Trung thu... của người lớn?
Và nỗi băn khoăn "Trung thu giờ là Tết của trẻ con hay dịp của người lớn?" ngày một rõ nét trong mùa Trung thu năm nay.
Nay đã khác xưa
Tết Trung thu truyền thống là ngày dành cho thiếu nhi, cũng là dịp để ông bà, cha mẹ thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm, chăm sóc của mình với con cháu. Vì vậy, chỉ trẻ con mới được tặng quà - những món đồ chơi truyền thống xinh xắn, hợp với lứa tuổi để "vui hội trăng Rằm" và những chiếc bánh nướng, bánh dẻo giản dị để "bày cỗ trông trăng".
Nhưng giờ thì khác, người lớn tặng quà cho người lớn trong dịp Trung thu. Thậm chí nhiều người thẳng thắn bày tỏ quan điểm: Người lớn háo hức Trung thu hơn cả trẻ con, và quà cho người lớn nhiều hơn quà cho trẻ nhỏ…
Thực tế cho thấy, rất nhiều người "nhằm" dịp Trung thu đổ xô đi mua những hộp bánh nướng, bánh dẻo, kèm theo những món quà đắt tiền để làm quà biếu. Đối tượng nhận quà càng quan trọng, giá trị món quà càng cao. Ngoài thị trường vì thế đã có những hộp bánh cao cấp có giá lên tới 6 - 7 triệu đồng, thậm chí có hộp bánh còn "vọt" lên tới gần 12 triệu đồng.
Hộp đựng bánh mỗi năm một cầu kỳ, sang trọng, năm nay trong hộp bánh lại còn kèm theo rượu ngoại… Trẻ con chẳng nhẽ lại xa xỉ đến thế? Trẻ con chẳng nhẽ lại uống rượu? Rượu là "món" song hành với bánh nướng, bánh dẻo trong ngày Tết Trung thu truyền thống?...
Rõ ràng, những sản phẩm này thuộc về người lớn, với những mục đích khác, ngoài việc thể hiện tình yêu thương.
Thật ra, việc tặng quà Trung thu là một thói quen đã được hình thành và phổ biến khi đời sống khá lên sau đổi mới. Việc làm này tuy không xấu nhưng không đúng với ý nghĩa thực của ngày Tết Trung thu truyền thống.
Chưa nói đến những biến tướng của món quà Trung thu, nếu cứ để "thói quen" này tiếp diễn từ thế hệ này sang thế hệ khác, thì đã vô tình làm mai một đi những nét đẹp văn hoá của Tết Trung thu.
“Đừng dựa vào ngày của các cháu!”
Mục đích của việc biếu quà Trung thu thì thiên hình vạn trạng. Phổ biến nhất, là nhiều bậc phụ huynh bỏ ra khoản tiền không nhỏ so với thu nhập của mình để mua hộp bánh Trung thu biếu thầy, cô giáo. Vậy là người lớn đang dựa vào ngày của trẻ con để làm việc của người lớn. Điều đáng báo động, "thói quen" này đang ngày càng phổ biến.
Theo đánh giá của TS Trịnh Hòa Bình, đây là một trong những mặt trái của cơ chế thị trường hiện nay: "Những hành động này đang làm mất dần nét lành mạnh, trong sáng của ngày Tết trẻ em, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục". Chưa kể, việc làm này còn vô tình làm ảnh hưởng đến thế hệ tương lai, hình thành cho chúng lối tư duy phân biệt giữa những đứa trẻ con nhà giàu với nhà nghèo.
Dưới góc độ của người làm giáo dục, PGS Văn Như Cương cho rằng, việc phụ huynh, học sinh thăm thầy cô vào các ngày Tết, 20/11 hay Trung thu không xấu. Thế nhưng, việc tặng những hộp bánh, quà đắt tiền với mục đích lấy lòng giáo viên để có sự ưu ái đặc biệt đáng bị lên án, bởi nó sẽ tạo thành một thói quen xấu, lối suy nghĩ sai lệch của người lớn về ngày Tết thiếu nhi, lâu dần thói quen này trở thành căn bệnh "nan y" phổ biến của toàn xã hội, rất khó có thể thay đổi được.
Ví dụ về quy định giá trị quà biếu ở nước ngoài được TS Trịnh Hòa Bình đưa ra như một điển hình cho biện pháp ngăn chặn sự biến tướng của Tết Trung thu: "Ở nước ngoài người ta có những quy định cụ thể về giá trị mỗi quà biếu được nhận. Có nước quy định chỉ được nhận quà biếu dưới 300 USD, trên mức đó mà nhận là bị xử lý".
Nhưng xét cho cùng, việc làm này nằm nhiều ở ý thức và cái tâm của người lớn đối với con trẻ. Giữa lúc trò chơi dân gian đang mai một, đồ chơi Trung Quốc lấn át đồ chơi truyền thống, các chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi bị thương mại hóa… có lẽ, người lớn nên nói với nhau "Đừng dựa vào ngày của các cháu" thay cho lời nhắc nhau: "Đến Tết Trung thu rồi đấy!". Làm như thế cũng là góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống và xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử thời hiện đại.
Theo KTĐT
End of content
Không có tin nào tiếp theo