GS. Jerome A. Cohen (Mỹ) cảnh báo TQ có thể tìm đến Hội đồng Bảo an để khiến tòa án trọng tài quốc tế dừng xem xét các vụ kiện.
Có một điều khá dễ nhận thấy là trong những tranh chấp về chủ quyền trên biển với các nước láng giềng, TQ đều cố tình lờ đi luật pháp quốc tế và quay lưng với các cơ quan tài phán quốc tế. Nhưng mới đây, TQ lại có động thái gửi văn bản đến LHQ với cáo buộc ngược VN cản trở hoạt động của giàn khoan Hải Dương 981 và xâm phạm chủ quyền của TQ. Việc này diễn ra sau khi VN nhiều lần gửi công hàm phản đối TQ lên LHQ.
Cùng lúc đó, trong vụ kiện của Philippines lên Tòa án quốc tế về luật Biển (ITLOS), TQ lại hạ thấp vai trò của thể chế này bằng cách công khai không đáp ứng yêu cầu đệ trình các bằng chứng chủ quyền của phía mình. TQ được cho là cũng sẽ có thái độ tương tự nếu VN khởi kiện.
Nhận định về các động thái dường như mâu thuẫn này của TQ, GS. Jerome A. Cohen, Viện luật pháp Hoa Kỳ - châu Á, ĐH Luật New York, bên lề hội thảo tại Đà Nẵng cuối tuần trước, cho rằng TQ đang suy nghĩ theo hướng: Nếu ra tòa án trọng tài quốc tế thì bất kể là là cường quốc, có ảnh hưởng kinh tế, tiềm lực quân sự mạnh đến đâu, vụ việc vẫn chỉ được xem xét trên thực tế "ai đúng, ai sai".
Nhưng nếu ra LHQ, đó lại là một quá trình chính trị, nơi TQ có lợi thế rất lớn khi là một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, có quyền phủ quyết và có rất nhiều cách khác để gây ảnh hưởng lên các thành viên LHQ.
Vì thế, với các động thái trên, TQ đang cố truyền đi 2 thông điệp: Một, chúng tôi tin tưởng cộng đồng quốc tế. Hai, chúng tôi muốn viện đến một cơ quan mang tính chính trị là LHQ, chứ không muốn ra một thể chế tài phán quốc tế độc lập.
Rất có thể họ đang có một động cơ đặc biệt: Bằng cách tìm đến HĐBA và được hội đồng này chấp thuận xem xét các tranh chấp, đó sẽ là lý do để tòa án trọng tài quốc tế dừng lại và chờ đợi.
Cùng trao đổi về điểm này, GS. Erik Franckx, ĐH Tự do Brussels (Bỉ), thành viên Tòa trọng tài thường trực nhận định: Việc TQ lên tiếng bào chữa rõ ràng cho thấy họ đang bất an.
Nhưng việc này là tích cực đối với cộng đồng quốc tế vì giờ đây, chúng ta có thể bắt đầu tranh luận vào chi tiết hơn. Từ trước đến nay chúng ta biết rất ít về các lý lẽ của TQ, luôn phải đoán hoặc giả định.
GS. Jerome A. Cohen gọi đó là việc TQ bắt đầu cảm nhận được "áp lực quốc tế". Hãy tưởng tượng áp lực đó sẽ lớn thế nào nếu VN thực sự khởi kiện TQ như khả năng mà Thủ tướng VN Nguyễn Tấn Dũng đã đặt ra khi phát biểu tại Manila.
Hiện các lãnh đạo TQ đang phải làm hài lòng chủ nghĩa dân tộc và nhu cầu phô trương sức mạnh quân sự ở trong nước. Nhưng nếu áp lực quốc tế ngày càng lớn, họ sẽ phải tính toán lại và không loại trừ sẽ thay đổi lập trường.
Đối với phương án kiện, GS. Jerome A. Cohen kiến nghị các nước châu Á tự thành lập tòa án trọng tài khu vực của riêng mình để giải quyết các tranh chấp chủ quyền, nếu họ lo ngại các tòa án phương Tây phân biệt đối xử.
Vietnamnet