Trách nhiệm người đứng đầu: Việc xử đại tham nhũng sẽ chứng minh!
Bà Trương Thị Huệ, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên khóa XIII, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã bày tỏ quan điểm của mình về quyết tâm của Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng.
Thưa bà trong phần chất vấn của mình tại kỳ họp vừa qua bà có cho rằng trong việc xử lý tham nhũng, trách nhiệm người đứng đầu chưa rõ ràng, để rồi thành thích thì cá nhân nhận, còn sai sót khuyết điểm thì lỗi của tập thể…”. Mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định về việc xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Cụ thể là sẽ khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức nếu đơn vị xảy ra tham nhũng. Bà đánh giá như thế nào về quyết tâm này?
Bà Trương Thị Huệ: - Công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian vừa qua được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo sát sao, từ việc đổi mới tổ chức bộ máy đến việc tổ chức thực hiện công tác phòng chống tham nhũng.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định về việc xử lý kỷ luật người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý. Tôi đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong công tác phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên, Nghị định 211/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ, cần phải có sự quyết tâm cao và quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện phòng chống tham nhũng. Tôi tin tưởng rằng, kết quả xét xử một số vụ án tham nhũng sắp tới sẽ chứng minh quyết tâm đó của Chính phủ.
Theo bà việc quy trách nhiệm người đứng đầu liệu này liệu sẽ gặp phải những khó khăn gì bởi như dư luận vẫn nói, tham nhũng trong một đơn vị thì thường phải “có dây”?
Bà Trương Thị Huệ: - Việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu rất khó khăn, về mặt thực tiễn thì chỉ có người có chức vụ, quyền hạn mới có điều kiện để tham nhũng, lãng phí, những cán bộ có sai phạm trong lĩnh vực này thường ít nhiều có liên quan hoặc được người có thẩm quyền “làm ngơ” để họ thực hiện.
Do đó khi phát hiện thường có sự bao che là lẽ đương nhiên, thể hiện ở việc không xử lý hoặc chậm xử lý để kéo dài thời gian để lấp liếm hoặc xử lý nhẹ và vẫn giữ nguyên vị trí công tác, hiện tượng này là một trong những nguyên nhân làm cho không ít cán bộ biết người tham nhũng mà không dám đấu tranh, do vậy cần phải xem xét cả trách nhiệm của người đứng đầu cấp trên trực tiếp của thủ trưởng cơ quan đơn vị để xảy ra sai phạm mà chậm xử lý, kéo dài xử lý hoặc xử lý không nghiêm minh, không dứt điểm.
Thứ hai, cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ như hiện nay cũng cần phải xem xét thêm mới có thể quy trách nhiệm cho người đứng đầu một cách rõ ràng và cụ thể, tránh tình trạng “trốn tránh trách nhiệm” của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng. Người đứng đầu cũng cần được trao quyền quyết định nhất định về công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý, điều hành.
Thời gian qua nhiều biện pháp cũng được đưa ra nhưng vẫn có ý kiến cho rằng cách làm “giơ cao đánh khẽ” sẽ khiến các giải pháp bị nhờn, bà nghĩ sao về ý kiến này? Nếu giải pháp mới được Thủ tướng đưa ra không được áp dụng nghiêm minh, liệu việc chống tham nhũng liệu có lại rơi vào tình trạng này?
Bà Trương Thị Huệ: - Thực tế thời gian qua có nhiều giải pháp về phòng chống tham nhũng được đưa ra nhưng kết quả chưa tương xứng, “chưa sát thương được ai” như một số đại biểu Quốc hội đã có ý kiến, như vậy các giải pháp bị “nhờn” là không tránh khỏi. Các giải pháp mới của Thủ tướng Chính phủ tôi tin là sẽ không bị nhờn, bởi tôi đã thấy sự quyết tâm từ thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ và từ việc xử các vụ án đại tham nhũng. Đồng thời tôi cũng tin là cử tri và các vị đại biểu Quốc hội sẽ theo dõi, giám sát giúp Chính phủ để các giải pháp chống tham nhũng không bị nhờn.
Bà nhận định như thế nào về ý kiến “có tham nhũng ngay trong đội ngũ phòng chống tham nhũng” mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề trước đó?
Bà Trương Thị Huệ: - Về lý thuyết và thực tiễn thì việc tham nhũng ngay trong đội ngũ phòng chống tham nhũng là có thể xảy ra. Chủ tịch Quốc hội đã nhận định và đặt vấn đề như vậy là có cơ sở.
Thưa bà, liệu có thể áp dụng Nghị định này với những đại án tham nhũng đang xử hay không? Nếu vậy, trách nhiệm người đứng đầu sẽ cần được xem xét như thế nào?
Bà Trương Thị Huệ: - Tôi nghĩ việc ban hành Nghị định là văn bản quy phạm pháp luật do đó bất kỳ tổ chức, cá nhân nào cũng đều phải thực hiện, người có chức vụ, quyền hạn càng cao càng phải thực hiện nghiêm túc để làm gương.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất