Tin tức - Sự kiện

Trung Quốc vội quên những cái bắt tay nồng ấm

Luôn mong muốn một nền hòa bình, trật tự biển Đông đúng công pháp, các lực lượng chấp pháp Việt Nam trọn lý, trọn tình trên biển. Nhưng cái nhận được chỉ là sự hung hăng, ngang ngược bất chấp đạo lý, luật pháp quốc tế, không chỉ của tàu hải cảnh, hải giám mà ngay cả tàu cá Trung Quốc khi xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam.

Trung Quốc đã vội quên những cái bắt tay và vẫy tay tạm biệt chân tình của những người cảnh sát biển Việt Nam sau chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá vịnh Bắc bộ giữa tháng 4/2014 ảnh: Đức Hạnh - Liên Châu. Nguồn: CSBVN

 2 tuần sau cái bắt tay…

Trên cabin khoang lái tàu, thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) 8003 (Vùng 1)- Đại úy Nguyễn Văn Hưng tập trung quan sát các mũi tàu biên đội CSBVN đang cơ động, tiếp cận giàn khoan 981 Trung Quốc hạ đặt trái phép lên vùng biển Việt Nam. Tin báo, tàu Trung Quốc số hiệu 3210 đang vây ráp, quyết liệt ngăn cản tàu Việt Nam, khiến ánh mắt vị thuyền trưởng trẻ đăm chiêu.
 
Mới 2 tuần trước thôi, trung tuần tháng 4/2014, đôi tàu Trung Quốc, trong đó có tàu 3210 cùng 2 tàu CSBVN 8003 và 2007 cùng tham gia chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá. Đó là chuyến kiểm tra liên hợp lần thứ 9 kể từ khi hai nước ký Hiệp định hợp tác nghề cá trong vùng đánh cá chung Vịnh Bắc bộ.
 
Lúc đó, tàu CSBVN 8003 do Trung tá Phan Văn Tĩnh làm thuyền trưởng. Đại úy Hưng giữ chức thuyền phó. Năm ngày, 2 đôi tàu Việt Nam - Trung Quốc đi gần chục điểm từ Cồn Cỏ đến khu vực Bạch Long Vĩ (vịnh Bắc Bộ), kiểm tra, giám sát tàu thuyền ngư dân nhằm đảm bảo hoạt động đánh bắt trên biển.
 
Thuyền trưởng Hưng, kể: Ngày cuối cùng, hai bên chọn một điểm, rồi các tàu xáp lại gần nhau. Các thành viên CSB Việt Nam, Trung Quốc cùng lên tàu nhau, giao lưu, chụp hình, cụng nhau từng chén rượu nồng. Họ hứa sẽ gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp, hữu nghị và nền hòa bình biển Đông. Chúng tôi cũng trao cho họ những cái bắt tay đầy thiện chí, nồng ấm.
 
15 năm gắn bó nghiệp CSBVN, giữ đủ chức vụ từ thuyền trưởng tàu CSB 2007, thuyền phó và lên thuyền trưởng tàu CSB 8003, Đại úy Hưng có 3 chuyến trực tiếp tham gia tuần tra chung với phía Trung Quốc.
 
Đại úy Hưng bảo: Việc tuần tra diễn ra tốt đẹp, hơn ai hết, những người trên tàu Trung Quốc hiểu về phạm vi vùng biển Việt Nam, vùng đánh cá chung, vùng đặc quyền kinh tế. Vậy mà, chỉ 2 tuần lễ, họ đã bội ước, cùng với các lực lượng tàu Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, bất chấp tất cả và uy hiếp chính những người bạn đã từng sát cánh bên họ.
 
“Tôi hình dung nếu có những đợt tuần tra tiếp theo, lực lượng hải giám, hải cảnh Trung Quốc sẽ như thế nào? Nhưng rõ ràng, hành động của họ đang gây ra những khoảng cách vô hình. Làm tổn hại tình hữu nghị hai nước” - một cán bộ trên tàu CSBVN 8003 bộc bạch.
 
Tình cho đi và cái nhận lại
 
10 năm đứng chân trong lực lượng CSB, Đại úy Bùi Huy Đáp (tàu CSBVN 8003), tham gia hàng loạt hải trình tuần tra, cứu hộ cứu nạn ngang dọc khắp vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Tổ quốc. Khó kể hết những lần cứu nạn ngư dân giữa tâm bão. Nhưng lần cứu hộ 16 ngư dân tàu cá Trung Quốc khiến anh nhớ mãi. Giữa hè năm 2008, cơn áp thấp nhiệt đới làm cả vùng biển Bạch Long Vĩ động mạnh, sóng giật cấp 7-8.
 
Hàng loạt tàu thuyền trong, ngoài nước gặp nạn. Anh Đáp nhận lệnh cùng tàu CSB Vùng 1 khẩn cấp đạp sóng ra cứu tàu Trung Quốc trôi dạt vùng biển vịnh Bắc bộ. “Con tàu chạy xuyên đêm. Đến hiện trường, tàu cá Trung Quốc đang gần chìm. Chúng tôi phối hợp cùng lực lượng biên phòng cứu sống 16 ngư dân Trung Quốc an toàn. Tiếc là con tàu bị sóng đánh toạc, chìm nghỉm không thể cứu kéo”, anh Đáp kể.
 
Họ đã trở mặt, hung hãn tấn công xịt vòi rồng vào những tàu chấp pháp của Việt Nam ảnh: Nguyễn Huy
 
Theo Thiếu tá Lê Văn Cường, khi tàu thuyền Trung Quốc gặp nạn, bất kể họ đang vi phạm hay không, phía Việt Nam đều “cứu người như cứu hỏa”. Nhưng có những lúc lực lượng hải cảnh, hải giám Trung Quốc lại hành xử khác. 
 
Thiếu tá Cường nhớ như in hải trình cứu nạn ngư dân tên Đức (quê Phú Yên) trên con tàu gặp nạn ở Hoàng Sa (chủ quyền Việt Nam, Trung Quốc chiếm đóng trái phép). Ngày tàu phát hiện Đức trôi dạt giữa lớp sóng trùng trùng, một tay buộc chặt vào can nhựa, đã ngất lịm, người chi chít các vết cá rỉa khoét thịt. 
 
Sau 3 ngày chăm sóc đặc biệt, Đức mới hồi sinh. Tàu anh Đức có 9 người, gặp tâm bão, vào xin trú tránh ở Hoàng Sa. Tuy nhiên, phía lực lượng trên biển Trung Quốc dùng vòi nước ngăn cản. Con tàu như chiếc lá tre bị sóng đánh gãy gục. Các thuyền viên chỉ còn kịp đổ hết can nhựa chứa nước ngọt, cột lại thành bè phao.
 
Sóng hung hãn đánh đứt dây buộc, chia thành 2 phao. Đức cùng 3 người bám víu một phao, 5 người còn lại bám vào bè khác. Ba ngày đêm giữa tâm bão, nhiều người đuối sức, buông tay xuống lòng biển. Đức trẻ tuổi, cố bám trụ, lấy dây buộc chặt cánh tay vào phao. “3 ngày, sống sót được như Đức là một kỳ tích. Nếu các lực lượng trên biển của Trung Quốc nhân đạo, cho tàu anh Đức vào trú tránh thì mọi việc chắc hẳn đã khác”, anh Cường nói.
 
Trực tiếp trên boong tàu, chứng kiến các hành vi hải cảnh, hải giám, tuần ngư, tàu cá vỏ sắt Trung Quốc quyết liệt ngăn cản trái phép tàu chấp pháp Việt Nam cơ động, tiếp cận giàn khoan 981, Thượng úy Bùi Văn Sơn (tàu CSBVN 8003), nói: Không chỉ tàu hải cảnh, hải giám, ngay cả tàu cá Trung Quốc cũng ngang ngược, ngoan cố khi xâm phạm vùng biển Việt Nam.
 
Tham gia hàng loạt hải trình tuần tra, xua đuổi tàu cá Trung Quốc, đánh bắt trái phép, Thượng úy Sơn cảm nhận, tàu cá nước này dùng đủ chiêu đối phó tàu chấp pháp Việt Nam khi bị phát hiện. “Các chủ tàu cá Trung Quốc lệnh đóng tất cả các cửa, cố thủ bên trong để đối phó.
 
Khi tàu CSBVN áp lại, họ bẻ hết lái, lấy dây cột lại, cho tàu xoay vòng vòng khiến ta rất khó cập mạn. Nếu tất cả thủ đoạn này thất bại, họ sẵn sàng đánh hỏng máy tàu để gây khó khăn cho chúng tôi khi kéo tàu thuyền Trung Quốc vào bờ, xử lý”, Thượng úy Sơn kể.
 
Khoảng tháng 9/2009, trong chuyến tuần tra, Thượng úy Sơn phát hiện 7 tàu cá Trung Quốc giả dạng tàu cá Việt Nam để tiến sâu khu vực cách bờ 60-70 hải lý đánh bắt trái phép. Các tàu này lấy số hiệu, cờ Việt Nam, có 7-9 người Trung Quốc trên mỗi tàu.
 
Lúc phát hiện, họ trốn trong thùng xốp dưới giường để đối phó. Đại úy Bùi Huy Đáp (tàu CSBVN 8003), kể: Khi phát hiện tàu chấp pháp Việt Nam, tàu cá Trung Quốc bỏ chạy nhưng sau đó tìm cách quay lại để đánh bắt trái phép.
 
“Trung Quốc xâm phạm trái phép vùng biển Việt Nam, bất chấp tất cả luật pháp, tính nhân đạo quốc tế. Họ có quá nhiều thủ đoạn, và những toan tính đầy mưu mô, nguy hiểm”, Thượng úy Sơn nói.
 
Không chỉ tập trung tuyên truyền, Sơn còn dành thời gian học thêm ngành Luật Kinh tế (trường ĐH Hải Phòng). Vừa nhận bằng Luật, anh tham gia hải trình bảo vệ vùng biển cùng các biên đội tàu CSB. Thượng úy Sơn bảo: Chúng tôi từng ngày thu thập thêm nhiều chứng cứ, chứng lý các hành vi sai phạm của Trung Quốc.
 
 

Thiếu tá Lê Văn Cường, Cơ quan kỹ thuật vùng 1 CSBVN, người trực tiếp tham gia chuyến kiểm tra liên hợp nghề cá chung trên biển với Trung Quốc tháng 4/2014 vừa rồi, kể: “Sau mỗi đợt tuần tra, thống kê số lượng tàu Trung Quốc vi phạm trái phép vùng biển Việt Nam lúc nào cũng cao. Những ngày biển động mạnh, tuần tra khó khăn nhưng ngày cuối mọi người cùng bắt tay thân mật, cám ơn nhau. Nay chính những tàu Trung Quốc này lại hộ tống, bảo vệ trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Ai cũng buồn, tiếc! Trung Quốc không giữ bất kỳ cam kết nào trong vấn đề biển Đông và đã làm mất đi hình ảnh của mình”.

 

Tiền Phong
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo