Trắng đêm đối diện giàn khoan Hải Dương 981
Đêm xuống, những ánh mắt cảnh sát biển Việt Nam không rời mục tiêu giàn khoan Hải Dương 981 tàu quân sự của Trung Quốc quần thảo trái phép ở vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam.
Biển Hoàng Sa về đêm. Lực lượng chấp pháp Việt Nam giữ tàu ở cách giàn khoan Hải Dương 981 khoảng 10 hải lý. Kíp trực thay phiên nhau cảnh giới, quan sát động tĩnh của giàn khoan khổng lồ cùng những đốm sáng phát ra từ các tàu hộ tống giăng dày đặc quanh đó.
Mỗi ca trực kéo dài 3 tiếng với các vị trí chỉ huy, radar, hàng hải... Sóng lớn, tàu cảnh sát biển không thể thả neo ở độ sâu trên 1.000 m nên phải thả trôi. Chốc chốc, những con tàu của Việt Nam bị tàu Trung Quốc rọi đèn pha theo dõi.
23h, trên tàu cảnh sát biển 8003, tới phiên trực chỉ huy của trung úy Đào Nhật Thịnh cùng gần 10 thủy thủ khác. Phát hiện tàu trôi vào khu vực nguy hiểm, anh Thịnh lệnh cho bộ phận máy khởi động để tàu lùi cách giàn khoan 10 hải lý nhằm đảm bảo an toàn.
"Có sợ không?", anh Thịnh nhìn người đối diện giữa màn đêm mờ ảo và tiếng gió rít mạnh, giọng điềm tĩnh: "Những ngày đầu ra điểm nóng, tình hình căng thẳng hơn nhiều. Tàu Trung Quốc lúc nào cũng sẵn sàng đâm va. Nhưng mình làm nhiệm vụ chấp pháp trong tâm thế chính nghĩa, lại ở khu vực biển chủ quyền đã được xác lập tự bao đời, sợ gì". Trung úy Thịnh năm nay 26 tuổi, quê Hà Tĩnh và là một trong những thủy thủ trẻ nhất tàu. "Cứ đi biển biền biệt, chẳng còn thời gian lấy vợ", anh tếu táo nói.
Nhấp ly trà đặc quánh, trung úy Thịnh kể mỗi ngày anh trực 3 ca, đây là đêm thứ 18 các chiến sĩ trên tàu thức trắng làm nhiệm vụ. Ở tọa độ "nóng" nên người trực chỉ huy luôn phải căng mình theo dõi mọi động tĩnh, kể cả những tín hiệu nhỏ nhất phát ra từ các mục tiêu vây quanh. Chuyến ra Hoàng Sa lần này, anh em ai cũng vất vả nhưng ý chí mọi người đều như một, quyết tâm bám biển, buộc Trung Quốc đưa giàn khoan ra khỏi vùng biển chủ quyền Việt Nam.
Mắt không rời khỏi màn hình radar, đại úy Phạm Đức Dương (41 tuổi, quê Hải Phòng) nói, tàu Trung Quốc lúc nào cũng dày đặc. Nhiệm vụ của anh là quan sát hướng đi, tốc độ cũng như đưa ra nhận định thời điểm tàu Trung Quốc tiến sát mạn tàu ta để báo cho người trực chỉ huy. Những ca trực đêm, anh cùng nhân viên hàng hải Nguyễn Văn Thành kết hợp la bàn với radar để xác định hướng đi, quyết giữ vị trí trực diện 981.
20 năm trong quân ngũ, đây là lần đầu anh Dương trực tiếp tham gia bảo vệ chủ quyền. Lúc xuống tàu, anh chỉ báo với vợ là đi công tác, rồi mất liên lạc. Cả tàu có hai người đảm nhận bộ phận này nên mỗi ngày đại úy Dương đều làm việc 12 tiếng đồng hồ, chỉ tranh thủ chớp mắt được ít giờ mỗi ngày.
Ngoài quan sát bằng mắt thường, anh phải vận hành hệ thống viễn thông điện tử để quản lý tất cả mục tiêu, đánh dấu trên màn hình, xem hướng di chuyển của các mục tiêu mới và quan trọng hơn là tránh bị tấn công bất ngờ trong đêm. Nhắc đến gia đình, anh bảo chỉ mong vợ con mình ở nhà được mạnh khỏe để yên tâm bám biển.
Mắt nhìn ra hướng biển, trung úy Trịnh Văn Duy (tàu cảnh sát biển 4032) trầm ngâm nhớ lại cuộc va chạm với tàu Trung Quốc sáng 13/5. Như thường ngày, các thủy thủ nhận lệnh cơ động tiến sát vào giàn khoan để phát loa tuyên truyền.
Trước lúc lên đường, thuyền trưởng ra lệnh đóng kín các cửa, đề phòng bị phun vòi rồng. Khi 4032 cách giàn khoan 5,5 hải lý thì bị hai tàu có số hiệu 7028 và 46001 của Trung Quốc áp sát. Một chiếc to gấp 5 lần tàu cảnh sát biển Việt Nam giơ vòi rồng đe dọa. "Tất cả mọi người bám chắc nhé", tiếng một chiến sĩ cất lên trong cabin khi thấy tàu 46001 tăng tốc rẽ sóng, hướng thẳng mũi vào mạn tàu 4032.
"Rầm...", âm thanh chát chúa phát ra từ cú va chạm, tàu 4032 chao đảo, mất thăng bằng", trung úy Duy kể và cho biết khi bị tông trực diện, chỉ huy tàu đã chủ động điều khiển tránh hướng va chạm vuông góc với tàu Trung Quốc nên giảm thiểu được thiệt hại. Hơn 10 m lan can mạn trái cùng lỗ thông gió bị mũi tàu Việt Nam húc văng.
"Việc Trung Quốc hung hãn đâm tàu Việt Nam nhằm mục đích đe dọa, giương oai nhưng anh em quyết không chùn bước", trung úy Duy nói thêm. Ngay khi tàu 4032 về lại bờ sửa chữa, anh Duy tranh thủ về qua nhà động viên cô vợ trẻ đang mang thai đứa con trai đầu lòng tháng thứ 9. Một ngày sau, anh Duy lại xuống tàu nhằm Hoàng Sa thẳng tiến.
Giữ "trái tim" của con tàu, trung úy Phạm Kim Nghiêm (quê Hải Dương, nhân viên máy trên tàu cảnh sát biển 8003) cho biết, mỗi ca trực còn có hai đồng nghiệp ở dưới phòng máy để đảm bảo tàu hoạt động trơn tru trong mọi tình huống. "Máy móc không thể nói trước được điều gì. Mỗi lúc máy hỏng hóc phải tập trung toàn bộ anh em bàn phương án, bắt bệnh... Rất may chuyến đi Hoàng Sa lần này tàu chỉ gặp vài trục trặc nhỏ", anh Nghiêm chia sẻ.
Ngồi bên lan can tàu, mặc cho những đợt gió lạnh mặn chát tạt vào người, thiếu tá Lê Đức Cường (40 tuổi, quê Hà Tĩnh) nói lần này biển Đông thực sự nóng. Tất cả mọi người trên tàu đều trong tâm thế cảnh giác cao độ vì người nhái có thể tấn công bất cứ lúc nào.
"Hơn 2 tuần trước, tàu cảnh sát biển Việt Nam 8003 và tàu 3210 của Trung Quốc có chuyến tuần tra chung trên biển kéo dài 5 ngày, theo vạch tọa độ kẻ trước. Hai bên còn dành cho nhau những cái bắt tay nồng ấm, những đồng nghiệp Trung Quốc luôn nói rằng đoàn kết lâu dài...", anh Cường bỏ dở câu nói.
Những ngày đầu ra Hoàng Sa, anh Cường thấy sống mũi cay cay khi gặp lại tàu Trung Quốc số hiệu 3210 trong đội tàu hộ tống giàn khoan 981. "Đúng là lời nói gió bay. Trung Quốc không giữ lời trong bất cứ cam kết nào ở biển Đông, họ đang làm xấu đi hình ảnh của chính mình", thiếu tá Cường nhận định.
VnExpress
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo