Trụ sở như cung điện: Nhiều việc, nhiều người vì sao?
Môi trường, quản lý thị trường, lâm nghiệp, biên phòng… đều kêu thiếu người. Bộ máy công chức cũng phình to dần lên.
Luật sư luật sư Trần Hữu Huỳnh, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, người từng có nghiên cứu về cải cách hành chính ở Việt Nam đã chỉ ra căn cơ của vấn đề mà bộ máy hành chính đang gặp phải để lý giải ý kiến của một đại biểu Quốc hội rằng: “trụ sở nguy nga vì nhiều việc, nhiều người quá”.
Bộ máy phình lên bao nhiêu cũng không đủ
Bằng nghiên cứu của mình, Luật sư Trần Hữu Huỳnh khẳng định: “Tôi chưa thấy có thông báo nào nói rõ mục tiêu giảm biên chế đã đạt được bao nhiêu. Chỉ thấy rằng trong xu hướng hiện nay sự can thiệp hành chính tương đối nhiều vào thị trường cũng có thể suy đoán được bộ máy đang tăng lên”.
Luật sư Huỳnh lý giải thêm, nếu kích thích để một xã hội tích cực tham gia giám sát quản lý nhà nước thì bộ máy nhà nước sẽ ít đi. Nhưng nếu nhà nước ôm đồm quá nhiều khiến người dân ít tham gia, ý thức thực hiện tuân thủ pháp luật của người dân hạn chế thì rõ ràng bộ máy phình lên bao nhiêu cũng không đủ.
Như trong lĩnh vực về an toàn thực phẩm, nếu người dân và doanh nghiệp không ý thức được vai trò của họ, không thúc đấy để họ chủ động, tự giác mà trông chờ vào bộ máy của nhà nước thì biết bao nhiêu cán bộ cho đủ? Hay như quy định người nông dân trồng rau sạch, chăn nuôi sạch họ cũng không làm đúng thì cần biết bao nhiêu cán bộ để đi kiểm tra từng cánh đồng, từng trang trại để phạt?
Theo ông Huỳnh, từ những ví dụ cụ thể như vậy cho thấy, khi những cán bộ công quyền không nghiêm thì người dân còn sai phạm. Và khi đó đội ngũ công quyền không biết phải cần bao nhiêu cho đủ.
“Cán bộ phải gương mẫu để người dân tuân thủ cho tốt thì lúc đó bộ máy nhà nước mới hy vọng giảm được”, luật sư Huỳnh khẳng định thêm.
Phân tích cái gốc của biên chế, luật sư Huỳnh chỉ thêm nguyên do từ câu chuyện nhà nước và thị trường.
Theo ông, nhà nước và thị trường cũng cần tạo ra những luật chơi. Có cái nhà nước làm, có cái thị trường làm nhưng quan trọng là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khi đó doanh nghiệp này sẽ giám sát và tố cáo doanh nghiệp kia nếu làm sai thay vì nhà nước cứ lập đoàn thanh tra, kiểm tra về mọi lĩnh vực.
“Ví dụ giá sữa, mở cửa thị trường thì các DN sẽ tự canh tranh, thị trường chỉ cần làm công việc điều tiết. Nhà nước đừng kinh doanh, chỉ làm quản lý. Còn nếu nhà nước làm cả kinh doanh thì bộ máy ngày càng phình to lên, biên chế nhiều lên”, ông Huỳnh nhấn mạnh.
Trong quản lý nhà nước, không nên cắt xén, xẻ nhỏ để quản lý, ví dụ vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm (từ ăn, uống, đến thuốc chữa bệnh…). Kinh nghiệm các nước nhiều nơi chỉ cần một cơ quan trong khi ta chia nhỏ quá nhiều không liên kết lưu thông được với nhau. Minh chứng từ phương diện quản lý nhà nước (an toàn thực phẩm khi ở ruộng thì anh nông nghiệp quản, sau có sản phẩm thì đến Bộ Công thương, rồi lên bàn ăn thì Y tế lo)… Hậu quả là người dân vào bệnh viện và ngành y tế phải lo.
Luật sư Huỳnh lý luận: “Cứ mỗi ông chia nhau một mảng như như vậy thì làm sao quản được, trong khi một cơ quan còn chẳng kết hợp được nói gì đến nhiều bộ phận, với nhiều các cơ quan khác nhau. Không giải quyết được căn cơ thì không làm được việc tinh giảm biên chế”.
Bộ máy đông và chuyện nhà cao cửa rộng
Từ câu chuyện tinh giảm làm chưa tốt thì khiến bộ máy đông phải làm “nhà cao, cửa rộng”, ông Huỳnh ủng hộ xu hướng khu hành chính tập trung nhưng phải theo định chuẩn được cán bộ phê chuẩn, hợp lý. Nhiều nơi xây dựng khu hành chính tập trung, giảm được nhiều, tạo thuận lợi cho người dân đỡ phải đi lại nhiều.Nhưng nếu không đưa ra tiêu chí, định chuẩn cụ thể thì sẽ mỗi nơi một kiểu và mạnh ai địa phương đó làm.
Theo đó, Quốc hội phải đưa ra định chuẩn, nguyên tắc chi tiêu, chi phí cho cán bộ công chức đều phải xây dựng tiêu chuẩn rõ ràng, quy định phòng làm việc bao nhiêu thì đủ, trang thiết bị ra sao… Từ đó mới có cơ sở để giám sát xem việc thực hiện có nghiêm túc không. Nhiều nơi xây dựng khu hành chính tập trung, tạo thuận lợi cho người dân đỡ phải đi lại nhiều.Nhưng nếu không đưa ra tiêu chí, giám sát kỷ luật tài chính công thì e lại có chuyện xuê xoa với nhau.
Dù rằng thực tế nhiều địa phương tự thu xếp tài chính như Bình Dương đã xây dựng trụ sở tới 23 tầng, độ cao 104m với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng, có bãi đáp trực thăng… bằng cách huy động nguồn lực của doanh nghiệp và xã hội, sau đó hoán đổi các trụ sở cũ để thu hồi vốn nhưng như thế đã liệu đã đúng?
Luật sư Huỳnh cho rằng: “Xã hội hóa là bằng tiền của dân, còn bán trụ sở thì cũng đều là phải dùng tài sản công, đất công bán đi thì cũng là tiền ngân sách”.
Ông còn lo ngại: “Làm trụ sở to đôi khi không phải do nhu cầu thực tế nhưng nếu làm to lên thì phần trăm cắt lại cũng to. Do vậy cần thiết phải có định chuẩn rõ ràng”.
Báo Đất Việt
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Bộ LĐ-TB&XH sẽ rà soát, đề xuất Chính phủ mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp
Đà Nẵng: Cuộc thi ‘Hồn phố’ thu hút giới trẻ
Năm 2025, EVNCPC xây thêm 70 nhà tình nghĩa tại miền Trung - Tây Nguyên
Giáo dục tiếng Hàn trong bối cảnh xã hội siêu kết nối
Nâng cao nhận thức về mối đe doạ của kháng thuốc
Báo động tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam
Cột tin quảng cáo