Tin tức - Sự kiện

Trung Quốc hưởng lợi TPP thay: Việt Nam đã tính thiệt hơn

Dệt may VN thiếu vốn, Trung Quốc gặp khó về lao động... Do đó, khi VN kêu gọi đầu tư, Trung Quốc vào tìm hiểu là rất bình thường.

Bà Đặng Phương Dung, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.

PV:- Kể từ cuối năm 2013 trở lại đây, việc thu hút FDI vào dệt, nhuộm dường như đang nóng lên với một loạt dự án được cấp phép và đang làm thủ tục xin phép địa phương. Đáng chú ý, có tới 90% số doanh nghiệp tham gia đầu tư đến từ Trung Quốc. Bà lý giải như thế nào về hiện tượng này?
 
Bà Đặng Phương Dung: Tôi cho rằng, đây là hiện tượng rất bình thường vì từ lâu nay chúng ta vẫn kêu gọi đầu tư nước ngoài vào dệt, nhuộm. Đã có rất nhiều công ty như của Đài Loan, Hàn Quốc và một số nước khác cũng đã đầu tư vào Việt Nam trong đó có Trung Quốc.
 
Bà Đặng Phương Dung - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam
 
Thời gian gần đây chúng ta có những đàm phán như TPP, FDI với EU… nếu những hiệp định đó được ký dệt may Việt Nam sẽ có rất nhiều lợi thế trong xu thế cạnh tranh hiện nay. Nhưng phải có đầu tư.
 
Trong khi đó, Trung Quốc cũng gặp phải rất nhiều vấn đề đặc biệt là lao động của Trung Quốc và một loạt các vấn đề khác. Do đó, khi Việt Nam kêu gọi đầu tư Trung Quốc đã vào tìm hiểu thị trường của mình, đó là động thái rất bình thường.
 
PV:- Khi đầu tư vào Việt Nam theo hình thức FDI, Trung Quốc sẽ được mang công nghệ, nhân công và được hưởng những chính sách ưu đãi giành cho nguồn vốn FDI. Mặt khác, với những siêu dự án như vậy, các doanh nghiệp dệt may trong nước sẽ khó có thể cạnh tranh với những doanh nghiệp này. Xin bà phân tích cụ thể những cái được và mất của Việt Nam khi đón nhận dòng vốn đầu tư này?
 
Bà Đặng Phương Dung: Khi chúng ta mở cửa nền kinh tế là phải xác định có cạnh tranh, chúng ta không có những rào chắn, rào cản riêng với một nước nào.
 
Rõ ràng trên thị trường thế giới hiện nay, Trung Quốc luôn luôn có nhiều lợi thế và họ cũng là nước có nhiều kinh nghiệm như trong công nghệ, quản lý,…
 
Chúng tôi luôn nhận thức rõ và coi Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh, nhưng đã xác định mở cửa và phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam phải chấp nhận có cạnh tranh trong cùng cuộc chơi.
 
PV: - Liệu có thể hiểu đây là cái bẫy tự do thương mại kiểu mới (thay vì cách thu mua nguyên liệu thô truyền thống) của Trung Quốc đối với những nền kinh tế yếu hơn như Việt Nam?
 
Bà Đặng Phương Dung: Bất kể nước nào khi đầu tư vào Việt Nam cũng đều được hưởng những ưu đãi như vậy tại sao lại đặt vấn đề riêng với Trung Quốc. Chính sách của chúng ta không phân biệt với bất cứ nước nào như vậy là không công bằng với Trung Quốc.
 
Tuy nhiên, hiện tại Việt Nam cũng đang khuyến khích họ đầu tư vào những khâu chúng ta còn yếu như dệt, nhuộm.
 
Đó là nhưng khâu còn yếu trong ngành công nghiệp dệt may mà Việt Nam chưa chủ động khai thác được. Trong điều kiện đó, Trung Quốc vào khai thác tôi cho đấy cũng là việc hết sức bình thường.
 
PV: -  Đặt trong bối cảnh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP sắp được ký kết trong khi Trung Quốc lại không tham gia hiệp định này, việc xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Việt Nam có phải là cách Trung Quốc đón trước TPP ở Việt Nam không? Xin bà phân tích cụ thể mục tiêu của Trung Quốc?
 
Bà Đặng Phương Dung: Tôi cho rằng, bất cứ nước nào khi đầu tư cũng thông minh, cũng phải tính toán.
 
Nếu hiệp định TPP được ký kết, nếu doanh nghiệp của Trung Quốc tự nhiên vào Việt Nam khai thác họ cũng không được hưởng lợi. Doanh nghiệp Việt Nam đi nhập khẩu nguyên liệu rồi về sản xuất cũng không được hưởng lợi.
 
Vậy thì tại sao, thay vì việc chúng ta không được hưởng lợi do điều kiện chưa đầy đủ thì chúng ta không đi kêu gọi đầu tư để cùng hưởng lợi?. Việc này chúng ta đã xác định rồi.
 
PV: - Liệu có thể hiểu, trong lĩnh vực này, Trung Quốc chứ không phải Việt Nam sẽ là người hưởng lợi TPP, đồng nghĩa, những gì người dân Việt Nam nhận được từ dòng FDI dệt may chỉ là… ô nhiễm môi trường?
 
Bà Đặng Phương Dung: Như tôi đã nói ở trên, nếu hiệp định TPP được ký, Việt Nam muốn được hưởng lợi sẽ phải đáp ứng được yêu cầu của hiệp định đặt ra.
 
Cụ thể với dệt may, TPP đặt ra yêu cầu xuất xứ hàng là phải tự sản xuất, nếu đi nhập khẩu vải vóc về sản xuất cũng không được hưởng những ưu đãi từ hiệp định đó.
 
Vì thế chúng ta mới phải kêu gọi các nước đầu tư vào dệt, nhuộm hoàn tất các khâu yếu để từ đó có thể sử dụng được những nguyên liệu trong nước. Có làm như vậy Việt Nam mới được hưởng lợi, ưu đãi thuế từ TPP.
 
Vậy thì giữa cái lợi có nhưng không được hưởng với cái lợi được hưởng nhưng phải có sự chia sẻ với nước khác tại sao chúng ta lại không tính toán.
 
Tuy nhiên khi thực hiện cũng cần đặc biệt trú trọng công tác bảo vệ môi trường. Dệt, nhuộm là gắn liền với xử lý nước thải, vấn đề này địa phương phải quản lý tốt, về phía Hiệp hội chúng tôi kêu gọi có những khu công nghiệp, có công nghệ xử lý nước thải tập trung. Tránh tình trạng gây ô nhiễm môi trường cho Việt Nam, đó là điều mình không mong muốn.
 
PV: - Từ trường hợp của dệt may, liệu có thể lo ngại cho tương lai, các ngành sản xuất khác của nền kinh tế Việt Nam bị thâu tóm bởi tay các doanh nghiệp Trung Quốc không? Hậu quả của việc đó sẽ là như thế nào?
 
Bà Đặng Phương Dung: Khi mình đi nhập khẩu đã bị phụ phục thuộc rồi. Như vậy, không có nghĩa chỉ khi họ sang đây chúng ta mới phải bị lệ thuộc. Câu hỏi này tôi nghĩ ai cũng có thể hiểu.
 
Xin cảm ơn bà!
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo