Xã hội

Trục lợi bảo hiểm y tế đang lộng hành?

(DNVN) - 8 tháng đầu năm 2016, quỹ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở 37 tỉnh, thành phố đã bội chi hơn 3.400 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Tại buổi tọa đàm về giải pháp quản lý quỹ BHYT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày 12-10, ông Phạm Lương Sơn, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, chi phí khám chữa bệnh BHYT 6 tháng đầu năm nay tăng 40% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số tiền tăng thêm 8.545 tỷ đồng.

Ảnh minh họa.

Theo tin tức trên báo ANTĐ, 8 tháng đầu năm, có ít nhất 37 tỉnh/ thành phố có số chi vượt quỹ khám chữa bệnh được giao, với tổng số tiền vượt gần 3.404 tỷ đồng khiến khả năng cân đối quỹ BHYT đang mất cân bằng nghiêm trọng, hiện đang âm trên 2.100 tỷ đồng, mất cân đối khoảng 37% và dự báo cả năm có thể bội chi tới 5.000 tỷ đồng. 

Ông Phạm Lương Sơn thẳng thắn thừa nhận, khoảng 10% nguyên nhân dẫn tới sự tăng vọt chi phí khám chữa bệnh từ quỹ BHYT những tháng đầu năm nay là do tình trạng gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT và do quản lý không tốt.

Những hành vi gian lận, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT hiện nay không mới nhưng biểu hiện rộng hơn, nghiêm trọng hơn, cả từ phía người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh, kể cả cán bộ BHXH. Riêng về phía các cơ sở khám chữa bệnh, tình trạng trục lợi quỹ BHYT thời gian vừa qua phổ biến ở nhiều tỉnh/ thành phố, không chỉ các cơ sở y tế tư nhân mà cả cơ sở y tế công lập.

Nhiều cơ sở y tế lập hồ sơ bệnh án khống để thanh toán BHYT, bệnh nhân đã ra viện nhưng vẫn chỉ định để lĩnh thuốc cho cá nhân, xã hội hóa trang thiết bị không đúng quy định vv…

Trước tình hình trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc bội chi quỹ BHYT sẽ làm ảnh hưởng đến cân đối quỹ BHYT, mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân thông qua KCB BHYT. Báo CAND đưa tin.

 

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên nhân của tình trạng lạm dụng quỹ BHYT là do nhận thức của người dân về trách nhiệm xã hội; do y đức của nhân viên y tế; vai trò của chính quyền các cấp còn hời hợt. Nhưng quan trọng nhất là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước khi quy trình quản lý chậm thay đổi so với cơ chế chính sách. Chính sách mới luôn đi kèm với việc khai thác kẽ hở để lợi dụng, nên cơ quan quản lý phải tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm.

Vì thế, giải pháp quan trọng là BHXH Việt Nam phải cải cách thủ tục hành chính, quản lý bằng các công cụ hiện đại, hiện đại hóa công nghệ thông tin. Khi đó mới chấm dứt được việc một người đi khám bệnh nhiều lần trong một ngày ở cùng bệnh viện, hay nhiều lần trong một tuần, một tháng ở các cơ sở y tế khác nhau.

Theo TS. Phạm Lương Sơn, BHXH Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: họp với BHXH 17 tỉnh, thành phố có tình trạng bội chi và gia tăng chi phí KCB BHYT bất thường để đưa ra các giải pháp can thiệp; chủ động tổ chức nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra tại các địa phương. 

BHXH các tỉnh, thành phố tập trung đánh giá nguyên nhân và các yếu tố tác động đến việc gia tăng chi phí KCB BHYT, rà soát, thẩm định lại chi phí KCB BHYT 6 tháng đầu năm, đặc biệt tại các cơ sở y tế có chi phí tăng cao, bất thường. Quản lý dữ liệu chặt chẽ, kịp thời theo dõi biến động chuyển đi, chuyển đến của bệnh nhân, tăng cường kiểm soát tại các cơ sở y tế, nhất là bệnh nhân điều trị nội trú nhưng vắng mặt không lý do v.v…

Nên đọc
Nguyễn Hà (t/h)
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo