Các nhà Thiên văn học vừa phát hiện hành tinh bí ẩn “anh em sinh đôi”, gần giống Trái đất, nằm ở hệ mặt trời cách chúng ta khoảng 200 năm ánh sáng.
Hành tinh mới có tên gọi là KOI-314c, có cùng khối lượng Trái đất nhưng đường kính lớn hơn khoảng 60%. Với trọng lượng như vậy, các nhà khoa học cho rằng trên hành tinh mới này có bầu khí quyển tương đối dày.
Các nhà khoa học nhận định, hành tinh KOI-314c được bao bọc bởi lớp khí quyển hydro và heli dày đặc hàng trăm km. Sự hình thành này được xem tương tự như sao Hải vương của hệ mặt trời tại thời điểm một phần khí quyển vẫn còn tồn tại, chưa chịu sự ảnh hưởng từ sức ép của ngôi sao mẹ.
Quỹ đạo của nó quay quanh một ngôi sao lùn có khoảng cách tương đối gần, chu kì quay là 23 ngày. Nhiệt độ bề mặt KOI-314c khoảng 104 độ C, quá nóng so với hầu hết các hình thức của sự sống trên Trái đất.
Tuy nhiên, ông David Kipping - tiến sĩ thiên văn học thuộc trung tâm Harvard - Smithsonian cho biết: “Hành tinh này có thể cùng khối lượng như Trái đất, nhưng chắc chắn nó không giống như Trái đất.
Nó không có đường phân chia rõ ràng giữa các thế giới đá như Trái đất. Hành tinh này khá xốp như thể đó là thế giới của nước hoặc chứa lượng khí khổng lồ”.
Trong khi đó, một nghiên cứu khác của các nhà khoa học lại có kết quả rằng Trái Đất là một hành tinh cá biệt, không thể so sánh được.
Các hành tinh có kích thước từ bằng Trái đất tới lớn hơn gấp bốn lần được cho là chiếm ba phần tư các hành tinh mà tàu Thiên văn Kepler của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phát hiện được.
Những nhà thiên văn học đã phân loại khoảng 3.000 hành tinh kiểu này với hy vọng có thể tìm ra sự sống đâu đó trong thiên hà. Các chuyên gia Thiên văn học Hoa Kỳ cho rằng trong khi những siêu Trái đất và những Mộc tinh mini là khá phổ biến, chúng không có điểm gì giống với hành tinh mẹ của chúng ta.
“Hệ Mặt trời của chúng ta rất khác biệt. Tất cả những hành tinh mà Kepler đã tìm thấy đều rất lạ lùng so với chúng ta”, Yoram Lithwick của Đại học Northwestern bình luận. “20% tới 30% tất cả các ngôi sao (tương đương mặt trời) đều có những hành tinh kỳ quặc này”.
Các siêu Trái đất và Mộc tinh mini có kích thước lớn hơn hai lần rưỡi bán kính Trái đất “luôn che phủ bởi rất nhiều khí, là điều gây ngạc nhiên nhất”, Lithwick cho biết.
Ông đã nghiên cứu khoảng 60 hành tinh như thế và thấy rằng chúng được hình thành “rất nhanh sau khi ngôi sao của chúng ra đời, vẫn còn một đĩa khí khổng lồ bao quanh. Ngược lại, Trái đất hình thành muộn hơn nhiều, sau khi chiếc đĩa khí đã biến mất”.
Rất nhiều những hành tinh đó không chỉ nóng hơn Trái đất, chúng còn có lượng khí lớn bao phủ xung quanh lõi đá, đồng nghĩa với áp lực khí quyển cực lớn.
“Ở đó sẽ chịu áp lực giống như ở dưới đáy 10 đại dương của Trái đất chồng lên nhau”, Geoff Marcy của Đại học bang California, Berkeley, nói.
Khi được hỏi liệu sự sống có thể tồn tại trong những điều kiện như vậy, Marcy nói với các phóng viên rằng ông phải hỏi lại vài người bạn là chuyên gia sinh học. Tóm lại, họ cũng không chắc.
“Không phải là không thể”, Marcy nói. “Chúng ta còn biết rất ít ỏi về việc sự sống đã hình thành ra sao và trong những môi trường nào nó có thể phát triển”.
Theo TTXVN