Quốc tế

Triều Tiên: Hàn Quốc đóng cửa Kaesong là "hành động tuyên chiến"

(DNVN) - Triều Tiên vừa tuyên bố việc ngừng các hoạt động của Hàn Quốc ở khu công nghiệp chung Kaesong là một động thái muốn “tuyên bố chiến tranh”.

Khu công nghiệp Kaesong được coi là biểu tượng của sự hợp tác hơn một thập kỷ giữa Hàn Quốc Triều Tiên. Bộ Thống Nhất Hàn Quốc sáng nay 12/2 cho hay, đêm 11/2, nước này đã cho cắt điện ở khu công nghiệp chung này và 280 người Hàn Quốc cuối cùng cũng đã rút khỏi Kaesong vào 11h05 phút đêm qua.

Trước đó, hàng chục xe tải Hàn Quốc đã trở về trước đó cùng hàng hóa và thiết bị. Đây được xem là hành động nhằm phản ứng lại cuộc thử nghiệm bom nhiệt hạch vào ngày 6/1 và vụ phóng một tên lửa mang vệ tinh vào cuối tuần trước.

Cảnh sát Hàn Quốc đứng gác tại khu công nghiệp chung liên Triều Kaesong hôm 11/2.

Đầu tuần tới, Seoul sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán với Washington về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THADD tới khu vực bán đảo liên Triều. Nguồn tin được một quan chức quốc phòng giấu tên của Hàn Quốc cung cấp, theo Reuters.

Triều Tiên luôn khẳng định, việc phóng vệ tinh là thuộc chủ quyền của nước này và nhằm mục đích hòa bình nhưng Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc coi hành động này như một thử nghiệm tên lửa đạn đạo, vi phạm các nghị quyết của Liên Hợp Quốc. Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu nhất trí ủng hộ lệnh trừng phạt cứng rắn hơn.

Đáp lại, Triều Tiên đã gọi đây "hành động tuyên chiến" và “không thể tha thứ”, sau đó trục xuất tất cả người Hàn Quốc khỏi khu công nghiệp chung Kaesong. Ngay sau khi có thông báo, giới chức Hàn Quốc cho biết, ưu tiên hàng đầu của nước này là đưa tất cả công dân trở về an toàn.

Việc ngừng hoạt động tại khu công nghiệp, nơi 124 công ty Hàn Quốc đang thuê khoảng 55.000 công nhân Triều Tiên, đã cắt đứt các hợp tác quan trọng cuối cùng tại bán đảo Triều Tiên kể từ sau khi bị chia cắt bởi cuộc chiến tranh 1950-1953.

Trước đó, vào năm 2013, khu công nghiệp Kaesong đã bị đóng cửa chỉ một lần, trong bối cảnh căng thẳng tăng cao sau vụ thử hạt nhân thứ 3 của Triều Tiên.

 

Nên đọc
Thu Phương (Theo Reuters)
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo