Tin tức - Sự kiện

Trung Quốc âm mưu gì với “Con đường tơ lụa trên biển”?

Không khó để nhận ra ý đồ thực sự của Bắc Kinh trong đề xuất xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” là nhằm từng bước “hợp lý hóa” đường lưỡi bò và tiến tới hoàn thành âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Luôn miệng nói

Tháng 10/2013, trong chuyến thăm một số nước Đông Nam Á, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đưa ra một “sáng kiến”, kêu gọi các nước trong khu vực cùng hợp tác với Trung Quốc để xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21” – thực chất là tuyến đường biển huyết mạch nối Trung Quốc với Ấn Độ Dương bằng cách đi qua Biển Đông và vượt qua eo biển Malacca.

Không khó để người ta có thể nhận ra ý đồ thực sự của ông Tập Cận Bình trong đề xuất này là một bước tiến mới nhằm từng bước “hợp lý hóa” đường lưỡi bò và tiến tới hoàn thành âm mưu độc chiếm Biển Đông của Bắc Kinh.
 
Theo bình luận của hãng tin Tân Hoa Xã hồi tháng 10/2013: “Con đường tơ lụa trên biển hình thành trên cơ cở các kế hoạch nhằm tăng cường thương mại giữa Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á. Một dự án như vậy sẽ được xây dựng trên cơ sở chính trị và các nền tảng kinh tế vững chắc, phù hợp với mong muốn chung của người dân Trung Quốc và các quốc gia ASEAN”.
 
Nhưng theo các chuyên gia, các nước láng giềng của Trung Quốc không che giấu sự nghi ngại đối với ý định của Bắc Kinh, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc thiếu thiện chí để giải quyết các tranh chấp lãnh thổ. Có lẽ chính vì điều này mà “sáng kiến” của ông Tập Cận Bình vẫn không hề có chút tiến triển nào.
 
Theo sự phân tích của các học giả, Trung Quốc có hai mục đích tại Ấn Độ Dương, nơi con đường tơ lụa đi qua. Thứ nhất là lợi ích kinh tế, thứ hai là an ninh của các tuyến đường biển. Mục tiêu đầu tiên đang đạt được thông qua các tương tác thương mại với các quốc gia ven Ấn Độ Dương.
 
Về mục đích thứ hai, Ấn Độ Dương đang trở nên ngày càng quan trọng với các lợi ích quốc gia ngày càng mở rộng của Trung Quốc, nhất là việc nhập khẩu năng lượng. Vì thế, Ấn Độ Dương và an ninh của các tuyến đường biển - từ Bab-el-Mandeb tại Eo biển Hormuz đến Eo biển Malacca - trở nên rất quan trọng đối với Trung Quốc.
 
Điều thú vị là tuyến đường mà các tàu hải quân Trung Quốc xuất phát, từ phía Nam nước này để tham gia các chiến dịch chống cướp biển tại Ấn Độ Dương, giống "y hệt" với "Con đường Tơ lụa trên biển" mà Đô đốc Trịnh Hòa và đội tàu của ông đã từng đi vào năm 1405. Hiện nay, ban lãnh đạo Trung Quốc đang tìm cách khôi phục "Con đường Tơ lụa trên biển" này.
 
Gợi nhớ tuyến đường biển thương mại lịch sử vốn kết nối Trung Quốc với thế giới trong thế kỷ 15, viễn cảnh về một con đường tơ lụa mới trên biển cho thấy một cách tiếp cận có hệ thống của Trung Quốc nhằm mở rộng ảnh hưởng an ninh, chính trị và kinh tế trong khu vực.
 
Giàn khoan Hải Dương 981 đang hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
 
Tuy nhiên, mưu đồ này của Trung Quốc khó có thể thành hiện thực bởi ở ngay tại Biển Đông, Bắc Kinh đang có tranh chấp chủ quyền đối với Phillipines và Việt Nam. Indonesia không phải là đồng minh của Trung Quốc. Trung Quốc không thể kiểm soát hoặc bảo vệ được tuyến hàng hải quốc tế từ Biển Đông tới eo biển Malacca và eo biển Sunda. Hiện nay, Trung Quốc đang tăng cường lấp biển xây dựng căn cứ hải quân không quân ở đá ngầm Xích Qua (bãi Gạc Ma của Việt Nam, bị Trung Quốc cưỡng chiếm trái phép).
 
Phát biểu trên tờ "Le Soir" (Bỉ), giáo sư, Tiến sỹ Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về Trung Quốc của Đại học Maine (Mỹ) cho rằng, việc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và chiếm một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam, hay mượn cớ xây dựng "con đường tơ lụa" nằm trong ý đồ của Trung Quốc, nhằm xây dựng một hệ thống cơ sở để chiếm lĩnh toàn bộ Biển Đông, gây mất an ninh và bắt chẹt thế giới. Nếu xâu chuỗi các sự kiện qua nhiều năm, có thể thấy những động thái của Trung Quốc tại Biển Đông, nay đã là một vấn đề an ninh không chỉ ở cấp độ khu vực mà đã ở cấp độ thế giới.
 
Biết rằng khó có thể đánh lừa các nước Đông Nam Á về viễn cảnh của cái gọi là “Con đường tơ lụa trên biển trong thế kỷ 21”, ngày 14/7, tờ tin tức Want China Times của Đài Loan đưa tin Trung Quốc đã quyết định đi thêm một nước cờ ngang ngược là nộp đơn đề nghị UNESCO công nhận “Con đường tơ lụa trên biển” và “di sản cổ vật Hoàng Sa”.
 
Đến lúc này thì toàn bộ lớp mặt nạ giả dối và nham hiểm của Trung Quốc đã hoàn toàn bị lột ra.
 
Có một điều đáng nói nữa là ý đồ thiết lập “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc đang nằm trong nguy cơ phá sản hoàn toàn bởi tuyến đường “ứng cứu Trung Quốc” thông qua ngả Myanmar cũng có nguy cơ… tắc.
 
Theo tính toán của giới lãnh đạo Bắc Kinh, việc chiếm được Biển Đông để thông ra biển lớn sẽ còn gặp rất nhiều khó khăn và lâu dài nên xây dựng một tuyến đường khác ra Ấn Độ Dương thông qua ngả Myanmar là vô cùng cấp thiết. Hiện nay, ngoài đường ống dẫn dầu khí, Trung Quốc còn xây dựng tuyến đường sắt nối Trung Quốc với Myanamar tới cảng Kyaukpyu để tiến vào Ấn Độ Dương. Tuyến đường ra biển ở hướng Tây Nam này nếu cộng thêm Myanmar có thể trở thành căn cứ chi viện cho “con đường tơ lụa trên biển” của Trung Quốc, không chỉ giúp hàng hóa thông suốt, mà khi xảy ra chuyện ở bên ngoài có thể nhanh chóng tiến hành cứu viện, chi viện, chứ không mạo hiểm và bị phụ thuộc vào các nước khác như tuyến đường hiện nay từ Hải Nam vòng qua Biển Đông.
 
Có điều, kể từ sau cuộc cách mạng dân chủ ở Myanmar, mối quan hệ giữa hai nước đã trở nên vô cùng lạnh nhạt. Hàng loạt các dự án của Trung Quốc tại Myanmar bị đình chỉ trong khi thái độ của các nhà lãnh đạo Myanmar thời gian gần đây đã lộ rõ sự ủng hộ đối với các thành viên ASEAN chống lại ý đồ cướp đoạt Biển Đông của Bắc Kinh.
 
Nói như tờ tờ "Le Soir", đến giờ này, chẳng còn ai tin vào “con đường tơ lụa cắm đầy gai nhọn” của Bắc Kinh nữa.
Infonet
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo