Trong thế giới Cái Bang Sài thành
Ăn xin đang là một "nghề" khá phổ biến ở TPHCM. Đi đâu, người dân cũng đụng mặt ăn xin. Có những người ăn xin vì hoàn cảnh nhưng cũng có những người ăn xin trục lợi từ lòng nhân ái của người khác và họ có đến ngàn lẻ một cách làm người khác phải mủi lòng.
Bốn thế hệ cái bang
Mẹ bồng con ngồi giữa đường nắng, khói bụi mù mịt; vợ đẩy chồng trên xe ba gác; ông già tay chân ghẻ lở ngồi ở giữa đường trưa như đổ lửa để xin tiền… là những hình ảnh xuất hiện ngày càng nhiều ở TPHCM.
3 giờ chiều một ngày trung tuần tháng tư, một phụ nữ đội chiếc nón lá, chạy chiếc Honda 50 chở theo ba đứa nhỏ. Chạy được một đoạn, người phụ nữ này thò chân đẩy thêm một người phụ nữ (khoảng hơn 60 tuổi) trên xe đạp. Họ xuất phát từ ngõ 65 đường Cao Xuân Dục (phường 12, quận 8) đến ngã sáu Nguyễn Chí Thanh (quận 10) thì dừng xe ở công viên.
Sau khi dừng xe, bà già lấy dây xích khóa chiếc xe máy và chiếc xe đạp, còn người phụ nữ trẻ lấy ra một tấm bạt nhỏ trải ngay góc đèn xanh đèn đỏ đường Nguyễn Chí Thanh rồi trưng ra mấy hộp bông tăm, kẹo sing- gum...
Đèn đỏ hiện, bé gái khoảng 10 tuổi bồng đứa nhỏ khoảng 1 tuổi như con cún tha con mèo con chạy xuống đường nói vài câu rồi ngửa tay xin tiền hết xe này đến xe khác trong khi bé trai (khoảng 3- 4 tuổi) nô đùa một mình trên bãi cỏ. Dường như nó đã quen với việc chơi một mình như thế từ lâu.
“Công tác chuẩn bị” xong xuôi, người phụ nữ trẻ bồng đứa nhỏ lại ngồi trên tấm bạt, lâu lâu lại lấy bình sữa đưa vào miệng đứa bé. Ngồi bên cạnh người phụ nữ này là bé trai, chốc chốc lại ngửa tay xin tiền người đi đường, còn bé gái hơn 10 tuổi thì cầm bao kẹo chạy ra mời khách mỗi khi đèn đỏ. Riêng bà già thì ngồi trong công viên, thỉnh thoảng lại chạy ra phụ bồng đứa nhỏ và trông coi bé trai.
19 giờ tối, khi đoạn đường này bắt đầu vắng người, họ “thu dọn chiến trường”, lên xe chạy đến ngã tư đường Lê Đại Hành- 3 tháng 2 (quận 11) tiếp tục công việc ăn xin. Mọi thao tác diễn ra như lúc chiều và kéo dài đến tầm 11 giờ đêm thì lên xe dắt díu nhau về nhà. Khá đông người đi đường mủi lòng, cho tiền người phụ nữ bồng đứa bé, một số khác thì lắc đầu, tỏ vẻ không hài lòng.
Bà già tên là Nguyễn Thị Lý (63 tuổi, tên thường gọi là bà Tư), người phụ nữ trẻ là Quách Tư Bình (21 tuổi), cháu bà Lý. Bé gái lớn có cái tên khá mỹ miều là Nguyễn Thị Lan Trinh, em gái cùng mẹ khác cha với Bình. Hai đứa nhỏ, một đứa tên Tú (4 tuổi) và đứa nhỏ nhất tên Tuấn , cả hai là con của Bình.
Bình có bố là người gốc Hoa, học đến lớp 4 thì nghỉ học đi phục vụ quán cà phê. Mẹ Bình là bà Nguyễn Thị Tuyết Lan (sinh năm 1971), làm nghề phụ bếp cho một nhà trẻ gần nhà. Sau khi chồng bỏ đi, Lan sa vào nghiện ngập rồi mang thai với người khác, sinh ra bé Trinh. Sau đợt truy quét ma túy, Lan bị bắt vào trại cai nghiện ở Bình Phước, kể từ đó, Bình và Trinh do bà Lý nuôi nấng.
Năm 16 tuổi, Bình quen một người đàn ông hơn mình hai tuổi, làm nghề phụ hồ rồi sau đó bỏ nhà đi theo anh này. Chung sống với nhau được khoảng ba năm thì tan đàn sẻ nghé, Bình đành phải quay về nương nhờ bà ngoại, lúc đó cô đã có đứa con trai gần ba tuổi và trong bụng đang mang thai hai tháng. Trở về nhà không nghề nghiệp nên cô cùng bà ngoại, em gái và các con gia nhập băng hội “Cái Bang”, kể từ ngày sinh con.
Không là vợ chồng, nhưng số phận đẩy đưa khiến ông Nguyễn Văn Chung (56 tuổi, quê An Giang) và bà Nguyễn Thị Phượng (55 tuổi, quê Đồng Nai) đến với nhau ở tuổi xế chiều dù trong người mang bệnh tật, tiền không có, nhà cửa cũng không. Họ nương tựa nhau bằng cách ngày đi ăn xin, tối ngủ vỉa hè, mặc dù cả hai đều có con cái ở quê.
Theo lời kể của bà Phượng, hai người quen nhau cách đây đã 8 năm nhưng gặp lại nhau gần nửa năm nay. Nơi gặp nhau là Bệnh viện Chợ Rẫy, khi đó ông Chung bị bệnh viêm phổi rất nặng, không làm gì được nên đi ăn xin, còn bà Phượng thì bán vé số. “Nghĩ là có duyên, có nợ nên mới gặp lại nhau, chúng tôi tình nguyện đi theo nhau, sống được ngày nào hay ngày đó”, bà Phượng nói.
Công việc hằng ngày của hai ông bà bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khi mọi người gần như đã đi ngủ. Nơi ông bà nằm ngủ là vỉa hè dọc đường Lê Đại Hành, quận 11. Ngày nào ông Chung khỏe thì hai người cùng nhau đẩy xe ba gác, vừa đi ăn xin vừa nhặt ve chai. Ngày nào ông Chung đau ốm thì bà Phượng đẩy ông trên xe ba gác. Lúc này nhặt không nổi ve chai nên cả hai ông bà ăn xin là chủ yếu.
Cứ 5 giờ sáng, ông bà thức dậy và bắt đầu công việc nhặt ve chai, ăn xin của mình. Đoạn đường mà ông bà thường đi ăn xin nhất là xung quanh các bệnh viện quận 10 và quận 11. Có trưa, ông Chung lên cơn sốt nên đi không nổi, bà Phượng để ông trên xe ba gác đẩy đến ngã tư đường Nguyễn Chí Thanh- Thuận Kiều (quận 11) để ông nằm nghỉ trên vỉa hè rồi tiếp tục đi xin.
Tuy nhiên, sau gần nửa ngày, bà chỉ xin được 6.000 đồng. Với số tiền ít ỏi đó, bà Phượng dùng để mua cơm trắng, sau đó lôi trong chiếc xe ba gác ra một chiếc bếp ga mini, một chai dầu ăn màu đen ngòm và một ít muối rồi chiên lên ăn lót dạ. Ông Chung ngồi dậy, tay cầm muỗng, tay cầm chai nước. Mỗi muỗng cơm là một ngụm nước, ăn cho xong bữa. Riêng bà Phượng, khi nào ông Chung ăn xong bà mới ăn.
Sau bữa trưa đạm bạc, ông Chung nằm co ro trên vỉa hè. Mặc dù đang sốt nhưng trên người ông Chung chẳng có gì ngoài chiếc quần đùi. Còn bà Phượng thì thu dọn bếp ga, nước uống bỏ lên xe ba gác, tiếp tục ăn xin chống đói cho bữa tối. Vỉa hè, đường phố là nơi tá túc của đôi vợ chồng “Cái Bang” này.
Những thân phận như Bình, bà Phượng, ông Chung không kể hết...
Khi lòng tốt bị lợi dụng
Tại cây xăng Comeco, ngã tư Lê Đại Hành- 3 tháng 2 (quận 11, TPHCM) xuất hiện ba thanh niên, hai nam một nữ đến… hành nghề ăn xin. Sau hơn 2 giờ, ba người này ra trạm xe buýt gần đó chia tiền rồi dẫn nhau đi nhậu.
Theo quan sát, ba thanh niên này cỡ 22- 25 tuổi, nói giọng miền Tây, cứ thấy khách dừng đổ xăng là họ chạy đến, mặt mày méo mó, trình bày hoàn cảnh để người ta mủi lòng, cho tiền.
Ở bên cột xăng đối diện, cô gái, đầu đội nón bảo hiểm, tay cầm túi xách cũng đang “trình bày hoàn cảnh” với một gia đình đang dừng lại đổ xăng. Sau gần một giờ không có nhiều kết quả, ba thanh niên này ra trước cây xăng ngồi hút thuốc, uống nước rồi tiếp tục công việc ăn xin.
Lời nói rất trôi chảy, cộng với vẻ mặt khắc khổ, ba thanh niên này nhanh chóng lấy được lòng thương của một số người đi đường. Có người cho 2.000, 5.000, có người không có tiền lẻ nên cho luôn 10.000, lâu lâu “trúng trầm”, gặp được khách sang nên cho luôn 20.000 đồng.
Hơn 10 giờ tối cùng ngày, ba thanh niên này chạy xe ra trạm xe buýt cách cây xăng chừng 50 mét đếm tiền. Để chứng minh là mình không thủ tiền riêng, cô gái móc hết tất cả các túi quần, áo rồi còn kéo cả áo ngực ra cho thanh niên áo đỏ kiểm tra nhằm chứng minh mình “trong sạch”. Sau khi “tổng kết thu nhập”, ba thanh niên này chạy về đường Bến Bình Đông và vào quán nhậu.
Đang ngồi lai rai tại một quán nhậu ở quận 12, chúng tôi bắt gặp một bé trai khoảng 8- 10 tuổi đến mời mua đậu phộng và xin tiền: “Anh chị mua cho em bì đậu, không thì cho em vài ngàn cũng được…”.
Cậu bé tên An, nhà ở quận 12, bố mất sớm nên phải phụ mẹ đi bán đậu kiếm sống hơn hai năm nay. Khu vực cậu bé hay bán là các quán nhậu ở quận 12 và quận Gò Vấp. Các chiêu năn nỉ, hoạt náo, mời khách mua đậu, cậu học được từ đàn anh đi trước khi đi bán cùng nhau.
Ở công viên Hoàng Văn Thụ, công viên Lê Thị Riêng… dạo này thường xuất hiện mấy đứa trẻ tầm 8- 12 tuổi xin tiền theo kiểu “bám sát thắt lưng mà xin”. Đầu tiên là xin tiền nhỏ nhẹ, nếu không được thì chuyển sang cầm áo kéo tay. Bọn trẻ rất chai lỳ khiến nhiều người vừa sợ vừa khó chịu, đành phải móc ví để được yên.
Trao đổi với PV về tình trạng một số thanh niên lợi dụng lòng tốt của người khác để xin tiền, thạc sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Sở LĐ-TB&XH TPHCM) cho rằng, đây là một thực trạng đáng phê phán. Nhân cách phát triển lệch lạc, thiếu bản lĩnh, tư tưởng sống thực dụng, không có lòng tự trọng là nguyên nhân khiến nhiều thanh niên dù rất khỏe mạnh nhưng sẵn sàng hạ mình, khổ nhục kế ăn mày kiếm sống.
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cảnh báo mưa lớn gây sạt lở ở khu vực miền Trung, người dân cần chú ý đề phòng
Thời điểm không khí lạnh mạnh nhất của mùa đông năm nay diễn ra khi nào?
Dinh dưỡng đầy đủ cho mẹ và bé
8 chương trình đào tạo của trường Đại học Đông Á được cấp chứng nhận kiểm định chất lượng
Lễ hội Áo dài Đà Lạt 2024 với nhiều điểm nhấn độc đáo
Cột tin quảng cáo