Tin tức - Sự kiện

Trục lợi bảo hiểm ngày càng tinh vi

Trao đổi về vấn đề trục lợi bảo hiểm, Tổng thư ký (TTK) Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam Phùng Đắc Lộc cho rằng, đây đang là một thách thức đối với các doanh nghiệp bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm đã và đang gây ra những hậu quả lớn đến khách hàng, doanh nghiệp và xã hội. Do vậy, đấu tranh chống trục lợi bảo hiểm không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành bảo hiểm, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

Ông Phùng Đắc Lộc

Thời gian gần đây xuất hiện khá nhiều vụ việc gây tranh cãi về vấn đề giải quyết quyền lợi bảo hiểm. Nguyên nhân chủ yếu là do những yêu cầu đòi bồi thường của người tham gia bảo hiểm có những dấu hiệu của hành vi trục lợi bảo hiểm. Là Tổng thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam, Ông đánh giá như thế nào về thực trạng của trục lợi bảo hiểm hiện nay?

TTK Phùng Đắc Lộc: Hiện nay hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tham gia bảo hiểm ngày càng phổ biến và phát triển nhanh chóng, nhưng song song với đó là hành vi gian lận gây nhức nhối cho doanh nghiệp bảo hiểm, thường gọi là trục lợi bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm là lợi dụng những kẽ hở trong những quy tắc, điều khoản phí bảo hiểm, quy trình khai thác, giám định, bồi thường bảo hiểm của hoạt động kinh doanh bảo hiểm để đem lại thu nhập bất chính từ việc tham gia bảo hiểm. Hoặc hiểu một cách đơn giản, trục lợi bảo hiểm là tìm cách để kiếm lợi bất hợp pháp trong kinh doanh bảo hiểm và tham gia bảo hiểm.

Tâm lý chung của khách hàng khi mua bảo hiểm cho tài sản của mình là để được chia sẻ rủi ro, để an tâm là tài sản của mình được bảo vệ khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có rất nhiều trường hợp khách hàng gian dối, mua bảo hiểm khi đã bị tai nạn hoặc cố tình gây ra tổn thất để đòi tiền bồi thường. Cùng với tốc độ phát triển của thị trường bảo hiểm, mức độ và cách thức trục lợi cũng ngày càng tinh vi và đa dạng hơn, không những gây thiệt hại về tài chính cho các doanh nghiệp bảo hiểm, mà còn gây thiệt hại cho cả chính những người tham gia bảo hiểm chân chính.

Hình thức và thủ đoạn trục lợi bảo hiểm tại Việt Nam được diễn ra khá đa dạng, trong đó phổ biến nhất là 2 nhóm hành vi: một là cố ý không cung cấp thông tin, cung cấp thông tin sai sự thật, hoặc khai báo không trung thực các thông tin liên quan đến tình trạng sức khoẻ của bản thân trong hồ sơ yêu cầu bảo hiểm hoặc trong hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm; loại hành vi thứ hai là cố ý huỷ hoại tài sản hoặc tự gây thương tích cho bản thân, dựng hiện trường tai nạn giả hay giả mạo hồ sơ y tế đòi bồi thường bảo hiểm... Trục lợi bảo hiểm diễn ra ở hầu hết các nghiệp vụ bảo hiểm, nhưng nhiều nhất vẫn là trục lợi bảo hiểm xe cơ giới, với các hình thức phổ biến như: hợp lý hóa ngày tai nạn và hiệu lực bảo hiểm, thay đổi tình tiết vụ tai nạn, tạo hiện trường giả, tăng số tiền tổn thất...

Ông có thể cho biết việc chống trục lợi bảo hiểm hiện nay còn gặp những khó khăn gì?

TTK Phùng Đắc Lộc: Hiện nay, chống trục lợi bảo hiểm vẫn mang hình thức là tự vệ của các doanh nghiệp bảo hiểm. Do vậy, để chống trục lợi bảo hiểm là việc rất khó khăn, đặc biệt là khi sự quan tâm, cũng như các hành lang pháp lý để chống lại các hiện tượng này vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Các doanh nghiệp bảo hiểm chưa có hệ thống, bộ máy chuyên nghiệp để chống trục lợi bảo hiểm; trong khi mối liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp bảo hiểm để chống lại trục lợi còn rất hạn chế.

Ngoài ra, dù trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã không ngừng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về kinh doanh bảo hiểm, song nhìn chung các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn phải chịu những hạn chế về mặt pháp luật khi giải quyết các yêu cầu bồi thường tiền bảo hiểm. Như trong nhiều trường hợp các doanh nghiệp đã không có đủ quỹ thời gian cần thiết để điều tra đầy đủ về những vụ có dấu hiệu trục lợi hoặc có cơ sở để nghi ngờ trước khi quyết định việc trả tiền bảo hiểm. Trong khi đó, các quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm còn bất cập và chưa theo kịp với thực tế, đặc biệt những chế tài còn chưa đủ sức răn đe.

Vậy, theo ông trong thời gian tới, để xử lý tốt hơn các vi phạm trục lợi bảo hiểm cần có những giải pháp gì?

TTK Phùng Đắc Lộc: Theo tôi, đấu tranh chống trục lợi bảo hiểm không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành bảo hiểm, mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Do vậy, để ngăn chặn, kiểm soát tình trạng trục lợi bảo hiểm, cần thiết phải thực hiện đồng bộ các giải pháp. Thứ nhất, bản thân doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm phải có biện pháp phòng, chống trục lợi bảo hiểm và phải thực hiện ngay từ khâu khai thác. Thứ hai, trong khâu quản lý khách hàng, phải đánh giá được những khách hàng nào hay xảy ra, hoặc có nguy cơ xảy ra rủi ro để có thông tin cảnh bảo. Thứ ba, trong khâu giám định phải có sự kết hợp với ngành công an. Bởi hiện nay có những quy định chỉ hồ sơ của công an mới có giá trị, còn những kết luận của các cơ quan khác chỉ có tính chất tham khảo nhằm khẳng định hành vi trục lợi bảo hiểm.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm, bên cạnh việc tập trung công tác quản lý nội bộ ngành, cũng cần tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai thực hiện pháp luật kinh doanh bảo hiểm thông qua việc ký kết các văn bản liên ngành; nghiên cứu, xem xét, bổ sung, chi tiết hóa các hành vi trục lợi bảo hiểm trong các văn bản pháp luật liên quan để nâng cao tính răn đe trong việc thực thi pháp luật. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức của người dân và xã hội trong việc phát hiện, phòng chống các vụ việc trục lợi bảo hiểm.

Xin cám ơn ông!

Theo Đại biểu nhân dân
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo