Trộm vặt: Tật xấu của người Việt
Có điều gì mỉa mai, chua chát hơn khi chỉ một tuần sau ngày diễn đàn Tôi tự hào là người Việt Nam được tổ chức nhằm quảng bá cho cuốn sách cùng tên thì xảy ra vụ 6 người Việt ăn cắp quần áo hiệu Uniqlo bị cơ quan chức năng Nhật Bản bắt giữ. Điều tra cho thấy nhóm người này đã ra tay hơn 100 lần và tuồn hàng về bán ở Việt Nam.
Muốn trả lại giá trị và hình ảnh tốt đẹp cho người Việt thì trước tiên phải xây dựng những con người biết tự trọng.
Vì đâu nên nỗi?
Trộm quần áo bị bêu riếu trên báo chí Nhật Bản đã là nhục. Hôi tài sản của người tử nạn và tống tiền người nhà nạn nhân trong vụ tai nạn xe khách ở Sa Pa mới còn kinh khiếp hơn. Hỡi ôi bản sắc văn hóa Việt Nam, phải chăng xấu hổ và biết nhục dường như đã ngày càng khan hiếm?
Vì đâu nên nỗi con em nhà giàu người Việt phải “tỵ nạn” giáo dục, bỏ nhiều tiền mua lấy sự dạy dỗ làm người ở nước ngoài. Vì sao nên nỗi tội phạm ngày càng lan vào đám trẻ, mức độ hung hãn và vô nhân tính ngày càng tăng?
Vì đâu nên nỗi, xin hãy hỏi những ông bà vung vãi tiền dân cho những dự án mua ụ nổi ụ chìm hoang đường, cho các dự án giao thông càng triển khai ngày càng trở nên đắt đỏ và đằng sau đó chồng chất nợ cho con cháu mai sau. Vì sao chỉ lên án kẻ đạo chích thèm miếng ăn, manh quần, tấm áo mà không dám lên án những nhóm lợi ích tham lam xâu xé tài nguyên quốc gia.
Ít ai tốt toàn diện hoặc xấu hoàn toàn. Nền tảng giáo dục và môi trường sống, điều kiện sống có thể thay đổi hành vi con người. Người Nhật thường được khen nhờ được giáo dục và nuôi dưỡng trong những nền tảng tốt đó. Đa phần người Việt không được như vậy nên ranh giới giữa tốt và xấu cứ mong manh. Người xấu cứ làm điều xấu và người tốt - khi gặp phải điều kiện dung túng cho hành vi xấu - thì cũng khó giữ được phẩm hạnh của mình.
Làm cho mọi điều trong xã hội được ngay ngắn, phải là nghĩa vụ của tất cả chúng ta. Vì lẽ ấy, như một bổn phận công dân, hãy tham gia và làm những điều dù là nhỏ nhất, để cho xã hội này được ngay ngắn.
PHẠM DUY NGHĨA
Thấy mà xấu hổ!
Không như ở Việt Nam, các siêu thị ở Nhật Bản không có hàng rào kiểm soát hay yêu cầu khách phải gửi túi xách. Việc quản lý hàng chỉ dựa ý thức của khách nên nếu muốn lấy trộm là việc không khó. Nhiều người Việt thấy vậy nên nổi lòng tham. Ban đầu, họ lấy để xài cá nhân, sau bán lại cho những người Việt khác ham giá rẻ.
Theo tôi, các siêu thị đều nhận biết các vụ ăn cắp của người Việt nhưng họ không truy cứu vì nghĩ rằng món hàng giá trị không lớn và có chút cảm thông cho người nghèo. Tuy nhiên, khi việc ăn cắp tái diễn nhiều lần và có dấu hiệu cho thấy được tổ chức thành đường dây, họ mới bắt giữ.
Không ít người Việt ở Nhật còn là “chuyên gia” trốn vé tàu điện. Lúc mới sang, tôi hay bắt chuyện với đồng hương trên tàu nhưng sau thì dè dặt hơn vì đa số người Việt đi tàu điện chui; khi biết tôi có mua vé thì ai cũng nhìn với ánh mắt lạ lẫm. Điều đáng buồn khi họ không hề nghèo và có trình độ kỹ sư.
Dẫu biết rằng ở đâu cũng có người tốt, kẻ xấu nhưng trước cảnh đồng hương mình gian lận ở xứ người làm tôi rất khó chịu và xấu hổ. Tôi chưa cảm thấy sự kỳ thị từ người bản xứ đối với người mình nhưng tình trạng này nếu cứ diễn ra thì nhất định hình ảnh người Việt trong mắt họ sẽ ngày càng méo mó.
Nguyễn Đăng Anh Kiệt, kỹ sư từng làm việc ở Nhật
Ăn cắp quen tay
Chuyện ăn cắp vặt của người Việt ở nước ngoài, theo tôi biết là khá thường xuyên. Đây là hành vi có chủ ý, là thói xấu không thể chấp nhận được. Một số người Việt khi đi siêu thị, trung tâm thương mại ở nước ngoài ban đầu không có ý định ăn cắp nhưng khi vào rồi ngắm nghía cái này cái kia mới bắt đầu nổi lòng tham và lấy cắp, hậu quả là bị phát hiện, bị bêu xấu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của người Việt nói chung. Vài lần như vậy thành quen và từ đó sinh ra tật chôm chỉa…
Tật xấu này hoàn toàn có thể loại bỏ nếu họ nhận thức được vấn đề, tầm quan trọng của hình ảnh người Việt ở nước ngoài.
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành tại TP HCM
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Vừa đi xe đạp vừa nghe điện thoại bị phạt bao nhiêu tiền?
Làng Tom Sara Đà Nẵng được trao giải thưởng Du lịch Cộng đồng ASEAN
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự phiên thảo luận 'ASEAN gắn kết để vươn xa'
Thủ tướng yêu cầu bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội xuân
Chủ tịch FPT: Dược phẩm là một trong những ngành sẽ ứng dụng AI nhiều nhất