Trình siêu dự án đảo nhân tạo - Trung Quốc thách thức cả thế giới
Vạch đường lưỡi bò, khiêu khích trên Biển Đông, định xây đảo nhân tạo ở Trường Sa... Trung Quốc đang gấp rút biến tham vọng cường quốc biển thành sự thật.
Tờ Philstar của Philippines ngày 9/6 đưa tin, dự án xây dựng trái phép đảo nhân tạo lớn nhất trên quần đảo Trường Sa (Việt Nam) đã được trình lên chính phủ trung ương Trung Quốc. Đây là một trong những hành động của chính quyền Bắc Kinh nhằm thiết lập một căn cứ quân sự trên vùng biển đảo này.
Theo báo cáo được trình lên chính phủ Trung Quốc, Cơ quan Nghiên cứu, Thiết kế và Đóng tàu Trung Quốc số 9 (Thượng Hải) sẽ chịu trách nhiệm thi công dự án này.
Theo đó, các cơ sở quân sự, cả căn cứ không quân và hải quân, một khu nghỉ dưỡng, nhà văn phòng, nhà thi đấu, và cả nông trại nhân tạo cũng sẽ được xây dựng trên hòn đảo này.
Tờ Philstar của Philippines ước tính, chính quyền Bắc Kinh sẽ chi khoảng 5 tỷ USD để thực hiện kế hoạch “bê tông hóa” Trường Sa trong vòng 10 năm, tương đương đầu tư chế tạo một tàu sân bay năng lượng hạt nhân khoảng 100.000 tấn.
Theo giới phân tích, kế hoạch "bê tông hóa" Trường Sa nói trên, nếu được phê chuẩn, sẽ là một dấu hiệu nữa cho thấy sự thay đổi về chiến lược của Trung Quốc nhằm giải quyết các tranh chấp chủ quyền kéo dài từ vị thế phòng thủ sang tấn công. Đây cũng được xem là một bước đi tiến tới việc thiết lập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông.
Zhang Jie, một chuyên gia về an ninh khu vực tại Học viện khoa học Trung Quốc nhận định, việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo có thể trợ giúp tiếp tế cho các tàu và các giàn khoan gần đó, nhưng điều này cũng gây những ảnh hưởng rất tiêu cực trong khu vực
Theo bà Zhang, những động thái như vậy có thể làm gia tăng sự ngờ vực giữa các láng giềng của Trung Quốc và gây mất ổn định trong khu vực.
Năm nay, thế giới đã chứng kiến một "bước ngoặt" khi Bắc Kinh liên tiếp tiến hành các hành động khiêu khích trong khu vực, trong đó có việc triển khai giàn khoan Hải Dương 981 trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Không dừng ở đó, Trung Quốc đưa nhiều tàu hộ tống, trong đó có những tàu quân sự vào khu vực này và có những hành vi hung hăng, ngang ngược, đe dọa sử dụng vũ lực đối với lực lượng thực thi pháp luật và cả ngư dân Việt Nam.
Những hành động ngang ngược mà Trung Quốc đang tiến hành trong vùng biển Việt Nam được cho là nằm trong một kế hoạch nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò phi lý của nước này.
Trong báo cáo hàng năm về quân sự Trung Quốc, Lầu Năm Góc nhận định chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc về lâu dài có mục đích “tăng khả năng chiến đấu có vũ trang và giành chiến thắng trong các tình huống bất ngờ trong khu vực, với khoảng thời gian ngắn, nhưng lực lượng mạnh mẽ”.
Trước sự hung hăng của Trung Quốc trong thời gian qua, nhiều chính trị gia, nhà bình luận, thậm chí các nước đồng minh của Mỹ bắt đầu lo lắng về các cam kết quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương của nước này.
Tuy nhiên, những lo lắng này là hơi thừa. Dự toán ngân sách quốc phòng năm 2015 của chính quyền Obama là 521 tỷ USD, có thể sẽ được bổ sung thêm 79 tỷ USD. Ngân sách quốc phòng phi chiến tranh của năm 2016 vẫn vượt mức bình quân hàng năm trong thời kỳ chiến tranh lạnh và gấp gần 3 lần dự toán ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Tỷ lệ chiếm của chi phí quân sự trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ cũng cao hơn nhiều so với Bắc Kinh.
Tại Đối thoại Shangri-La 13 mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel cáo buộc Trung Quốc có những “hành động gây bất ổn” ở Biển Đông và cảnh báo Washington sẽ không tiếp tục ở thế bị động nếu trật tự quốc tế bị đe dọa.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo