Triệu chứng và cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản
Bệnh viêm não Nhật Bản truyền vào cơ thể người thế nào?
Viêm não Nhật Bản do virut Arbo gây ra, thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ em dưới 10 tuổi, bởi ở độ tuổi này có sức thụ bệnh cao với bệnh viêm não Nhật Bản hơn người trưởng thành, đặc biệt là ở các trẻ chưa có miễn dịch đối với virut Arbo (hết miễn dịch do mẹ truyền hoặc chưa tiêm vắc-xin).
Bệnh lây truyền do muỗi, nên mùa hè, mùa mưa, nhiệt độ rất thích hợp cho muỗi phát triển mạnh, vì vậy, bệnh viêm não Nhật Bản sẽ có nguy cơ xuất hiện, bùng phát. Môi giới truyền bệnh viêm não Nhật Bản là muỗi Culex, muỗi hút máu và truyền bệnh, lây truyền cho người lành qua vết đốt hút máu. Muỗi Culex có đặc điểm hoạt động mạnh nhất (hút máu người) vào lúc chập tối. Ở Việt Nam, loài muỗi Culex sinh sản mạnh nhất từ tháng 3 đến tháng 7, 8, 9 trong năm, vì vậy, bệnh viêm não Nhật Bản cũng gia tăng trong các tháng này là nhiều nhất.
Triệu chứng, diễn biến bệnh viêm não Nhật Bản
Theo TS. Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Truyền nhiễm, bệnh viện Nhi Trung ương, bệnh Viêm não Nhật Bản thường diễn biến theo 3 giai đoạn ủ bệnh, toàn phát và lui bệnh. Thời kỳ ủ bệnh thường kéo dài từ 5 đến 14 ngày. Bệnh thường khởi phát rất đột ngột với sốt cao 39 – 400 C hoặc hơn. Bệnh nhân đau đầu, đau bụng, buồn nôn và nôn. Ngay trong 1 - 2 ngày đầu của bệnh đã xuất hiện cứng gáy, tăng trương lực cơ, rối loạn sự vận động nhãn cầu. Về tâm thần kinh có thể xuất hiện lú lẫn hoặc mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ tuổi, ngoài sốt cao có thể thấy đi lỏng, đau bụng, nôn.
Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh. Thời kỳ này tương ứng với thời kỳ virus xâm nhập vào tế bào não, tủy gây hủy hoại các tế bào thần kinh. Bước sang thời kỳ khởi phát các triệu chứng không giảm mà lại tăng lên dẫn đến bệnh nhân đi vào hôn mê sâu dần. Các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên như vã nhiều mồ hôi, da lúc đỏ, lúc tái, rối loạn nhịp thở và tăng tiết trong lòng khí quản.
Thông thường, bước sang tuần thứ 2 của bệnh, bệnh nhân đỡ dần, nhiệt độ giảm từ sốt cao xuống sốt nhẹ và vào khoảng ngày thứ 10 trở đi nhiệt độ trở về bình thường nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân từ hôn mê dần dần tỉnh và không còn những cơn co cứng, bệnh nhân hết nôn và đau đầu.
Từ cuối tuần thứ 2 trở đi là thời kỳ của những biến chứng và di chứng muộn. Những biến chứng muộn có thể gặp là: Loét nhiễm trùng, rối loạn giao cảm, rối loạn chuyển hóa. Những di chứng muộn có thể gặp là động kinh, nghe kém hoặc điếc, rối loạn tâm thần...
Cách phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản
Theo PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu, để ngăn chặn bệnh viêm não Nhật Bản, cần tuyên truyền rộng khắp trong toàn dân về tác hại của bệnh, nguy hiểm của muỗi và vai trò của bọ gậy (loăng quăng). Đồng thời phổ biến các biện pháp diệt bọ gậy và diệt muỗi trưởng thành bằng mọi hình thức.
Những địa phương có nguy cao mắc bệnh hoặc đang có bệnh viêm não Nhật Bản, cần áp dụng các biện pháp dùng hóa chất diệt muỗi như phun, tẩm màn và dùng hương xua, diệt muỗi. Biện pháp phun hóa chất diệt muỗi là biện pháp rất hữu hiệu nhưng cần tiến hành đồng bộ cho tất cả các hộ gia đình trong thôn, tổ dân phố, không được bỏ sót bất kỳ một gia đình nào để không còn nơi trú ẩn của muỗi. Khi nằm nghỉ hay ngủ, cần nằm màn tránh muỗi (ngay cả ban ngày).
Tiêm chủng vắc-xin viêm não Nhật Bản là biện pháp tốt nhất để đề phòng mắc bệnh, vì vậy, cần cho trẻ và người lớn chưa có miễn dịch với bệnh viêm não Nhật Bản đến trung tâm y tế dự phòng để tiêm vắc-xin. Cụ thể, đối với trẻ dưới 5 tuổi: mũi một, tiêm lúc trẻ đủ 1 tuổi; mũi 2, sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3, sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi. Đối với trẻ trên 5 tuổi, nếu chưa từng được tiêm vắc-xin thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản. Khoảng cách các mũi cũng tương tự như trên.
End of content
Không có tin nào tiếp theo