Khám phá

Trực thăng "made in VN" cất cánh: "Bắt bệnh" khoa học Việt

Trực thăng do kỹ sư Bùi Hiển chế tạo ngày càng gần với cơ hội được thử nghiệm, nhưng còn rất nhiều ước mơ khác của khoa học nông dân dang dở

Bùi Hiển là khoa học thực sự

Sáng ngày 24/9/2014, phóng viên báo Đất Việt đã có cuộc trao đổi với ông Trần Xuân Tư – Chủ tịch Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam, là người trực tiếp đến thăm chiếc máy bay trực thăng thứ hai của kỹ sư nông dân Bùi Hiển và có những hoạt động giúp đỡ thử nghiệm.

Đánh giá về chiếc máy bay này, ông Trần Xuân Tư cho biết: “Đây là một sản phẩm có nhiều cải tiến. Quản điểm của tôi về chiếc máy bay này thì nó là một sản phẩm khoa học thực thụ, được thiết kế tính toán cẩn thận chứ không chỉ sản xuất dựa vào kinh nghiệm và cảm quan.”

Thứ nhất, ông Bùi Hiển theo quan điểm của tôi là một nhà khoa học thực thụ chứ không chỉ đơn thuần là một người lao động bình thường. Ông Bùi Hiển từng tốt nghiệp đại học Bách Khoa ở TP Hồ Chí Minh, do đó có những nền tảng kiến thức cơ bản, tiếp đó trong quá trình sản xuất ông tiếp tục nghiên cứu, chế tạo.

Ông Bùi Hiển bên chiếc máy bay đang sắp hoàn thiện của mình. Ảnh chụp tháng 7/2014
 

Kết hợp đầy đủ hai yếu tố kinh nghiệm và lý thuyết, đó mới là một nhà khoa học thực thụ. Một khi có đầy đủ hai yếu tố này thì mọi sản phẩm của họ làm ra sẽ được tính toán một cách bài bản, đảm bảo những nguyên lý cơ bản của khoa học và cho ra một sản phẩm có tính ứng dụng, hiệu quả cao.”

Về cách thức mà Hiệp hội Những người lao động sáng tạo Việt Nam sẽ giúp đỡ kỹ sư Bùi Hiển để chiếc máy bay trực thăng của ông được thử nghiệm, ông Trần Xuân Tư cho biết:

“Về quan điểm của tôi, một khi chiếc máy bay đáp ứng đầy đủ những điều kiện cần thiết thì chẳng có lý do gì nó không được cất cánh cả. Tôi đã mời Hiệp hội Hàng không vũ trụ Việt Nam vào cuộc để đánh giá, kiểm định. Sau đó chúng tôi sẽ làm thủ tục, giấy tờ để xin phép các cơ quan quản lý, Bộ Quốc phòng để thử nghiệm. Điều này không có gì khó khăn.”

Điểm yếu của khoa học nước nhà

Ngoài chiếc máy bay của kỹ sư Bùi Hiển, ông Trần Xuân Tư cho biết trong chuyến công tác lần này của mình có rất nhiều những sáng tạo khoa học của người dân để ứng dụng vào trong sản xuất, đời sống mang lại hiệu quả rất cao, thậm chí còn có những thiết bị vượt xa công nghệ Nhật Bản.

Ông Trần Xuân Tư cũng cho biết thêm, trước đây Hiệp hội cũng đã làm việc với ông Lê Văn Đáo, người chế thuốc sâu an toàn bằng rượu và thảo mộc ở Hưng Yên. Hiện nay một số nhà khoa học đã tiến hành cùng nghiên cứu giúp đỡ ông Đáo hoàn thiện sản phẩm của mình và đã thấy có nhiều tiến triển rất đáng quan tâm.

Ông Tư nhận định: “Thực tế khoa học Việt Nam đang bị chia thành hai trường phái. Khoa học bác học và khoa học thực tiễn. Điều đáng buồn là những người làm công tác nghiên cứu lại nhiều hơn những người có kinh nghiệm trong cuộc sống, trong lao động. Người dân lao động là những nhà khoa học uyên bác nhất trong trường phái khoa học thực tiễn.

Khi tôi thành lập Hiệp hội này, đây là điều đã ấp ủ hơn 20 năm, để có thể đưa khoa học Việt Nam phát triển cần kết hợp được những ý tưởng, sáng tạo của người lao động với vốn kiến thức của các nhà khoa học. Hai điều này sẽ bổ trợ cho nhau và cho ra đời những sản phẩm khoa học có tiếng vang. Nếu không có sự thực tiễn trong lý thuyết và ngược lại, thì khoa học của Việt Nam sẽ không bao giờ có thể phát triển.”


Theo Đất Việt
 
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo