách thức - một thách thức tốt.
* Sau BTA và rồi WTO, các hàng rào kỹ thuật như chống bán phá giá luôn là vấn đề đối với các nước nhỏ như Việt Nam?
- Chuyện đó kéo dài nhiều năm rồi. Luật chống phá giá mọi nước đều có. Ngay cả Mỹ và Canada là những đối tác thương mại lâu năm nhưng vẫn có rất nhiều cuộc đấu thương mại như vậy. Trong khi đó, Việt Nam vẫn chưa được Mỹ coi là nền kinh tế thị trường, luật chống phá giá thường xuyên được sử dụng - chúng ta thường xuyên đấu với nhau. Chúng tôi tranh cãi với các bạn về một số vấn đề nhất định và các bạn cũng vậy. Điều đó sẽ không thay đổi sau khi TPP được ký.
Việt Nam sẽ vẫn chặn nhập khẩu một số mặt hàng nhất định mà phía Mỹ coi là không công bằng. Mỹ cũng sẽ hành xử tương tự. Mở rộng giao thương, quan hệ sâu hơn nhờ TPP thì chúng ta có thể tránh phần nào chuyện đấu đá này...
* Việt Nam nên làm gì để TPP không trở thành một cơ hội bị bỏ lỡ như WTO? Trước WTO mọi người từng rất kỳ vọng, nhưng giờ sau tám năm nhìn lại, mọi người lại gọi đó là cơ hội bị bỏ lỡ.
- Mọi người nói quá nhiều điều tiêu cực về WTO. Tôi không tin là vậy. Có thể không rất tốt như chúng ta kỳ vọng, nhưng việc gia nhập WTO mang tính sống còn cực kỳ đối với Việt Nam. Vấn đề là làm sao đảm bảo cả hạ tầng cứng và hạ tầng mềm của Việt Nam luôn phải được cải thiện, làm sao vươn tới tiêu chuẩn toàn cầu. Hạ tầng tốt là lý do để người ta đến đây kinh doanh. Họ thấy được đối xử bình đẳng, thấy có cơ hội ở đây, họ sẽ đến.
Người Việt Nam rất có khiếu kinh doanh, thông minh, tài nguyên phong phú, bờ biển đẹp, nhiều địa điểm du lịch... Quan trọng là làm thế nào Việt Nam tiếp tục tăng trưởng theo cách tốt nhất, nhanh nhất - không cần thiết lúc nào cũng phải hơn 9%. Nhưng điều kỳ diệu sẽ không thể đến nếu Việt Nam không giải quyết các vấn đề đã tồn tại dai dẳng từ lâu.
* Phải chăng đó là chuyện tham nhũng, nợ quốc gia...?
- Đó đúng là mối lo. Nhưng đó là mối lo khi anh không hành động gì để giải quyết vấn đề. Tại Mỹ cũng có tham nhũng. Cơ quan thuế của chúng tôi nói người dân nộp khoảng 80% số thuế mà họ phải nộp. Vậy là hụt khoảng 20% và cục thuế Mỹ luôn phải cố tìm xem số 20% này ở đâu để thu. Tôi không biết về tình hình thu thuế ở Việt Nam nhưng cứ giả dụ 30-40% thất thu thì các bạn nên tìm cách thu hồi số này.
Theo tôi, các doanh nghiệp vào Việt Nam làm ăn đều có mong muốn hệ thống ngân hàng tốt hơn, thủ tục hành chính nhanh hơn, ít tham nhũng, hệ thống giáo dục cho trẻ em tốt hơn... Tôi không nghĩ nó quá khó nếu chúng ta có quyết tâm và hành động quyết liệt, để cho hệ thống hoạt động tốt hơn.
Theo Tuổi Trẻ
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo