Tranh cãi về vấn đề làm gì để có đặc khu: Phải có nguồn nhân lực 4.0 (kỳ 2)
Phải đào tạo con người đặc khu
Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, cùng với các cơ chế ưu đãi để thu hút đầu tư thì dự Luật đặc khu cần đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực một cách bền vững tại các đặc khu này. Cụ thể, phải quan tâm cả 2 vấn đề lớn, đó là đầu tư vượt trội và chính sách vượt trội cho phát triển nguồn nhân lực. Theo đó, muốn phát triển nguồn nhân lực thì công tác giáo dục đào tạo từ cấp phổ thông là cực kỳ quan trọng, bởi nó phải cần cả 2 vấn đề thể lực, trí lực, cái này nó phải đồng bộ với nhau. “Nếu không tập trung đầu tư đào tạo, đầu tư từ trường học, nhà trẻ, mẫu giáo ở đây thì ai đến đó mà làm việc ? Nguồn nhân lực ở đây phải tính đến là nguồn nhân lực kỹ thật và nó có tính lâu dài, phải đi trước đón đầu và phải ở cả 2 khía cạnh, một là chuẩn bị nguồn nhân lực để đáp ứng cho việc bước vào quá trình lao động sản xuất của các đặc khu. Hai là phát triển đào tạo đi lên số lao động hiện trạng đang nằm ở 3 nơi dự kiến trở thành đặc khu này. Bởi vì nếu không thì cuộc cách mạng 4.0 vào hoặc khi nó trở thành đặc khu, lập tức lực lượng này sẽ ra khỏi lực lượng sản xuất thì nó còn bất lợi hơn cả cái chúng ta không đi trước đón đầu. Nó đào thải thì làm sao được, cho nên phải đào tạo để thứ nhất là giữ được việc làm, hai là khi thay đổi cơ cấu người lao động có thể hoàn toàn chủ động chuyển sang môi trường làm việc mới”.
Phó Giáo sư, TS Vũ Minh Khương - Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học quốc gia Singapore dẫn chứng một bài giảng mà ông thường dạy cho các sinh viên của mình, đó là bài học kinh nghiệm của mô hình đặc khu Thẩm Quyến - một điểm nhấn về thu hút công nghệ gắn với thu hút nhân tài. PGS.TS. Vũ Minh Khương cho rằng dự thảo Luật đặc khu của ta xây dựng chưa thật khoa học và có tầm ở cái điểm ta coi trọng quá nhiều ưu đãi mà chưa coi trọng ưu tú. Hiện nay, Việt Nam “mới chỉ lưu ý đến ưu đãi thôi, làm sao để thu hút được nhà đầu tư thôi, vẫn lấy nguồn vốn ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng thì tôi nghĩ là chưa được”. Theo PGS. TS Vũ Minh Khương, cách đi như vậy cần phải xem xét nghiên cứu lại, phải có chiến lược với một cơ chế vững bền. “Tôi lấy ví dụ Thẩm Quyến chẳng hạn, thì ở đấy phải là 1 điểm hút về công nghệ, điểm hút về nhân tài, điểm để khẳng định cho thế giới rằng tôi không kém ai. Đấy là một đẳng cấp về chiến lược. Thứ 2 đây là một điểm hút bằng thể chế ưu tú. Họ hút về nhân tài chứ không chỉ hút về đầu tư đâu. Và thứ 3, nó là nơi gắn kết sâu sắc với kinh tế trong nước, Không cần phải bay đi đâu cả, bay đến đấy mà xem. Ở tỉnh ta chưa làm được điều này điều khác, lên chỗ đấy mà xem. Họ làm như thế đấy. Con người họ đối xử với nhau tử tế thế này, thế khác lên đấy mà học tập…” - ông Khương quả quyết Việt Nam cần phải học tập những mô hình như thế để làm đặc khu.
Chuyên gia kinh tế, TS. Võ Trí Thành không hẳn dễ dãi khi cho rằng, Việt Nam mới bắt đầu xây dựng đặc khu, với quá nhiều bài học từ các nước nhưng không dễ áp dụng với Việt Nam, vì vậy, trong quá trình thực hiện, việc điều chỉnh luật cho phù hợp cũng là thông lệ của các nước. Điều quan trọng nhất là năng lực thực thi và triển khai trong thực tế. Thành công của đặc khu nằm rất lớn ở việc xây dựng bộ máy vận hành, cơ chế tuyển chọn con người trong bộ máy, để ý tưởng đột phá kinh tế từ đặc khu có thể đi vào cuộc sống. TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm: Nói đến đặc khu là vấn đề thực thi. Nó có đủ nhanh, đủ quyết liệt, đủ khả năng giải trình hay không ? Cái đủ này phải ở mức rất cao, có đủ khả năng xử lý tranh chấp hay không ? Đây là những yêu cầu tất yếu. Và như vậy nó gắn với cấu trúc quyền lực, bộ máy... Ở đây có 1 điều rất quan trọng, nếu anh muốn đây là cuộc thử nghiệm để sau này mô hình ấy lan tỏa ra cả nước thì phải có kịch bản, mẫu hình thể chế cho cả đất nước thì khi xây dựng thể chế ấy thì tính thiết thực và lan tỏa phải cao và tốt hơn. Và thứ 2, bây giờ người ta nói cuộc cách mạng công nghệ 4.0, Chỉnh phủ số… thì tất cả những nguyên tắc một cửa, nguyên tắc giải trình, minh bạch, quyết liệt… phải được đặt trong bối cảnh mới này, của cuộc CMCN4.0. Một cửa nhưng phải là 1 cửa số. Ưu đãi hỗ trợ nhưng phải dựa trên thành quả, kết quả chứ không phải chỉ dựa trên những ưu đãi về lợi nhuận, thu nhập. Nếu thể chế làm không tốt lại tạo ra vòng luẩn quẩn “xin - cho”…
Cần nhưng không nên vội
Vẫn còn khá nhiều ý kiến chuyên gia, ĐBQH đề xuất cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn dự Luật đặc khu. Thậm chí, nếu cần thiết thời gian để hoàn thiện có thể lùi lại thông qua ở Kỳ họp tới. Luật sư Trương Thanh Đức - chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định “nếu vẫn còn ngập ngừng với việc trao quyền, trao sự chủ động cho cơ chế quản trị của đặc khu thì chúng ta sẽ mất đi sự đặc biệt của các đơn vị này. Do đó, thể chế hành chính không chỉ vượt trội mà phải đột phá thì mới thúc đẩy phát triển mạnh kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, nhằm thu được nhiều thuế. Còn nếu chú trọng thu hút đầu tư bằng miễn giảm thuế, tiền đất, sẽ chỉ tạo ra sự dịch chuyển kinh tế từ địa bàn khác về đặc khu, chứ không phải là tạo ra sự phát triển kinh tế”. Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc thì cho rằng, đặc khu được xây dựnng là các “đầu tàu” để tạo ra tính lan tỏa, là hình mẫu để học hỏi chứ không phải là các “toa tàu” để kéo theo. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh “Luật đặc khu cần vượt trội, có những điểm khác biệt so với các luật hiện hành nhưng không được trái với các quy định của hiến pháp Việt Nam”.
Theo các chuyên gia, mô hình đặc khu kinh tế đã xuất hiện trên thế giới khoảng 60 năm trước. Cho đến nay, đã có khoảng 4.500 đặc khu tại 140 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc phát triển thành công hay không của mỗi đặc khu kinh tế phụ thuộc vào nhiều yếu tố và điều kiện khác nhau. Nhưng một điều không thể phủ nhận là mô hình này đã mang lại cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tiếp cận với tri thức, công nghệ mới, phương thức quản lý hiện đại; thúc đẩy trao đổi thương mại và mở cửa nền kinh tế trong nước để hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới. Do đó, nền kinh tế Việt Nam bây giờ mới bắt đầu khởi động mô hình đặc khu, thì càng cần đưa mô hình đặc thù này vào triển khai và quyết tâm vận hành sao cho hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chúng ta cần nhưng không nên vội.
End of content
Không có tin nào tiếp theo