Trả giá vì ô nhiễm
Theo ước tính của Bộ TN-MT, để tăng 1% sản phẩm quốc nội (GDP) ở VN, suy thoái môi trường hiện nay làm giảm 1,5% GDP.
Nhưng không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, một trong những tác động nguy hại nhất của các vấn đề môi trường là làm suy giảm chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân.
Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) công bố năm 2012, VN đang bắt đầu phải trả giá về mặt sức khỏe con người do một thời gian dài chưa thật sự quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường dẫn đến nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Trên thực tế, ngày càng có nhiều cái tên xuất hiện như một “điểm nóng” về ô nhiễm môi trường, chẳng hạn như những “làng ung thư” ở Hà Tây, Phú Thọ, Hải Phòng... Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy hằng năm cả nước có gần 200.000 người bị mắc ung thư phát hiện mới, mà nguyên nhân chính là môi trường sống ngày càng xuống cấp trầm trọng. Một người bình thường cũng có thể cảm nhận được không khí ô nhiễm hơn, ra đường nhiều khói bụi hơn, sông hồ đen hơn, cây cối ít hơn, nguồn lợi thủy sản ngày càng giảm.
Nhưng điều đáng nói là các thủ phạm gây ô nhiễm trong nhiều trường hợp đều hoạt động khá ngang nhiên, trong sự bức xúc của xã hội, còn chính quyền đa phần là thờ ơ, một số thể hiện sự lúng túng. Chuyện cả thị trấn Kiên Lương, H.Kiên Lương, Kiên Giang phải sống chung với khói, bụi xi măng trong nhiều năm là chuyện rất khó chấp nhận. Cả lý do “vướng luật” và “chi phí khắc phục cao” nên chưa xử lý được tình trạng ô nhiễm bụi xi măng mà ông Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Kiên Giang nại ra đều thể hiện sự vô trách nhiệm. Không có luật nào cao bằng quyền được sống trong một môi trường trong sạch của người dân; không có chi phí nào lớn bằng cái giá mà người dân đang phải trả cho những tổn hại về sức khỏe. Cả một thị trấn không còn màu xanh, cả một thị trấn đang dần biến thành vùng đất chết để đổi lấy mấy đồng tăng trưởng, liệu có đáng không?
Kinh nghiệm từ các nước phát triển cho thấy chi phí xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn rất nhiều chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Không phải ngẫu nhiên, từ năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Phát triển bền vững, giai đoạn 2011- 2020, trong đó đề cao 3 trụ cột: Tăng trưởng, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường. Tăng trưởng xanh, với mục tiêu duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, sử dụng tài nguyên thiên nhiên hiệu quả và bảo vệ môi trường cũng được nhắc đến như một cam kết của VN về phát triển bền vững.
Chỉ có điều, những cam kết, những khẩu hiệu ấy phải biến thành hành động trong thực tế. Thực tế đầu tiên, ấy là người dân có quyền được sống trong một môi trường không ô nhiễm.
Theo Thanh niên Online
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo