Tin tức - Sự kiện

Trung Quốc hưởng lợi TPP dệt may thay VN: Cần làm gì?

“Tránh sự lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc là việc cần thiết. Khi đó mới nâng được tính tự chủ và an ninh kinh tế của mình”.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã chia sẻ với chúng tôi trước hiện tượng các doanh nghiệp dệt may Trung Quốc đổ xô vào Việt Nam thời gian qua để đón đầu ưu đãi thuế quan của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Dệt may hưởng lợi, Trung Quốc đón đầu
 
PV: - Kể từ cuối năm 2013 trở lại đây, việc thu hút FDI vào dệt, nhuộm dường như đang nóng lên với một loạt dự án được cấp phép và đang làm thủ tục xin phép địa phương. Đáng chú ý, có tới 90% số doanh nghiệp tham gia đầu tư đến từ Trung Quốc. Ông lý giải như thế nào về hiện tượng này?
 
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: - Việc xuất hiện làn sóng đầu tư dệt may của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam là vì người ta đón đầu việc Việt Nam gia nhập TPP.
 
Khi gia nhập TPP ngành dệt may là được hưởng lợi nhiều nhất cho nên các nhà đầu tư đã đón trước điều này.
 
PV: - Khi đầu tư vào Việt Nam theo hình thức FDI, Trung Quốc sẽ được mang công nghệ, nhân công và được hưởng những chính sách ưu đãi giành cho nguồn vốn FDI. Mặt khác với những siêu dự án như vậy các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp này. Xin ông phân tích cụ thể những cái được và mất của Việt Nam khi đón nhận dòng vốn đầu tư này? Liệu có thể hiểu đây là cái bẫy tự do thương mại kiểu mới (thay vì cách thu mua nguyên liệu thô truyền thống) của Trung Quốc đối với những nền kinh tế yếu hơn như Việt Nam?
 
Ông Trần Hoàng Ngân
 
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: - Vấn đề là hiện nay chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài nên cũng đảm bảo bình đẳng giữa các nhà đầu tư chứ không thể nhà đầu tư nước A hay B, C.
 
Trong xu thế hội nhập phải đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài. Sắp tới Luật doanh nghiệp cũng đảm bảo sự bình đẳng đó. Cho nên vấn đề hiện nay là làm thế nào để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hơn nữa để họ nâng cao năng lực cạnh tranh. Muốn như vậy chúng ta phải tháo gỡ sớm vấn đề tiếp cận vốn, chính sách ưu tiên, ưu đãi như việc vốn chuẩn bị nguồn nguyên liệu chẳng hạn.
 
Ở đây liên quan đến nguồn nguyên vật liệu, tôi cho rằng lúc này Việt Nam phải chủ động nguồn nguyên vật liệu cho ngành dệt may. Muốn làm được như vậy thì phải đầu tư ưu đãi cho việc trồng nguyên vật liệu để người dân chuyển đổi cây trồng bông, sợi. Có như vậy mới hưởng được ưu đãi từ TPP. Về góc độ này Việt Nam đang có lợi thế.
 
Về vấn đề này tôi cũng sẽ có đề nghị với Quốc hội ra Nghị quyết về nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng.
 
PV: - Đặt trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sắp được ký kết trong khi Trung Quốc lại không tham gia hiệp định này, việc xâm nhập mạnh mẽ vào thị trườngViệt Nam có phải là cách Trung Quốc đón trước TPP ở Việt Nam không? Xin ông phân tích cụ thể mục tiêu của Trung Quốc? Liệu có thể hiểu trong lĩnh vực này Trung Quốc chứ không phải Việt Nam sẽ là người hưởng lợi TPP đồng nghĩa những gì người dân Việt Nam nhận được từ dòng FDI dệt may chỉ là ô nhiễm môi trường?
 
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: - Trong nhóm TPP thì hàng Việt Nam có giá cạnh tranh nhất. Trong khi đó từ trước tới nay về giá thì các nước chỉ lo cạnh tranh với Trung Quốc.
 
Thế nhưng để đảm bảo mình được hưởng chế độ thuế quan thì nguyên vật liệu phải đảm bảo là ở trong nước. Còn hiện nay nguyên vật liệu của mình đang được nhập ở Trung Quốc về rồi gia công.
 
Cho nên để tránh sự lệ thuộc về kinh tế với Trung Quốc là việc cần thiết và cần có những bước đi dài hạn. Khi chúng ta giảm bớt sự lệ thuộc với Trung Quốc thì mới nâng được tính tự chủ và an ninh kinh tế của mình.
 
Chủ động nguồn nguyên liệu trong nước là việc làm cần thiết và cần có những bước đi dài hạn để tránh lệ thuộc Trung Quốc
 
Phản ứng chậm
 
PV: - Từ trường hợp của dệt may, liệu có thể lo ngại cho tương lại các ngành sản xuất khác của nền kinh tế Việt Nam bị thâu tóm bởi tay các doanh nghiệp Trung Quốc không? Hậu quả của nó sẽ là như thế nào?
 
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: - Chắc chắn là lo ngại cho nên chúng ta cần phải có chính sách đối phó. Trước đây chúng ta cũng đã làm nhưng lúc này càng thấy quan trọng hơn. Nhưng thực tế chúng ta cũng phản ứng chậm.
 
Có một số việc chúng ta chưa lường trước hết được những diễn biến bất ngờ xuất hiện như hiện nay trong khi mối quan hệ đang rất tốt đẹp. Thế nhưng lúc này chúng ta cũng thấy rõ hơn vấn đề và cần phải có đối sách.
 
Có thể thấy rằng chúng ta nhập từ Trung Quốc 36,9 tỉ đô la, một con số rất lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu 132 tỉ đô la. Từ đó chúng ta phải đề phòng Trung Quốc có khả năng sử dụng công cụ biện pháp kinh tế, thương mại. Giả sử nếu chúng ta bị thiếu nguồn nguyên liệu từ đây thì sẽ ra sao? Đây là vấn đề cần hết sức lưu ý.
 
PV: - Châu Phi đã giật mình cảnh báo về hệ lụy những khoản đầu tư từ Trung Quốc. Còn Việt Nam sẽ phải lựa chọn nguồn đầu tư như thế nào để người dân được hưởng lợi chứ không phải một vài nhóm lợi ích nào đó?
 
ĐBQH Trần Hoàng Ngân: - Thật ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô của Việt Nam mấy năm vừa qua phải lo đối phó với bất ổn vĩ mô. Nào là đối phó với nợ công, nợ xấu, bất động sản, đầu tư, lạm phát… Cho nên đã mất 3 năm dành thời gian ưu tiên cho việc ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội.
 
Tuy nhiên đã đến lúc chúng ta cần phải ưu tiên nhiều hơn cho việc nâng cao thể trạng của nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Khi tự chủ rồi vững chắc mới có thể bảo vệ chủ quyền, ổn định kinh tế.
 
Lúc này lòng dân và sức dân là hai yếu tố quan trọng. Phải giải quyết những bức xúc của cử tri. Để lòng dân đồng thuận thì các vấn đề tham nhũng lãng phí công chức quan liêu phải được khắc phục. Đồng thời khôi phục các doanh nghiệp lâu nay ngừng hoạt động. Yếu tố này quyết định thắng lợi trên mặt trận kinh tế và chính trị.
 
Khi những vấn đề này thực hiện được thì lúc đó mới có thể tính đến chuyện lựa chọn nguồn đầu tư tốt nhất cho sự phát triển kinh tế trong nước.
 
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo