Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để phục hồi nền kinh tế
Chúng ta đã kết thúc Quý I và bước sang Quý II nhưng tình hình kinh tế nước nhà vẫn rất khó khăn. Nhiều giải pháp đã được Chính phủ đưa ra nhưng hiệu quả thì chưa được như kỳ vọng. Nhìn lại bức tranh kinh tế Quý I, ông có những đánh giá gì ?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Phải nói rằng, do chúng ta nhìn thấy trước khó khăn của năm 2013 từ rất sớm, trong đó bao gồm những việc đã làm và chưa làm được nên Chính phủ đã nhanh chóng đưa ra những giải pháp khắc phục (Nghị quyết 01 về triển khai nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2013 với mục tiêu hàng đầu là tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; Nghị quyết 02 là hàng loạt giải pháp kích cầu, hỗ trợ thị trường, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh). Sau 3 tháng, chúng ta chặn được tốc độ gia tăng lạm phát. Lạm phát tháng sau giảm hơn tháng trước; hoạt động xuất nhập khẩu cũng tăng (19%); GDP Quý I tuy thấp hơn cùng kỳ nhưng có thể chấp nhận được (trên 4%); cán cân thương mại được cải thiện; hoạt động tài chính bắt đầu vận hành theo nguyên tắc thị trường; vấn đề tín dụng có chuyển biến…
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực đó vẫn còn rất nhiều tồn tại, đồng thời nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp mới như: tăng trưởng chủ yếu nằm trong lĩnh vực dịch vụ, còn nông nghiệp và công nghiệp thấp hơn cùng kỳ; nguồn thu từ thuế giảm gây ảnh hưởng đến ngân sách; tín dụng sau 3 tháng mới tăng 0,03%; những giải pháp giải quyết hàng tồn kho, kích cầu thị trường bất động sản, ổn định sản xuất tuy đã có định hướng nhưng mới bắt đầu nên chưa mang lại hiệu quả rõ rệt… Những tồn tại này không chỉ ảnh hưởng đến kế hoạch Quý I mà sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch các quý sau.
Về dài hạn, năm nay chúng ta phải tập trung giải quyết các vấn đề nóng bỏng: sắp xếp lại hệ thống Ngân hàng, cơ cấu lại doanh nghiệp và khơi thông dòng vốn. Tuy vậy, trong Quý I việc giải quyết những vấn đề này còn chưa triệt để, chưa hiệu quả nên chưa hỗ trợ tốt cho kế hoạch dài hạn. Nếu nhìn rộng ra những năm gần đây thì nền kinh tế chúng ta đang đi xuống. Nếu coi năm nay là năm bản lề của kế hoạch 5 năm thì kinh tế chỉ đạt mức bình thường, chưa có kết quả rõ ràng. Tình hình này nếu cứ kéo dài thì kinh tế nước nhà những năm tiếp theo sẽ còn khó khăn.
Vậy tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm sẽ ra sao, thưa ông ?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng từ nay đến cuối năm, kinh tế sẽ có những tín hiệu tích cực. Chúng ta đã thông qua được đề án tái cơ cấu nền kinh tế với những trọng tâm: tìm giải pháp giảm nợ xấu; giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng hấp thụ vốn; giảm hàng tồn kho; kích cầu thị trường bất động sản, đặc biệt là nhà ở cho người thu nhập thấp; kích thích sức mua; đưa hàng về nông thôn... Các giải pháp Chính phủ đưa ra nếu được triển khai đồng bộ sẽ giúp khơi thông dòng vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp, sắp xếp lại hệ thống Ngân hàng, tạo nên sức mua lớn, giảm lãi suất cho vay, phục hồi sản xuất…
Trên thế giới, các nền kinh tế cũng đang tiến hành cơ cấu lại và đã xuất hiện những điểm sáng, xu hướng ổn định trên thế giới sẽ bắt đầu. Khi kinh tế thế giới tươi sáng hơn, nền kinh tế Việt Nam sẽ đón nhận những tác động tích cực: giá nguyên vật liệu ổn định, thị trường xuất nhập khẩu mở rộng, thu hút đầu tư hiệu quả hơn…
Song song với những tín hiệu lạc quan trên, chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều thách thức nan giải: dòng vốn vẫn còn hẹp, chưa được khơi thông; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp giảm; ngân sách eo hẹp gây ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát. Nếu lạm phát tăng, mức tăng trưởng kinh tế không giữ được thì tình trạng thất nghiệp sẽ tăng, vấn đề an sinh xã hội sẽ rất nhức nhối.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra trong năm 2013, theo ông, chúng ta cần những giải pháp cụ thể gì ?
TS. Cao Sĩ Kiêm: Năm nay chúng ta đã đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo mức tăng trưởng. Muốn thực hiện những mục tiêu này thì trong ngắn hạn chúng ta phải triển khai nhanh những giải pháp cho hàng tồn kho ngay trong Quý II, đồng thời tiếp tục giải quyết vấn đề nợ xấu, đặc biệt là nợ xấu trong doanh nghiệp và bất động sản để khơi thông dòng vốn. Hiện nay tồn kho bất động sản đang chiếm 1/3 số lượng dư nợ. Giá bất động sản còn cao, vì vậy muốn xả hàng cần phải giảm giá bán, thay đổi diện tích, công năng những công trình đã xây dựng để hướng đến những người thu nhập thấp. Phải giải quyết những vấn đề đang tồn tại trong thị trường bất động sản để kích thích sức mua, hồi phục sản xuất, kinh doanh.
Về dài hạn, chúng ta phải quyết liệt sắp xếp lại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại những đơn vị yếu kém, cổ phần hóa tích cực hơn nữa toàn bộ hệ thống doanh nghiệp; tiếp tục sắp xếp lại hệ thống Ngân hàng, loại bỏ những Ngân hàng yếu kém, xử lý triệt để những tồn tại trong hệ thống Ngân hàng, tránh đua lãi suất; củng cố thị trường vàng, đưa giá vàng trong nước gần giá thế giới; kích cầu, xử lý hàng tồn kho bất động sản; điều chỉnh thể chế, hệ thống pháp luật sao cho phù hợp với thực tế để tháo gỡ cho sản xuất, kinh doanh; cần có một hệ thống thông tin chính xác, rõ ràng, minh bạch, số liệu chuẩn và phải thống nhất trong cách đánh giá; các giải pháp phải được cụ thể hóa rất nhanh; các chủ trương, chính sách phải phối hợp, hỗ trợ nhau; nhanh chóng xác lập lại kỉ cương, kỉ luật để tạo lòng tin cho doanh nghiệp và người dân, để họ phấn đấu góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm nay và những năm tiếp theo.
Các giải pháp nếu được triển khai đồng bộ, quyết liệt, triệt để thì nền kinh tế sẽ khởi sắc. Tuy nhiên thực hiện được đến đâu còn phụ thuộc vào cách xử lý của chúng ta.
Cảm ơn ông về cuộc trao đổi !
Lê Quang
End of content
Không có tin nào tiếp theo