Trung Quốc đang làm biển Đông thêm căng thẳng
Nhà báo Toshihiro Yatagal, Trưởng Văn phòng đại diện Hãng tin Kyodo News của Nhật Bản tại Bangkok, đã nhấn mạnh như vậy khi trao đổi với chúng tôi trực tiếp trên tàu Cảnh sát biển 4033 (vùng 2 CSB Việt Nam), sau những ngày thực tế tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa.
PV: Những ngày trực tiếp chứng kiến diễn biến tình hình khu vực giàn khoan Hải Dương 981, ông có nhận định gì?
Tôi thấy tình hình căng thẳng, có phần nguy hiểm. Không chỉ trực tiếp quan sát, tôi cập nhật thông tin qua các bản tin, báo cáo hằng ngày. Những ngày qua, tôi tận mắt chứng kiến căng thẳng diễn ra như thế nào, cái cách Trung Quốc điều tàu, hành xử và đối sách của Việt Nam để giải quyết tình hình.
PV: Cụ thể, thưa ông?
Đập vào mắt tôi là rất nhiều các loại tàu Trung Quốc, tạo thành những lớp bảo vệ dày đặc khu vực giàn khoan 981. Có các tàu chấp pháp, tàu đầu kéo, dịch vụ dầu khí và cả tàu quân sự, tàu hộ vệ tên lửa vòng ngoài. Có một vài lần máy bay quần lượn trên bầu trời.
Rõ ràng, cách đưa số lượng lớn tàu này, đặc biệt tàu quân sự là không nên, Trung Quốc chỉ đang làm tình hình trên biển Đông căng thẳng, xấu đi. Khi các tàu Việt Nam đi về phía giàn khoan thì họ quyết liệt ngăn cản bằng nhiều tàu và cách di chuyển của tàu Trung Quốc cũng rất đáng sợ.
PV: Về phía Việt Nam, ông có nhận định gì?
Việt Nam ít tàu hơn và không hề có các tàu quân sự. Việt Nam chỉ điều các tàu cảnh sát biển, tàu kiểm ngư ra làm nhiệm vụ. Tôi thấy phản ứng Việt Nam rất kiềm chế nhưng kiên trì, kiên quyết. Đối sách Việt Nam phù hợp, thể hiện sự mong muốn hòa bình, không làm gia tăng xung đột, căng thẳng ở biển Đông, nhưng quyết tâm bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn vùng biển.
PV: Trung Quốc từng tuyên bố, tàu Việt Nam “đâm va tàu Trung Quốc đến 171 lần”, sau những ngày thực tế tại hiện trường, ông bình luận gì về tuyên bố này của Trung Quốc, thưa ông?
Người Nhật có câu “được chứng kiến tận mắt hơn là trăm lần nghe”. Như các bạn hay nói “Trăm nghe không bằng một thấy”. Những ngày qua, tôi thấy các tàu Việt Nam chỉ sử dụng biện pháp tuyên truyền, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan trái phép, rời khỏi vùng biển này. Không có bất kỳ phản ứng nào mang tính “đáp trả” của Việt Nam.
Tôi có khá nhiều tư liệu thực tế, khách quan về việc đâm va, xịt vòi rồng của các tàu Trung Quốc đối với tàu Việt Nam. Có thể nói, tuyên bố trên của Trung Quốc là thiếu cơ sở xét về thực tế, tương quan lực lượng.
PV: Ông nhận định gì về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan vi phạm luật pháp quốc tế?
Tôi không phải chuyên gia luật, nhưng nhìn nhận khách quan trên bản đồ, đối chiếu với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, không nói các bạn cũng biết, vị trí này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam theo quy định.
Cảm ơn ông!
Nhà báo Toshihiro Yatagal, 50 tuổi, từng làm Trưởng văn phòng Kyodo News tại Campuchia, Indonesia, và hiện đang làm Trưởng đại diện Văn phòng hãng tin này tại Bangkok (Thái Lan). Năm 1999, lần đầu tiên ông có chuyến công tác tại Việt Nam và đến nay có 4-5 lần sang Việt Nam. Dù Thái Lan đang có nhiều diễn biến đáng quan tâm, và dù với tư cách Trưởng đại diện ở Thái Lan, nhưng ông vẫn đăng ký sang Việt Nam tác nghiệp ở vùng biển Hoàng Sa. Hỏi về một hình ảnh Trung Quốc trong ông, nhà báo Toshihiro nói: “Đây chỉ là ý kiến cá nhân và không đại diện cho cơ quan báo”, rồi ông thể hiện bằng cách đứng dậy, ưỡn ngực, đi khệnh khạng, và lý giải: “Tôi thấy họ hung hăng, vênh váo”. |
Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo