Tin tức - Sự kiện

Trao quyền sở hữu cho người sử dụng ruộng đất

Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu Vấn đề đất đai và sở hữu đất đai từ 2011 đến 2020, TS Vũ Tuấn Anh (ảnh) cho rằng, cần có sự thay đổi cơ bản trong chính sách về đất đai; trao cho người trực tiếp sử dụng ruộng đất tất cả quyền cơ bản

Đề tài do TS làm chủ nhiệm có từ trước khi những vấn đề bất cập xảy ra ở huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) xoay quanh cưỡng chế đất. Phải chăng TS và các cộng sự đã thấy những vấn đề đất đai và sở hữu đất đai?

 

Vấn đề đất đai không phải bây giờ mới bùng nổ xung đột. Nó đã có từ lâu và nhiều người biết. Hơn 80% trong tổng số các vụ khiếu kiện của nhân dân là về đất đai.

 

Cách đây 5 năm, trong một cuộc hội thảo do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức bàn về nông nghiệp và nông thôn, tôi và một số nhà khoa học đã đặc biệt nhấn mạnh vấn đề ruộng đất của nông dân và cảnh báo nếu không giải quyết về cả lý luận sở hữu và cơ chế quản lý thực tiễn đối với ruộng đất, thì xung đột xã hội bùng nổ là điều khó tránh khỏi.

 

Không có người chủ đích thực

 

Ở góc độ nghiên cứu, TS phân tích những bất cập đã, đang diễn ra tại Tiên Lãng có mối liên hệ như thế nào với quyền chủ sở hữu đất đai?

 

Trong vụ Tiên Lãng có nhiều vấn đề bất cập. Tôi chỉ nêu vài điều mà dư luận ít nói đến. Về nền tảng sâu xa, quy định về sở hữu toàn dân đối với toàn bộ ruộng đất là điều không phù hợp, bởi vì sở hữu toàn dân không có người chủ đích thực.

 

Theo TS Vũ Tuấn Anh: Không nên thường xuyên thu hồi, chia lại ruộng đất              Ảnh: Hồng Vĩnh
Theo TS Vũ Tuấn Anh: Không nên thường xuyên thu hồi, chia lại ruộng đất. Ảnh: Hồng Vĩnh.

 

Đất đai là lãnh thổ quốc gia, là của toàn dân – điều đó không phải bàn cãi. Song khi xem đất đai ở tư cách tài sản, thì Nhà nước là đại diện cho toàn dân để thực hiện các quyền cơ bản của chủ sở hữu - quyền định đoạt, quyền sử dụng và quyền hưởng lợi.

 

Trên thực tế, quyền lực đó lại phân tán cho nhiều cơ quan thực hiện, với nhiều điều quy định rắc rối, mâu thuẫn nhau hoặc không rõ ràng.

 

Ông chủ tịch xã, ông chủ tịch huyện, ông giám đốc sở hoặc một ông bà cán bộ cấp phòng ban nào đó đều có thể nhân danh quyền lực nhà nước để hành xử theo một trong hàng nghìn văn bản nào đó mà người dân không thể nào nắm hết.

 

Đành rằng Luật Đất đai là tối cao, nhưng luật đó không bao trùm hết được tất cả chi tiết của thực tiễn, nên kèm theo nó là hàng chục, hàng trăm văn bản dưới luật khác hướng dẫn, giải thích, vận dụng luật.

 

Bởi vậy, cho đến giờ, các vị lãnh đạo cấp xã, huyện và tỉnh vẫn nói là mình làm đúng luật, trong khi những người soạn thảo ra luật ở cấp trung ương nói rằng sai. Các vị lãnh đạo đó có thể sai do thiếu hiểu biết đầy đủ luật và cũng có thể sai do cố tình vận dụng.

 

Công việc thực thi quyền làm chủ sở hữu đất đai cũng có không ít vấn đề. Cơ quan Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu toàn dân thì trước hết phải phục vụ cho lợi ích của dân, tạo điều kiện cho dân ổn định, lo làm ăn, lo đầu tư bồi dưỡng đất đai lâu dài.

 

Nếu cứ vài ba năm hay thậm chí vài chục năm lại thu hồi và chia lại ruộng đất - tức là tiến hành lại một cuộc cải cách ruộng đất - thì làm sao dân có thể yên tâm mà sống, chứ chưa nói làm giàu thêm đất đai?

 

Người dân không thể chấp nhận việc lấy ruộng đất mà cả gia đình họ dựa vào đó mà sinh sống, hay mảnh đất mà họ đổ mồ hôi, sôi nước mắt tạo lập ra, để đem cho người khác sử dụng.

 

Sẽ là phi lý khi các vị trong chính quyền xã, huyện coi các hộ gia đình như ông Vươn có mấy chục hecta là không công bằng, trong khi chính họ lại đem cho một nhà đầu tư nước ngoài thuê 300 hecta ngay cạnh đó.

 

Theo tôi, mối quan tâm hàng đầu của chính quyền địa phương phải là chăm lo cho dân sống yên ổn, có công ăn việc làm, có thu nhập và đời sống tốt hơn, chứ không phải chú trọng việc thu được càng nhiều hơn tiền của dân vào ngân sách địa phương bằng cách chuyển từ giao đất dài hạn sang cho thuê ngắn hạn với tiền thuê cao hơn.

 

Theo TS, qua khảo sát, ngoài Tiên Lãng, còn những địa phương nào thực hiện chưa đúng Luật Đất đai?

 

Con số 80% số vụ khiếu kiện của dân về vấn đề đất đai nói lên một điều rằng việc thực hiện chưa đúng Luật Đất đai là hiện tượng phổ biến ở nhiều nơi. Nó cũng đồng thời cho thấy bản thân luật cũng có những điều không đáp ứng được yêu cầu an dân và vì lợi ích của dân.

 

“Đem ruộng đất cho dân cày”

 

Vậy việc sửa đổi Luật Đất đai nên theo hướng nào?

 

Đường lối cơ bản xuyên suốt của Đảng ta từ khi thành lập là đem lại ruộng đất cho dân cày; nhờ thực hiện đường lối đó mà Đảng và Nhà nước ta được người dân tin tưởng và ủng hộ. Những gì vi phạm đường lối đó phải kiên quyết sửa đổi càng sớm càng tốt.

 

Đất đai với tư cách lãnh thổ là của toàn dân tộc. Song trên thực tế, mỗi mảnh đất đều phải có chủ đích thực và tùy vào công năng, vào điều kiện cụ thể mà chủ sở hữu có thể là Nhà nước, là doanh nghiệp, dòng họ, cộng đồng làng xóm, hộ gia đình và cá nhân.

 

Một điểu yếu quan trọng của sở hữu toàn dân là khi trao cho những nhân viên công quyền làm việc theo nhiệm kỳ quyền định đoạt của chủ sở hữu, thì không thể đảm bảo được rằng quyền lực đó lúc nào và đối với ai cũng được thực thi với trách nhiệm cao và với cái tâm trong sáng.

 

Chỉ một vài con sâu trong bộ máy công quyền, chứ chưa kể khi có “cả bầy sâu” (như Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói), cũng làm tổn hại đời sống hàng trăm, hàng nghìn người dân, thậm chí tới mấy thế hệ của họ.

 

Việc trao cho người trực tiếp sử dụng ruộng đất tất cả quyền cơ bản của chủ sở hữu là điều thích hợp. Điều này cả thế giới đã và đang làm.

 

Cám ơn ông.

 

Dùng vũ lực cưỡng chế là sai

 

“Về việc cưỡng chế ở Tiên Lãng và không chỉ ở Tiên Lãng, tôi cho rằng đây là sự lạm dụng quyền lực nhà nước một cách vi hiến. Chính quyền huyện, xã khi thực thi quyền chủ sở hữu đối với đất đai và những người dân được giao hay thuê đất là những chủ thể bình đẳng trước pháp luật.

 

Hai bên có quan hệ giao dịch kinh tế, dân sự với nhau. Trước pháp luật, một cá nhân công dân, một hộ gia đình, một doanh nghiệp hay một đơn vị hành chính của chính quyền đều là những pháp nhân bình đẳng trong những giao dịch hay tranh chấp kinh tế và dân sự.

 

Khi có mâu thuẫn, kiện tụng thì phải do tòa án phán quyết và trong bất kỳ trường hợp nào cũng không ai được phép dùng vũ lực cưỡng chế bên đối lập.

 

Chính quyền ở vai trò trọng tài và quản lý nhà nước chỉ được phép sử dụng biện pháp cưỡng chế để thi hành quyết định của tòa án đối với những người không chịu thi hành và phải do cơ quan chuyên trách thi hành án thực hiện.

 

Chính quyền chỉ sử dụng lực lượng vũ trang của mình đối với tội phạm hình sự hay những kẻ xâm hại an ninh quốc gia” -

TS Vũ Tuấn Anh

 

Theo Tiền Phong

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo