Trung Quốc ngưng nhập khẩu gạo tiểu ngạch, doanh nghiệp điêu đứng
Dù doanh nghiệp xuất tiểu ngạch đang điêu đứng nhưng Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, gạo xuất chính ngạch sang Trung Quốc vẫn bình thường.
Tồn lớn vì bị cho là hàng lậu
Khoảng hai tháng nay, bà Nguyễn Thị Bích Vượng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hưng Thịnh (Lào Cai) đứng ngồi không yên với lượng gạo 3.000 tấn, gần 1.000 tấn đường tồn kho vì Trung Quốc cấm biên.
Thậm chí, một lượng hàng lớn bà Vượng đã ký kết với các đối tác miền Nam cũng chưa được chở ra Bắc do đường biên ách tắc. “Những năm trước, Trung Quốc chỉ cấm một vài ngày rồi mở lại, nhưng năm nay họ cấm hàng tháng”, bà Vượng cho biết.
Theo bà Vượng, nếu gạo đi chính ngạch, phía đầu nậu bao biên gạo của Trung Quốc phải chịu thuế rất cao nên họ phải chuyển về cửa khẩu phụ, sử dụng chính sách biên mậu để “đón” hàng cho đỡ chi phí.
Tuy nhiên, gần đây, khi gạo đi qua cửa khẩu phụ Bản Vược (Bát Xát, Lào Cai) bị Trung Quốc kiểm soát chặt và xem là hàng lậu (nhất là khi Bộ Công Thương và tỉnh Lào Cai cho hàng tạm nhập tái xuất đi qua - PV).
“Do hàng bị ứ đọng, tiền của doanh nghiệp và đơn vị cấp hàng nằm chết trong kho, không quay vòng được. Áp lực nhất là khoản vay 20 tỷ đồng để lấy hàng. Ngày nào người ta cũng gọi điện. Tôi phải khất đến cuối tháng, xem tình hình đường biên ra sao”, bà Vượng tâm sự.
Cùng cảnh ngộ, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc một doanh nghiệp chuyên làm hàng gạo đường tiểu ngạch ở Lào Cai cũng đau đầu với hơn 2.300 tấn gạo, trên 4.500 tấn đường ứ trong kho.
Theo bà Nguyệt, vừa rồi, mấy ông “bao biên” Trung Quốc đi “trốn” qua tiểu ngạch với số lượng lớn, cơ quan chức năng của họ không thu được thuế, nên càng bị siết gắt hơn. Tuy nhiên, bà Nguyệt cho hay, phía Trung Quốc đang kiểm tra, tính toán để thu phí địa phương với các cửa khẩu phụ, lối mở bên họ.
Tại khu vực Bản Quẩn (xã Bản Phiệt, Bảo Thắng, Lào Cai), nơi đang cho thí điểm xuất khẩu gạo tiểu ngạch cũng đang bị tắc. Một cán bộ Hải quan Chi cục cửa khẩu Lào Cai cho hay, khoảng 2 tháng nay gần như không xuất được gạo qua lối này, do phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra. Trong khi đó, dù cửa khẩu chính vẫn xuất hàng bình thường, nhưng doanh nghiệp không xuất, vì các đầu nậu Trung Quốc chịu thuế cao nên không đón hàng ở cửa khẩu chính.
Theo các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, trước đây, hàng gạo tiểu ngạch có thể đi qua đường Móng Cái (Quảng Ninh), Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang. Tuy nhiên, hiện nay lần lượt các lối đi trên đều bị Trung Quốc kiểm soát, chỉ còn một vài lối đi qua Lào Cai nhưng hiện cũng rơi vào tình trạng “bế quan tỏa cảng”.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lê Ngọc Hưng, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai cho biết, về gạo, vừa rồi phía Trung Quốc họ cấm một số đầu nậu bao biên. Theo ông Hưng, phía Trung Quốc cho rằng, gạo phải đi chính ngạch, nên đi hàng cửa khẩu phụ bị cho là hàng lậu. Do đó, có thể một thời gian nữa gạo mới đi được.
“Chưa kể, trước đó, do tình hình căng thẳng trên biển Đông, một số doanh nghiệp buôn bán với mình, đặc biệt là mặt hàng gạo, họ cũng chặt chẽ hơn, tiền trao cháo múc chứ không cho ứng trước như lâu nay”, ông Hưng nói.
Có ảnh hưởng xuất khẩu?
Trung Quốc cấm gạo tiểu ngạch, liệu có ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của Việt Nam? Khẳng định với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch VFA cho biết, hiện các doanh nghiệp đăng ký xuất chính ngạch với VFA qua đường bộ vẫn xuất bình thường.
Còn tình hình xuất tiểu ngạch hiện ông Linh chưa nắm rõ. Tuy nhiên, theo ông Linh, sẽ không ảnh hưởng xấu tới xuất khẩu gạo nước ta. Từ đầu năm đến nay, gạo chính ngạch sang Trung Quốc đạt khoảng 1 triệu tấn và tiểu ngạch khoảng 600 nghìn tấn.
Chủ tịch VFA cũng cho biết, hiện các thị trường Đông Nam Á (Philippines, Malaysia, Indonesia) đang có nhu cầu lớn, giá gạo xuất rất tốt, nên không lo ngại gạo tồn kho trong nước, nông dân bán lúa giá thấp. Hơn nữa, hiện các nước châu Phi cũng quan tâm trở lại gạo Việt Nam.
Gạo Việt Nam đang dần quay lại được thị trường châu Á. Điều này, sẽ giúp các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam chủ động, khi thị trường Trung Quốc tiềm ẩn khó lường, rủi ro cao, nhất là những lúc hai nước còn căng thẳng trên biển Đông.
Theo ông Huỳnh Thế Năng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood2), lượng gạo phục vụ nhu cầu xuất khẩu hiện không còn nhiều. Hiện, các Công ty thành viên của Vinafood2 mua vào số lượng hạn chế, trong khi giá lại cao hơn giá xuất khẩu. “Có điều gì đó hơi bất thường, chưa lý giải được”, ông Năng nói.
Theo VFA, giá gạo trong nước đang cao, có lợi cho nông dân. Hiện, giá lúa khô tại kho khu vực đồng bằng sông Cửu Long, loại thường 5.650- 5.750 đồng/kg và lúa dài khoảng 5.850-5.950 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 7.500- 7.600 đồng/kg; gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.350-7.450 đồng/kg (tùy chất lượng và địa phương).
Hiện nay, lượng gạo đã ký với các đối tác đạt trên 5,7 triệu tấn; lượng gạo xuất đi đến giữa tháng 8/2014 đạt gần 3,8 triệu tấn.
Lãnh đạo VFA cho hay, hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam loại 5% tấm là 450 USD/tấn trở lên, gạo 15% tấm trên 430 USD/tấn, còn loại 25% tấm cũng phải 400 USD/tấn trở lên.
Với mức trung bình trên, hiện gạo của Việt Nam có giá cao hơn của Thái Lan cỡ 10-20 USD/tấn. Năm nay, loại gạo thơm jasmine bán chạy, chiếm khoảng 20% sản lượng gạo xuất khẩu.
“Liên quan gói thầu 500 nghìn tấn của Philipines mở thầu sắp tới, ai còn gạo trữ thì đấu thầu. VFA đã cảnh báo, những DN có lượng gạo tồn kho mới cho đăng ký, chứ ký kết xong rồi mới chạy mua gạo là không được. Nhiều anh làm không tính toán, ký rồi nhưng không có gạo giao, lại la này la nọ, um xùm lên”.
Chủ tịch VFA
Nguyễn Hùng Linh
Theo Tiền Phong
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Mạng 5G đã sẵn sàng, hướng đi nào để doanh nghiệp viễn thông 'đánh thức' tiềm năng thị trường?
Lượt cài đặt ứng dụng mua sắm trên toàn cầu tăng mạnh
Hỗ trợ vốn khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ
Giá ngoại tệ ngày 27/12/2024: Đồng USD giảm giá
Đà Nẵng: Giám sát chặt chẽ việc lập hóa đơn điện tử kinh doanh, bán lẻ xăng dầu
TP Hồ Chí Minh: Đảm bảo đủ nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết 2025