Tin tức - Sự kiện

Trung Quốc lại la làng "không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung"

Phía Trung Quốc ngày càng hành động hung hăng, manh động và có ý đồ vây ép, đâm va tàu Việt Nam. EU phải đanh thép hơn với TQ.

 Tàu Trung Quốc lập đội hình vòng cung ngăn cản tàu Việt Nam

Chiều 24/6, tại Hà Nội, đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, phía Trung Quốc ngày càng biểu hiện hành động hung hăng, manh động và có ý đồ vây ép, đâm va, phun vòi rồng khi các tàu chấp pháp thực thi nhiệm vụ của Việt Nam tiến vào gần giàn khoan Hải Dương-981.
 
Theo đại diện Cục Kiểm ngư Việt Nam, trong ngày, phía Trung Quốc vẫn duy trì khoảng 102-108 tàu các loại hoạt động tại hiện trường giàn khoan Hải Dương-981; trong đó có 37-39 tàu Hải Cảnh, 12-14 tàu vận tải, 17-19 tàu kéo, 30 tàu cá và 6 tàu quân sự.
 
Các tàu này được Trung Quốc tổ chức thành nhóm từ 5-10 tàu và bố trí thành đội hình vòng cung cách giàn khoan khoảng 10-11 hải lý.
 
Các tàu Hải cảnh, hải giám, hải tuần và tàu kéo của Trung Quốc đã tổ chức dàn hàng ngang để ngăn cản quyết liệt, sử dụng tốc độ cao để áp sát các tàu của Việt Nam (cách tàu của Việt Nam từ 10-120m), các tàu Trung Quốc biểu hiện hành động hung hăng, manh động và có ý đồ vây ép để đâm va, phun nước khi các tàu của ta tiến vào gần giàn khoan.
 
Tàu Trung Quốc tổ chức thành nhóm sẵn sàng vây ép, đâm va tàu Kiểm ngư Việt Nam
 
Theo quan sát của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam, từ 13h10 -14h25 phát hiện một máy bay cánh bằng của Trung Quốc có số hiệu CMS-B3586 hoạt động ở khu vực Nam-Đông Nam, cách giàn khoan Hải Dương-981 khoảng 12 hải lý, bay ở độ cao khoảng 500-700m và bay tận 4 vòng sau đó mới rời khỏi khu vực giàn khoan theo hướng Đông Bắc.
 
Đáng chú ý, lúc 8h sáng 24/6, khi các tàu của Việt Nam hoạt động cách giàn khoan 10,5 hải lý, có 5 tàu kéo, 6 tàu Hải cảnh và tàu Hải tuần 11 chặn hướng, áp sát ngăn cản không cho các tàu của Việt Nam tiến vào gần giàn khoan.
 
Tàu Kiểm ngư Việt Nam có số hiệu KN-951 đã bị tàu kéo số 32 của Trung Quốc áp sát cách 100m, tàu 284 áp sát ngăn cản ở khoảng cách gần nhất 10m.
 
EU nên can thiệp vào tranh chấp trên Biển Đông
 
Trong một diễn biến khác, tại cuộc trả lời phỏng vấn hãng truyền hình Đức DW, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội cho rằng Liên minh châu Âu (EU) cần can thiệp để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
 
Bà Tôn Nữ Thị Ninh trả lời phỏng vấn đài DW
 
Bà Tôn Nữ Thị Ninh nhận định việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương- 981 vào vùng biển Việt Nam mới chỉ là một “dự án thử nghiệm” mở đầu cho tham vọng của nước này.
 
Do đó, các nước EU nên cất tiếng nói rõ ràng hơn, to hơn. Khối này nên ít nhất gọi đúng tên các hành động của Trung Quốc – đó là những khiêu khích đơn phương nguy hiểm cho hòa bình và an ninh khu vực.
 
Các ngoại trưởng EU có thể đưa vấn đề này ra diễn đàn khu vực ASEAN, Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, hay các diễn đàn như UNCLOS.
 
Quốc tế tiếp tục lên án hành động của Trung Quốc
 
Trong bài viết được đăng trên trang mạng Agoravox của Pháp hôm 23/6, ông Andre Bouny, Chủ tịch Ủy ban Quốc tế Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxine Việt Nam nói rằng, những yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông là hoàn toàn phi lý và đi ngược lại luật pháp quốc tế.
 
Tác giả bài viết cũng đăng một loạt hình ảnh cho thấy, Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền liên tục đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ trước đến nay như tấm bản đồ Trung Quốc được vẽ từ đời nhà Thanh, giấy khai sinh của công dân Việt Nam được cấp tại Hoàng Sa năm 1940, hồ sơ kỹ thuật xây dựng hệ thống đèn biển tại Hoàng Sa, cuốn Biên niên của Nha khí tượng Đông Dương năm 1940 do Phủ toàn quyền Đông Dương xuất bản năm 1942…
 
Cũng trong ngày 23/6, báo Deutsche Welle của Đức đăng bài nhận định, việc Trung Quốc đưa thêm 4 giàn khoan vào Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực là nhằm tạo tiền lệ cho yêu sách chủ quyền với hầu hết Biển Đông.
 
Trả lời phỏng vấn báo này, tiến sĩ Ian Storey, thành viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), có trụ sở tại Singapore khẳng định, việc triển khai các giàn khoan nói lên quyết tâm của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền ở Biển Đông và Trung Quốc có thể triển khai thêm các giàn khoan trong tương lai.
 
Tiến sĩ Ian Storey
 
Bởi theo ông, Trung Quốc muốn khẳng định cái gọi là "quyền lịch sử" đối với nguồn tài nguyên biển như dầu mỏ, khí đốt và ngư nghiệp bên trong “đường lưỡi bò”, vốn bị các chuyên gia pháp lý quốc tế coi là không phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS).
 
Trung Quốc trắng trợn vu khống Việt Nam
 
Tuy nhiên, bất chấp sự phản đối của quốc tế, Trung Quốc vẫn liên tục có những động thái làm gia tăng căng thẳng hay đưa ra những luận cứ phi lý nhằm xác lập chủ quyền đối với Biển Đông.
 
Theo đó, tại cuộc họp báo thường kỳ do Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức ngày 24/6, trả lời câu hỏi của phóng viên quốc tế về việc ngày 23/6, Đài truyền hình Việt Nam đưa tin tại hiện trường cho biết tàu Trung Quốc tấn công tàu Việt Nam tại khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương-981, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh một lần nữa sử dụng lời lẽ đổi trắng thay đen.
 
Bà Hoa Xuân Oánh cho rằng chiều ngày 23/6, tàu của phía Việt Nam tại hiện trường một lần nữa xông vào khu vực cảnh giới tác nghiệp bình thường của phía Trung Quốc, trong đó có một tàu kéo của Việt Nam chủ động đâm va vào tàu công vụ của Trung Quốc, gây thiệt hại cho tàu của phía Trung Quốc.
 
Bà Hoa Xuân Oánh còn lớn tiếng “thúc giục” phía Việt Nam lập tức chấm dứt các hành động “quấy nhiễu” đối với các hoạt động tác nghiệp bình thường của phía Trung Quốc, lập tức rút toàn bộ tàu thuyền và nhân viên khỏi hiện trường nhằm nhanh chóng khôi phục sự bình yên trên biển.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh
 
Không những thế, mấy ngày qua, nhiều báo đài của Trung Quốc đã ra sức tuyên truyền về việc một nhà xuất bản ở tỉnh Hồ Nam phát hành bản đồ dọc chính thức khổ lớn đầu tiên của nước này, khác với thông lệ xưa nay bản đồ Trung Quốc thường có hình ngang.
 
Trong đó, tấm bản đồ ngang nhiên thể hiện cả “đường lưỡi bò” phi lý liếm gần trọn Biển Đông, bao gồm 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough đang tranh chấp với Philippines.
 
Đây được xem là một bước đi mới của Trung Quốc nhằm đẩy mạnh hợp thức hóa tuyên bố chủ quyền phi lý của mình trên Biển Đông, xâm phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam. Nguy hiểm hơn, theo truyền thông Trung Quốc, bản đồ này sẽ được phân phối cho các trường tiểu học và trung học nước này.
 
Tiến sĩ Christopher Roberts thuộc Đại học New South Wales, Australia khẳng định, vài thập niên gần đây, hệ thống giáo dục Trung Quốc đã "cấy" vào đầu người dân niềm tin là Biển Đông thuộc “chủ quyền không thể tranh cãi” của nước này”.
 
Tấm bản đồ dọc phi pháp của Trung Quốc - Ảnh: Hoàn Cầu thời báo
 
Trước đó, tối 17/6, Tân Hoa Xã đã trắng trợn vu khống, đe dọa Việt Nam qua bài bình luận có tiêu đề: “Việt Nam và “bốn không được”, kẻ biết thời thế mới là tuấn kiệt.”
 
Mở đầu bài báo đăng trong mục Quân sự của Tân Hoa Xã, cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc là sự vu khống trắng trợn Việt Nam:
 
Cây muốn lặng nhưng gió chẳng đừng, hơn một tháng qua, Việt Nam không từ thủ đoạn nào quấy nhiễu hoạt động của giàn khoan Hải Dương-981 ở Tây Sa (Hoàng Sa của Việt Nam). Đối mặt với sự khiêu khích của Việt Nam, Trung Quốc buộc phải điều tàu công vụ đến bảo vệ giàn khoan.
 
Tân Hoa Xã đe dọa trắng trợn Việt Nam thông qua “bốn không được” như sau:
 
Thứ nhất, không được đánh giá thấp quyết tâm và năng lực bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc với các đảo trên Nam Hải (Biển Đông). Thứ hai, không được sử dụng các tư liệu mà Việt Nam tự nhận là “tư liệu lịch sử” để gây hiểu lầm cho cộng đồng quốc tế và dư luận Việt Nam về chủ quyền ở Tây Sa, Nam Sa (Hoàng Sa, Trường Sa).
 
Thứ ba, không được lôi kéo các nước khác can thiệp vào Nam Hải. Cuối cùng là không được phá bỏ mối quan hệ Việt Trung sau 20 năm bình thường hóa quan hệ.
Báo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo