Tin tức - Sự kiện

Trung Quốc "ngoan cố" đổ lỗi cho Việt Nam, thế giới bất bình lên tiếng

Dư luận quốc tế đều nhận định Trung Quốc sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về hành động gây hấn ở Biển Đông.

Trung Quốc nói Mỹ "kích động"

Bất chấp sự chỉ trích từ dư luận quốc tế, ngày 9/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn ngang ngược khẳng định rằng vùng biển mà giàn khoan HD-981 đang hoạt động thuộc lãnh thổ Trung Quốc và không có quốc gia nào có quyền can thiệp.

“Cần phải nói rõ rằng hàng loạt những bình luận vô trách nhiệm và sai trái gần đây từ phía Mỹ đã kích động hành vi nguy hiểm và mang tính khiêu khích từ một số quốc gia”, Reuters dẫn lời phát biểu của bà Hoa trong một cuộc họp báo.

“Chúng tôi yêu cầu Mỹ hành động theo tinh thần duy trì nền hòa bình và ổn định trong khu vực, cũng như hành động và phát biểu cẩn trọng trong vấn đề liên quan, ngừng ngay các phát biểu vô trách nhiệm và làm nhiều hơn cho việc duy trì hòa bình và ổn định của khu vực”, nữ phát ngôn viên Trung Quốc cho hay.

Không có chuyện tàu VN đâm tàu TQ 171 lần

Trao đổi với các PV vào chiều 9/5, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm, Tư lệnh cảnh sát biển Việt Nam khẳng định, không hề có chuyện tàu Việt Nam tông tàu Trung Quốc 171 lần và Việt Nam cũng không sử dụng người nhái.

"Tôi đã nắm được thông tin phía Trung Quốc cho rằng, Việt Nam đã phái 35 tàu cảnh sát biển ra chặn giàn khoan, chủ động đâm vào tàu Trung Quốc tới 171 lần cũng như thông tin Việt Nam sử dụng người nhái. Tôi khẳng định các thông tin này là hoàn toàn không chính xác, Trung Quốc đang vu khống trắng trợn Việt Nam.

Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam trong suốt thời gian qua luôn tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như luật pháp quốc tế, đồng thời, kiên trì, kiềm chế trước sự hung hăng, ngang ngược của tàu Trung Quốc.

Việt Nam cũng không sử dụng các tàu quân sự vào hoạt động ngăn chặn, đấu tranh", Thiếu tướng Đạm nhấn mạnh.

Tàu Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu Việt Nam, hành động bị cả thế giới lên án

Bên cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Quang Đạm cũng cho biết: "Cùng với lực lượng Kiểm ngư, Cảnh sát biển Việt Nam đang duy trì nhiều phương tiện cần thiết tại khu vực trên, trong đó có những tàu hiện đại và luôn sẵn sàng, cảnh giác cao độ trước những động thái hung hăng, khiêu khích từ phía Trung Quốc.

Quan điểm của Việt Nam là kiềm chế, tránh gây căng thẳng và đấu tranh hòa bình nhưng không nhân nhượng trước vấn đề chủ quyền", Thiếu tướng Đạm nói.

Trước đó, ngày 8/5, bất chấp các chứng cứ xác thực do Việt Nam công bố về việc TQ hung hăng đâm tàu Việt Nam, Bộ Ngoại giao TQ tổ chức họp báo, trắng trợn nói ngược rằng tàu VN đã đâm tàu TQ 171 lần.

"Phía TQ không có những hành động khiêu khích nào, đó là do phía Việt Nam gây ra" - quan chức Dịch Tiên Lương, Phó tổng vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ngang nhiên nói.

Biển Đông căng thẳng là do Trung Quốc

Trong tuyên bố mới nhất ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho rằng Trung Quốc cần phải làm rõ lý lẽ pháp lý về việc đặt giàn khoan trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông. Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida tiếp tục bày tỏ quan ngại về căng thẳng gia tăng trong khu vực liên quan đến vụ việc này.

Ông Kishida nhấn mạnh: "Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước diễn biến leo thang căng thẳng ở khu vực liên quan tới hoạt động khoan thăm dò dầu khí đơn phương của Trung Quốc.

Chúng tôi coi vụ việc mới nhất này là một phần trong hàng loạt hoạt động hàng hải đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc. Chúng tôi cho rằng Bắc Kinh cần phản giải thích rõ cơ sở và chi tiết những hoạt động đó với Việt Nam và cộng đồng quốc tế."

Ngày 8/5, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf cho rằng việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của Việt Nam là một hành động khiêu khích.

Bà nói: “Động thái của Trung Quốc là vô cùng nguy hiểm bởi có thể dẫn đến những tính toán sai lầm và kéo theo các hành động khiêu khích khác và làm gia tăng căng thẳng. Sự việc diễn ra ở biển Đông hoàn toàn trái ngược với những gì Mỹ mong muốn.

Chúng tôi muốn căng thẳng và tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình và các tuyên bố chủ quyền phải dựa trên luật pháp quốc tế. Chúng tôi luôn thảo luận với Trung Quốc nhiều vấn đề về tranh chấp ở Biển Đông cũng như biển Hoa Đông trong mọi cuộc gặp giữa hai bên là làm sao để giải quyết và hợp tác cùng các nước. Chúng tôi cũng nói với các nước khác như thế không riêng gì Trung Quốc”.

Bà Marie Harf nói thêm rằng việc Trung Quốc đưa tàu chiến hay bất cứ hành động nằm ngoài khuôn khổ của luật pháp quốc tế cũng đều là khiêu khích. Mỹ đã và luôn hối thúc Trung Quốc giải quyết vấn đề Biển Đông  một cách hòa bình.

Ông Michael Mann, người phát ngôn của Đại diện Cấp cao EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu.

Cũng trong ngày 8/5, ông Michael Mann, người phát ngôn của Đại diện Cấp cao EU kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cho biết: ”Chúng tôi quan ngại về những diễn biến gần đây giữa Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến việc lắp đặt giàn khoan HD-981 của Bắc Kinh.

EU đặc biệt quan ngại rằng những hành động đơn phương có thể ảnh hưởng đến an ninh trong khu vực, bằng chứng là các vụ va chạm gần đây giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc. Chúng tôi đề nghị các bên liên quan tìm kiếm các giải pháp hòa bình và hợp tác theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và tiếp tục đảm bảo an toàn và tự do hàng hải”.

Ông Mann còn kêu gọi các bên có nhiệm vụ làm giảm căng thẳng và kiếm chế các hoạt động đơn phương gây tổn hại cho hòa bình và sự ổn định của khu vực. Phát ngôn viên này khẳng định EU sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến sắp tới

Trung Quốc vi phạm cả DOC lẫn Công ước quốc tế

Trung Quốc vi phạm cả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) lẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và sẽ phải đối mặt với hậu quả lâu dài. Đó là nhận định của ông Gregory Poling, chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế của Mỹ, tổ chức nghiên cứu số 1 thế giới về an ninh và các vấn đề quốc tế, khi trả lời phỏng vấn của PV hôm 9/5.

Theo ông Poling, việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan dầu cùng nhiều tàu hộ vệ vào hoạt động tại vùng biển Việt Nam là một toan tính chính trị của Trung Quốc.

Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc có thể thu được lợi nhuận lớn hơn nhiều từ các hoạt động khai thác dầu khí trên vùng biển phía Bắc. Hành động đưa giàn khoan tới Biển Đông nhằm mục đích khiêu khích, thử phản ứng của Việt Nam cũng như gửi một thông điệp tới Việt Nam và các nước láng giềng Philippines và Malaysia.

Dưới góc độ Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS), Trung Quốc có thể lập luận rằng nếu họ kiểm soát Hoàng Sa thì nghiễm nhiên vùng biển tại đây cũng thuộc về họ. Tuy nhiên, Hoàng Sa lại là nơi đang tranh chấp chủ quyền và do vậy vùng biển tại đây cũng là khu vực tranh chấp.

Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 quy định rõ rằng trong trường hợp có tranh chấp thì các bên kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Năm 2002, Trung Quốc cũng đã ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) với ASEAN, trong đó các bên cam kết kiềm chế không tiến hành các hành động khiêu khích và đơn phương. Do vậy, hành động của Trung Quốc đã vi phạm cả tinh thần lẫn nội dung của 2 thỏa thuận trên.

Theo Đất Việt
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo