Quốc tế

Triều Tiên đánh lừa cả thế giới, không thử bom nhiệt hạch?

(DNVN) - Các chuyên gia quốc tế cho rằng cơn địa chấn 5,1 độ Richter ghi nhận sáng qua 6/1 có thể không phải do vụ thử bom nhiệt hạch (bom Hydro) gây ra.

Ngày 5/1, hơn 20 trạm giám sát ở Bắc Mỹ, châu Á, và châu Âu ghi nhận một cơn địa chấn 5,1 độ Richter cách một bãi thử hạt nhân của Triều Tiên 49 km. Thời điểm phát ra cơn địa chấn gần với thời điểm mà nước này tuyên bố đã thử nghiệm thành công quả bom Hydro đầu tiên.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chấn động có thể không phải do nổ bom H gây ra. Dựa trên phân tích, hầu hết các chuyên gia tin rằng những thử nghiệm trước đây của Triều Tiên là bom nguyên tử (bom A), không phải nhiệt hạch (bom H).

Ảnh chụp vệ tinh khu thử hạt nhân của Triều Tiên, Kilju, tỉnh Bắc Hamgyong.

Bom A phát nổ dựa trên phản ứng chia tách hạt nhân các nguyên tử nặng (thường là plutonium hay uranium đã được làm giàu), với sức công phá lớn đủ để san bằng thành phố như Hiroshima hay Nagasaki trong quá khứ, làm khoảng 200.000 người thiệt mạng. Bom H dựa trên phản ứng tổng hợp hạt nhân, như phản ứng đang diễn ra trên Mặt Trời, cho năng lượng hủy diệt lớn hơn bom A nhiều lần.

Mỹ thử nghiệm quả bom H đầu tiên vào năm 1952, trên một đảo san hô ở Thái Bình Dương. Nó có sức công phá mạnh hơn quả bom thả xuống Nagasaki 500 lần. Bom H ngày nay mạnh hơn thế ít nhất hai lần. Đây là lý do vì sao tất cả đều hoảng hốt trước thông tin thử nghiệm bom H của Triều Tiên.

Để kiểm nghiệm tính xác thực của tuyên bố này, trước tiên các nhà khoa học kiểm tra dữ liệu về địa chấn, với giả thiết Triều Tiên cho nổ dưới lòng đất. Phân tích các đặc điểm cụ thể của năng lượng địa chấn là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong việc tìm ra chính xác nguyên nhân đã làm dịch chuyển vỏ Trái Đất.

Cơ quan chịu trách nhiệm giám sát các vụ nổ nguyên tử, Tổ chức Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) hiện có 42 trạm ghi địa chấn được chứng nhận trên toàn cầu (cộng với hơn 100 trạm phụ). Ngoài Nga, Nhật, cả Mỹ cũng theo dõi các sự kiện diễn ra ở Triều Tiên.

Tuy nhiên, sau khi ghi lại được mức cường độ 5,1 magnitude, các nhà khoa học cũng chưa thể xác định được nguyên nhân gây ra là vũ khí hạt nhân hay không. Ngoài các thiết bị đo địa chấn, CTBTO còn có các trạm phát hiện hạt nhân phóng xạ rải rác khắp nơi trên thế giới. Do nhiệt độ của một vụ nổ bom H là rất lớn, phần lớn vật chất dạng hạt, bụi sinh ra đều bị đốt cháy.

 

Do đó, các máy dò tìm dấu hiệu bom H thường truy tìm dấu hiệu của các chất khí, như Xenon.Đây là một chất khí trơ, không có phản ứng hóa học với các chất khác, chúng chỉ phân rã kiểu phóng xạ. Và tốc độ phân rã sẽ cho thông tin chính xác về tuổi của các nguyên tử Xenon.

Ngoài ra, các nhà phân tích còn có thể dựa vào thời tiết. Ở vụ thử hạt nhân 2013 nêu trên, khi cảm biến ở Nhật đo được lượng Xenon tăng vọt, một mô hình lưu thông không khí đã truy ngược lại được nguồn phát ra là Punggye-ri, cũng là nơi phát ra cơn địa chấn mới đây. 

Các quan chức Mỹ dự đoán có thể họ sẽ tìm thấy dấu hiệu của một loại vũ khí không hẳn là bom A kiểu cũ hay bom H. Nó là một loại vũ khí lai giữa hai loại trên. Thay vì sử dụng hydro, loại bom này sử dụng tritium và deuterium, các đồng vị nặng của hydro để làm tăng nhiệt độ và năng lượng hủy diệt. Sức công phá của nó mạnh hơn bom A nhưng không bằng bom H. biển.

Kingston Reif, giám đốc chương trình Chính sách Giải trừ quân bị và giảm mối đe dọa của Hiệp hội Kiểm soát vũ khí ở Washington, nói rằng Triều Tiên có thể đang chế tạo một tên lửa đạn đạo liên lục địa, KN-08, có khả năng bay qua Thái Bình Dương.

Nhưng cho đến nay nó chỉ xuất hiện trong các cuộc diễu hành quân sự. Reif cho rằng sớm nhất phải đến những năm 2020 kế hoạch về KN-08 của Triều Tiên mới thành công. Hiện nước này chỉ có các tên lửa tầm ngắn hơn.

 

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo